Dân Việt

Họa sĩ Trịnh Cung: Tôi như hài nhi, đầu tôi nằm ngay dạ con của vợ

An Du - Đông Vũ 15/01/2015 15:37 GMT+7
Sau 20 năm vắng bóng trong các triển lãm mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Trịnh Cung trở lại với “Ngộ” - cái tên triển lãm cũng khiến nhiều người tò mò...

Trong không gian ấm cúng của Manzi Art Space vào tối 14.1, họa sĩ Trịnh Cung đã có cuộc trò chuyện thân mật cùng người yêu tranh và đồng nghiệp.

“Ngộ” gồm các tác phẩm mới nhất của Trịnh Cung, 9 bức than chì và 2 bức tranh sơn dầu. Sở dĩ triển lãm của người họa sĩ già mang tên “Ngộ”, theo lý giải của ông là vì, ông đã ngộ ra được rất nhiều điều trong cuộc sống và ông đã thể hiện nó trong tranh.

img
Họa sĩ Trịnh Cung tại buổi triển lãm "Ngộ". Ảnh: Đông Vũ

 

Từ các phác họa giản dị tới các tranh sơn dầu phức tạp, từ việc tạo dựng tác động mơ hồ giữa tiền cảnh và hậu cảnh trong tranh giấy tới cách biến đổi tấm toan một cách hữu cơ trong tranh sơn dầu, các tác phẩm lần này của Trịnh Cung là một chuỗi chuyển động không ngừng nhằm đưa ra cái nhìn trực diện về bản ngã và tính dục.

Chia sẻ với Dân Việt, họa sĩ Trịnh Cung cho biết, cuộc triển lãm sau 20 năm của ông có cảm hứng từ người vợ và đặc biệt là hình tượng người phụ nữ. Hai bức sơn dầu là điểm nhấn của cuộc triển lãm: “Đôi chúng” và “Mùa trứng rụng” (khổ 2mx4m) thể hiện rất rõ điều đó.

Tác phẩm “Đôi chúng”, theo chia sẻ của họa sĩ Trịnh Cung là sự rút gọn của “Đôi chúng ta”. Bức tranh vẽ người đàn bà được mổ xẻ theo chiều dọc, ngay phía dạ con có gương mặt của một người đàn ông.

img
Tác phẩm "Đôi chúng" được coi là bức tự họa của họa sĩ Trịnh Cung và vợ - nhà thơ Phương Lan
img
Tác phẩm "Mùa trứng rụng"

“Bạn thấy hình ảnh khuôn mặt người đàn ông trong tác phẩm “Đôi chúng” có giống tôi không? Đây là bức tự họa về tôi và bà xã. Cuộc tình của tôi và vợ đã gây ra dư luận và nhiều người coi đó là thị phi. Tôi vẽ bức này để trả lời rằng, người đàn bà này đã sinh ra tôi lần thứ hai ”, họa sĩ Trịnh Cung tâm sự.

Trịnh Cung bảo nếu không có người đàn bà của ông thì sẽ không có triển lãm này: “Tôi như hài nhi và đầu tôi nằm ngay dạ con của vợ vậy”.

Nếu như “Đôi chúng” là bức vẽ về cuộc sống riêng tư của họa sĩ thì “Mùa trứng rụng” là tác phẩm đề cập đến vai trò thiêng liêng của người phụ nữ.

“Ngẫu nhiên tôi bắt gặp những vòng tròn trên tấm vải bố (toan) căng để che mưa cho sân nhà. Tôi ngước lên và nói tại sao không biến nó thành bức tranh. Tôi căng vải và tôi vẽ theo đường dẫn tự nhiên như dòng nước chảy. Và nó ra hình thù. Tôi tự hỏi tại sao nó có sự dẫn dắt giữa hội họa và tự nhiên để rồi đi tới một hình tượng - những vòng tròn có sự liên tưởng tới trứng của người đàn bà đang hân hoan tiếp đón một số phận, một hài nhi. Thế là “Mùa trứng rụng” ra đời”, Trịnh Cung kể lại quá trình sáng tác “Mùa trứng rụng” với PV Dân Việt.

Ngoài hai bức tranh sơn dầu - chất liệu từng gắn bó với tên tuổi của Trịnh Cung thì “Ngộ” còn bao gồm 9 phác họa than chì. Đây là những tác phẩm vẽ cây sồi không lá, chỉ có thân, từa tựa hình ảnh con người.

Trịnh Cung nói việc ông chọn cây sồi cho tác phẩm của mình là một cái duyên và trong số 9 bức tranh vẽ về cây sồi có cả bức như vẽ chính cuộc đời của ông.

img

img
2 trong số 9 tác phẩm vẽ chì của họa sĩ Trịnh Cung

“Khi đang ở Mỹ năm 2013, tình cờ vào công viên tôi bắt gặp những cây sồi, tôi bỗng nhận ra ở cây sồi có cái gì đó rất con người, có nỗi giao hòa với con người”, họa sĩ Trịnh Cung cho rằng mọi sự vật đều có linh hồn, sự sống riêng, chính vì thế, ông đã hòa mình với sự vật. Đó cũng là lúc ông đã “ngộ” ra được nhiều thứ...

Trịnh Cung khiến nhiều người thắc mắc rằng tại sao sau 20 năm ông mới “tái xuất”, ông bảo nguyên nhân là vì ông vẽ ít và mắc bệnh “tự kỷ”.

“Lý do là tôi vẽ ít, do những xung đột trong cuộc sống riêng và cuộc sống chung của xã hội. Tôi mắc bệnh “tự kỷ” và trở nên khắc nghiệt với những gì tôi vẽ ra. Tôi đã cuốn chúng lại, nhốt chúng trong một ống hộp, bắt chúng di chuyển cùng tôi từ nơi này đến nơi khác để tìm cho ra một thiên đường, cho tôi và cho chúng. Và cuối cùng, tôi ngộ ra đó là một tội ác, chúng cần phải được giải thoát khỏi tôi, chúng phải được sống và được chơi như những đứa trẻ”, họa sĩ cho biết.

Một thời gian dài không mở triển lãm song lúc nào ông cũng đau đáu, trăn trở về nền nghệ thuật nước nhà: “Ngày nay người ta lãnh cảm với nghệ thuật quá. Tôi đã từng làm một bảng thăm dò hiểu biết về nghệ thuật, cả một thế hệ trẻ không nhận thức được thì làm sao nghệ thuật sống nổi. Đó là nỗi đau lớn nhất của người nghệ sĩ”.

20 năm gặp lại đồng nghiệp, công chúng yêu mỹ thuật ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, Trịnh Cung khẳng định ông vẫn tiếp tục sống vì nghệ thuật. Ít nhất là khi “Ngộ” được trưng bày tại Hà Nội, công chúng đã không lãng quên ông.

“Tôi rất hạnh phúc vì người đến xem đông đảo -  điều tôi mong ước và đã đạt được. Tôi mừng lắm và cảm nhận đây là chuyến đi may mắn”, Trịnh Cung nói...

Triển lãm "Ngộ" sẽ được trưng bày đến hết ngày 20.1.2015.

Sinh ra tại Nha Trang năm 1939, Trịnh Cung tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Huế năm 1962 và ông được coi là một trong những nghệ sĩ xuất sắc nhất của Việt nam trước 1975. Trịnh Cung đã triển lãm tại nhiều nơi trên thế giới  như Singapore, Pháp, Anh... Ông hiện đang sống tại TP.HCM và thường xuyên tham gia thỉnh giảng mỹ thuật tại một số trường đại học có tiếng của Mỹ.