Dân Việt

Niềm tin phục sinh hát cửa đình

Thanh Hà 16/01/2015 07:58 GMT+7
Suốt 4 tháng trời, các nghệ nhân trong Câu lạc bộ (CLB) Ca trù Hải Phòng đã ròng rã tìm về nhà Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ ở Hải Dương để quyết tâm học bằng được trình thức hát ca trù cửa đình. Chiều 14.1, tại đình Hàng Kênh, họ mừng đến trào nước mắt khi thầy bảo: “10 phần đã đạt được 8- 9 rồi”. 

Giọt nước mắt hạnh phúc

Tan buổi trình diễn nghệ thuật hát ca trù cửa đình ở đình Hàng Kênh (Hải Phòng), các nghệ nhân trong CLB Ca trù Hải Phòng ngồi lại để trò chuyện với giới báo chí. Nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt xinh đẹp của ca nương Thu Hằng. Chị tâm sự: “Chúng tôi làm chương trình ngày hôm nay với một mong muốn là truyền tải được những gì mà các nghệ nhân đã từng ấp ủ. Chúng tôi là những người kế tiếp hát thể loại ca trù cửa đình, đó là một trình thức hát mang đậm những sinh hoạt tâm linh của người Việt. 4 tháng qua, dù vất vả, khổ sở đến đâu chúng tôi cũng cố gắng vượt qua. Hôm nay trình diễn xong, thầy Nguyễn Phú Đẹ bảo chúng tôi đạt làm được 8-9 phần của một canh hát cửa đình chuẩn mực ngày xưa, chúng tôi mừng đến phát khóc. Học được không gian trình diễn của đình này, chúng tôi cảm thấy tự tin hơn, yêu ca trù hơn nữa vì đã nhận được một phần di sản các cụ truyền lại”.

img
Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ trình diễn ca trù cửa đình cùng CLB Ca trù Hải Phòng.     Thanh Hà 
Nghệ thuật ca trù đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể thế giới cần được bảo tồn khẩn cấp. Ca trù đã tồn tại mấy trăm năm nay, gắn bó với cuộc sống của người dân Việt Nam và được xem như thể loại nhạc chuyên nghiệp đầu tiên của người Việt. Trong các trình thức ca trù, hát cửa đình được xem là trình thức cổ điển nhất, tuy nhiên, vì nhiều lý do, từ những năm 50 của thế kỷ trước, hát cửa đình đã không còn tồn tại trong đời sống. Nhiều nghệ nhân hát cửa đình khi đó đã phải bỏ nghề, sang làm nghề khác, khiến loại hình này càng mai một và có những lúc tưởng như đã “tuyệt diệt”.

 

May sao, trong số các nghệ nhân hiếm hoi của ca trù còn sống, CLB Ca trù Hải Phòng đã tìm được Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ. Và họ đã không quản nắng mưa, đường xa vất vả, bỏ tiền túi ra để về tận nhà nghệ nhân 92 tuổi tại Hải Dương, quyết học cho bằng được đầy đủ 14 thể cách của hát ca trù.

Chương trình với trình thức hát cửa đình đầy đủ gồm 5 lớp diễn. Lớp đầu tiên với nghi thức tế lễ màn múa Tứ linh và dàn nhạc bát âm; lớp thứ 2 hát đứng, gồm các thể cách Giáo hương, Hát giai, Dâng hương, Thét nhạc với các nghi thức trịnh trọng như kép đàn lùi xuống đọc thơ, 4 đào hương dâng hương lên ban thờ, rồi chia nhau đứng hai bên hương án để hát những câu có âm hưởng ca ngợi các bậc anh hùng dân tộc, lịch sử. Lớp 3 là hát ngồi, gồm hát nói, cung bắc, gửi thư. Lớp 4 là hát đứng với các thể cách: Dồn đại thạch, Đào luôn kép với, Hát phú, Hát sử. Đây là những thể cách để ca nương và kép đàn diễn đạt bài ca trù nhiều ý tình, tâm trạng, trong đó có bài hát nói “Hội đình Ngô Vương” ca ngợi công lao to lớn của Ngô Quyền gắn liền với đẹp văn hóa cổ truyền dân tộc… Lớp cuối cùng là hát ngồi với các thể cách Hãm 3 bậc, Dựng giở và Bỏ bộ. Toàn bộ 5 lớp diễn này được thực hiện trong 90 phút với không gian linh thiêng cửa đình.

Giữ hồn cốt của ca trù

Quan điểm

NSƯT Đỗ Quyên
  Chúng tôi phục dựng ca trù cửa đình hôm nay nhưng không biết có giữ được nó dài lâu không, rất mong Sở VHTTDL Hải Phòng quan tâm đến CLB, giúp đỡ về kinh phí và không gian biểu diễn để ca trù cửa đình có sức sống trở lại”. 
NSƯT Đỗ Quyên- Chủ nhiệm CLB Ca trù Hải Phòng chia sẻ: “Ca trù là một loại hình nghệ thuật khó hát, đặc biệt với ca trù cửa đình lại càng khó hơn nữa bởi nó là chuẩn mực, là hồn cốt của ca trù. Những từ tiếng phách, tiếng đàn, buông câu, nhả chữ, phách tiết tấu của khổ đàn, anh chị em chúng tôi đã phải ghi âm lại lời thầy dạy, sau đó nghe đi nghe lại nhiều lần suốt trong 4 tháng ròng rã. Và thật sự dù canh hát hôm nay chưa thật sự toại nguyện với anh chị em, nhưng tôi cũng rất vui và hạnh phúc khi lần đầu tiên một canh hát ca trù cửa đình sau gần 50 thế kỷ thất truyền được phục dựng lại”.

 

NSƯT Đỗ Quyên cũng cho hay, việc hát phục dựng hôm nay hoàn toàn dựa trên trí nhớ của Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, “Cũng may là còn có thầy, chứ nếu không toàn bộ những trình thức hát này sẽ không còn người kết tục. Thầy Đẹ năm nay 92 tuổi rồi nhưng trí nhớ vô cùng minh mẫn, chúng tôi hát sai chỉ một phách, đàn chưa chuẩn một cung thầy cũng chỉnh sửa lại ngay, không được phép sai lệch”.

Chia sẻ cảm xúc tại canh lễ, Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ cho hay: “CLB đã cố gắng lặn lội đường sá xa xôi dù mưa dù nắng, đến tận Hải Dương quê tôi để học hát cửa đình, tôi có nói rằng ca trù mà không có hát cửa đình thì mất gốc, cho nên chị em các cháu cũng cố gắng học mà giữ lại. Tôi nhiều lúc ngồi ngẩn người ra tiếc, tiếc vì không có người nào học, ít người quá cũng không học được vì phải có người múa, người ca, người đàn, duy chỉ có CLB này là có đông người, đến nay học mười phần cũng được 8,9 phần”.