Trước tình hình đó, Bộ NNPTNT chính thức phát động chiến dịch phòng trừ bệnh chổi rồng hại nhãn, chôm chôm từ tháng 1.2015 và kéo dài đến cuối tháng 6.
Diện tích nhiễm nặng tăng mạnh
Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, tính đến cuối tháng 8.2014, tổng diện tích nhãn toàn vùng ĐBSCL hiện nay đạt khoảng 32.900ha, tập trung chủ yếu ở 7 tỉnh gồm Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh. Trong đó, tổng diện tích nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng khoảng 15.400ha, chiếm hơn 60% diện tích vườn nhãn của các tỉnh.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, nguyên nhân diện tích vườn nhãn nhiễm chổi rồng nặng tăng mạnh là do nông dân không tha thiết phòng trừ hoặc phòng trừ bằng thuốc mà không đầu tư phân bón nên bị tái nhiễm ở mức độ nặng một cách dễ dàng.
Ông Nguyễn Văn Liêm – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, là địa phương có diện tích trồng nhãn lớn trong vùng, dịch bệnh chổi rồng đã khiến nhiều nông dân Vĩnh Long phải đốn bỏ vườn. Tính đến cuối tháng 12.2014, diện tích nhãn của tỉnh tiếp tục giảm trong khi diện tích nhiễm bệnh vẫn tăng lên.
Theo đó, toàn tỉnh Vĩnh Long hiện chỉ còn hơn 7.800ha nhãn, giảm gần 1.800ha so với năm 2013, năng suất nhãn trong vòng 4 năm qua cũng đã giảm 3,4 tấn/ha. Trong đó, có hơn 7.400ha nhãn của Vĩnh Long nhiễm chổi rồng, mức nhiễm bệnh nặng chiếm hơn 30%.
Còn theo ông Cao Văn Hóa – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Tiền Giang, năm 2012, tỉnh này có khoảng 8.580ha trồng nhãn thì có đến 82,7% diện tích bị nhiễm bệnh, tức khoảng gần 7.100ha, trong đó, nhiễm bệnh nặng chiếm gần 4.800ha.
Đến cuối năm 2014, diện tích nhãn tại Tiền Giang chỉ còn khoảng 5.460ha, giảm hơn 3.100ha do nông dân chặt bỏ vườn vì dịch bệnh, năng suất thấp.
Chưa có thuốc đặc trị
TS Trần Văn Khởi – Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, dù Bộ NNPTNT đã nhiều lần họp, triển khai các biện pháp dập dịch đối với chổi rồng hại nhãn, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy trình phòng trừ bệnh chính thức, cụ thể và khả thi. Do đó, hiệu quả phòng trừ bệnh chưa cao.
Trong khi đó, giá thu mua nhãn hiện rất bấp bênh, nhiều thời điểm xuống rất thấp, bình quân chỉ ở mức 7.000 – 8.000 đồng/kg trong khi chi phí đầu tư 1kg nhãn hàng hóa xấp xỉ 5.400 đồng. Trong điều kiện áp lực bệnh cao, chi phí phòng trừ nhện lông nhung lớn nên nhiều nhà vườn không quan tâm đầu tư thâm canh.
Trước tình hình đó, Bộ NNPTNT đã phát động chiến dịch phòng trừ bệnh chổi rồng hại nhãn, bắt đầu từ nay đến cuối tháng 6.2015. Trong thời gian chờ đợi nghiên cứu nguyên nhân gây bệnh, Bộ NNPTNT yêu cầu các địa phương sử dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp như bón phân cân đối, tưới nước với áp lực lớn để trừ nhện, tăng cường giám sát vườn cây, phát hiện xử lý bệnh sớm…
Theo TS Võ Mai – Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, bệnh chổi rồng trên nhãn đến nay vẫn chưa xác nhận được tác nhân chính gây bệnh, do đó, hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh. Tuy nhiên, trên tất cả những cây nhãn nhiễm bệnh đều có mặt nhện lông nhung, do đó, theo TS Mai, trước mắt, việc trừ nhện lông nhung là mục tiêu của việc phòng trị bệnh chổi rồng.
“Không nên trồng một số loại cây ký chủ phụ của nhện lông nhung xung quanh vườn nhãn như bồ ngót, bóng né tím… Cũng nên cắt bỏ cành lá tiếp xúc với mặt đất để hạn chế sự di chuyển của nhện từ mắt đất lên cây” - bà Mai khuyến cáo.