Chuột là động vật gây hại và trung gian lây truyền một số bệnh truyền nhiễm cho người, trong đó có những bệnh rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị.
Một số bệnh lây truyền từ chuột phổ biến như bệnh dịch hạch, viêm phổi, vàng da xuất huyết, sốt xuất huyết kèm theo suy thận do Hantavirus...
Diệt chuột để phòng trừ các bệnh truyền nhiễm |
Chuột lây bệnh sang người qòn qua thực phẩm bị chúng làm ô nhiễm, từ côn trùng trung gian như bọ chét, ve hoặc qua phân, nước tiểu, nước bọt hoặc vết cào, cắn của chuột.
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và văcxin sinh phẩm Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, các bệnh do chuột lây truyền này hầu hết đều chưa có văcxin phòng ngừa, do đó để phòng ngừa sự lây nhiễm các bệnh trên cho người, cần thiết phải kiểm soát sự phát triển của chuột, hạn chế sự tiếp xúc với chuột cũng như chăm sóc y tế đúng cách sau khi bị vết thương do chuột gây ra
Một số cách phòng ngừa các bệnh do liên quan đến chuột:
- Chăm sóc y tế khi có vết thương do chuột cào cắn:
+ Các vết cào cắn do chuột có thể là đường vào của các bệnh như Dại, Sốt chuột cắn...
+ Các vết thương cần được chăm sóc y tế đúng mức như rửa sạch bằng nước và xà phòng, sau đó sát trùng lại bằng cồn hoặc povidin, có bán ở hầu hết các hiệu thuốc tây.
Cần rửa vết thương chuột cắn với xà phòng, không được nặn, bóp máu ở vết thương. |
+ Người bị thương cần đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ khám, chỉ định thuốc và tiêm chủng phòng bệnh. Chuột rất hiếm khi nhiễm virus dại nhưng nếu bị chuột cắn thì vẫn cần tiêm phòng dại.
- Kiểm soát sự phát triển của chuột:
+ Biện pháp dân gian nuôi mèo bắt chuột vẫn được coi là biện pháp hiệu quả và an toàn. Các biện pháp như đặt bẫy lồng, keo dính cũng được khuyến khích sử dụng trong hộ gia đình.
+ Sử dụng hóa chất để diệt chuột. Có nhiều loại hóa chất diệt chuột đã từng được sử dụng và tất cả đều là những hóa chất độc hại cho người và vật nuôi. Trước đây người ta thường sử dụng kẽm phosphide (còn được gọi là phốt pho kẽm), là hóa chất gây độc thần kinh, chuột chết ngay tại chỗ sau khi được ăn bả. Ngoài ra các hóa chất kháng đông máu cũng thường được sử dụng dưới dạng viên.
Loại bả diệt chuột này hiện nay rất phổ biến trên thị trường vì tính tiện dụng và hiệu quả. Với loại hóa chất này, chuột có thể chết ngay sau khi ăn bả vài ngày.
+ Tại đô thị, nếu phát hiện xác chuột trong khuôn viên nhà, phải mang găng tay cao su cho xác chuột vào bao nilon nhiều lớp, gói kín lại và bỏ vào thùng rác.
+ Tại khu vực nông thôn hoặc vùng ven có nhiều đất trống, việc chôn lấp xác chuột được khuyến khích thực hiện.
+ Trong tháng 12 và tháng 1.2013, ngành y tế thành phố tổ chức diệt chuột tại một số khu vực trọng điểm, có thể lượng xác chuột sẽ xuất hiện nhiều và đồng loạt. Vì vậy ngành y tế sẽ tổ chức thu gom xác chuột và xử lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường.
- Giữ vệ sinh nhà cửa, hạn chế nơi ẩn náu của chuột và xử lý vệ sinh tại những nơi có chuột:
+ Bản chất của chuột nhà thường làm hang trong những góc tối, che phủ kín. Chính vì vậy việc giữ gìn nhà cửa gọn gàng sạch thoáng, không chất đống các đồ đạc không dùng đến sẽ giúp hạn chế sự tồn tại của chuột trong nhà. Các cánh cửa nhà, cửa tủ đóng kín cũng sẽ ngăn cản chuột xâm nhập từ bên ngoài.
+ Chuột thường sống ở những nơi dễ kiếm thức ăn. Vì vậy việc bảo quản thức ăn che đậy kín và hạn chế thức ăn rơi vãi sẽ hạn chế sự hấp dẫn đối với chuột, từ đó cũng có hạn chế sự xâm nhập của chuột.
+ Nên sử dụng găng tay cao su lúc dọn dẹp nhà cửa khi nghi ngờ có chuột để tránh sự tiếp xúc trực tiếp với nước tiểu và phân chuột.
+ Nếu phát hiện có phân hoặc nước tiểu của chuột, phải dùng nước Javel pha theo hướng dẫn sử dụng trên nhãn chai để lau sạch bề mặt ô nhiễm, sau đó lau lại bằng nước sạch và lau khô.
+ Không nên quét khô ở những bề mặt nhiễm phân và nước tiểu của chuột vì có thể hít phải bụi hoặc những giọt nước nhỏ mang mầm bệnh.