Thạc sĩ Phạm Tuấn Dương – Phó Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu trung ương cho biết đến thời điểm này tình trạng khan hiếm máu đang xảy ra cục bộ. Nhu cầu dùng máu trong dịp Tết Nguyên đán rất trầm trọng.
Theo đó, gánh nặng về máu đổ đầu các bệnh viện như: Bệnh viện Tim, Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương,… và Viện Huyết học. Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương là nơi mỗi ngày phải cung cấp gần 1000 đơn vị máu cho khoảng 122 bệnh viện lân cận, phục vụ công tác cứu chữa và điều trị.
Số lượng bệnh nhân ngày càng tăng thêm trong khi đó nguồn máu dự trữ cho bệnh nhân cấp cứu, những người bị bệnh về máu phải truyền máu thì quá bấp bênh. Tổng số máu thu gom được từ các nguồn hiến máu tình nguyện, người bán máu chuyên nghiệp chỉ mới đáp ứng được 40% nhu cầu cần máu điều trị. Còn 60% bệnh nhân thiếu màu để điều trị.
TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Khoa Truyền máu, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, gần Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng máu trong điều trị bệnh của viện tăng lên nhưng do tình trạng thiếu máu nên bệnh viện phải cân nhắc trong việc sử dụng máu.
Hiện nay, có tới 30-50% lượng máu Bệnh viện Nhi Trung ương sử dụng hiện nay do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cung cấp, còn lại, viện huy động từ nhiều nguồn như người nhà bệnh nhân, các tổ chức xã hội.
Tuy nhiên đứng trước tình trạng khan hiếm máu, có một bệnh nhân, dự kiến phẫu thuật ghép tế bào gốc tạo máu cho em trước Tết nhưng phải hoãn lại, đợi sau Tết để chờ chế phẩm máu đầy đủ hơn mới tiến hành phẫu thuật.
TS Võ Thị Thanh Bình – trưởng khoa ghép tạng của Viện Huyết học và truyền máu Trung ương cho biết trước tình hình khan hiếm máu hiện nay, các bác sĩ cũng phải cân nhắc chỉ định cho bệnh nhân ghép tạng.
Có những bệnh nhân tha thiết xin mổ trước Tết nhưng do điều kiện thiếu máu và việc chăm sóc bệnh nhân ghép tạng rất cần nhiều thời gian nên bệnh viện lùi thời gian phẫu thuật ghép lại sau Tết.