Dân Việt

"Nếu được quay ngược lại thời gian, bố sẽ sống khác..."

16/01/2015 09:31 GMT+7
Có một hình ảnh đã quá quen thuộc với chị em tôi, đó là cứ mỗi khi năm hết Tết đến, nhà tôi lại có người ra vào... đòi nợ.

Con nợ là bố tôi. Ông nợ tiền rượu, tiền thuốc lào… nhưng nhiều hơn cả là tiền vay mượn để bài bạc.

Mẹ tôi đã khóc rất nhiều, nhiều đến nỗi khi nghe tin công an ập vào nhà hàng xóm bắt bố tôi và đám “chiến hữu” của ông ngay trên chiếu bạc rồi dẫn lên trụ sở công an xã, mẹ tôi vẫn ngồi lặng yên, đôi mắt ráo hoảnh, vô hồn.

img

 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Cũng đã nhiều lần bố hứa với mẹ, cả trước mặt chị em tôi là bố sẽ bỏ, sẽ cai bài bạc nhưng rồi lại chứng nào tật ấy. Những khi cầm tiền đi trả nợ cho bố, mẹ đã dặn những người cho bố vay: lần sau đừng cho ông ấy vay nữa, nếu cho vay đi tìm ông ấy mà đòi. Nhưng rồi, có người thì cả nể, cũng có người vì tham mấy đồng tiền lãi nên cứ đưa tiền cho bố tôi ném vào chiếu bạc. Dường như đã kiệt sức, mòn mỏi vì quanh năm làm lụng nuôi con lại thêm gánh nợ của chồng, có lúc mẹ tôi tính dắt con ra đi. Nhưng rồi vì cái tình, cái nghĩa, hơn nữa muốn giữ cho các con có một mái nhà trọn vẹn nên lại đi không dứt.

Năm tôi học lớp 10, nhà tôi có một niềm vui nhỏ. Chị gái tôi dẫn người yêu từ thành phố về ra mắt bố mẹ. Trước khi về, chị gọi điện báo cho mẹ tôi biết nhưng vẫn lăn tăn về chuyện của bố. Mẹ hào hứng khoe: bố con dạo này thay đổi nhiều rồi, con cứ yên tâm.

Bữa cơm tất niên năm đó, mẹ bày biện nhiều món. Mẹ nhắc bố không uống rượu say. Bạn trai của chị gái tôi là dân thành phố nhưng thân thiện, hòa đồng. Bố tôi nói cười tiếp chuyện rất thân tình. Bữa cơm đang vui thì có tiếng gọi cổng, mẹ chạy vội ra. Tôi cũng nghĩ là bạn tôi đến nên chạy theo ra.

- Cô hỏi chú ấy có trả tiền cho tôi không thì bảo. Cứ khất lần khất lữa không biết bao nhiêu lần rồi. Mai là năm mới đừng để tôi phải sang xông đất.

Đứng đầu hồi, tôi vẫn nhận ra cái giọng đanh đanh của bác Túy nhà ở cuối xóm. Mẹ tôi dịu giọng dàn hòa:

- Em biết rồi, nhà em đang có khách, chị cứ về đi, ăn cơm xong, em sẽ bảo nhà em mang tiền sang gửi chị.

Giọng mẹ chùng xuống năn nỉ. Bác Túy quẩy quả đi về.

Mẹ đứng bần thần ở cổng một lúc rồi đi vào. Trời tối nên mẹ không nhìn thấy tôi. Tôi buồn bã bước theo sau.

- Ai vậy mẹ?

Chị gái tôi hỏi khi mẹ vừa ngồi xuống chiếu.

- À, cô Nhinh hàng xóm sang dặn mẹ để cho con gà cúng giao thừa nhưng nhà mình đang ăn cơm nên mẹ bảo cô ấy về tí mẹ bắt sang cho.

Tôi tròn mắt vì những lời mẹ nói nhưng cũng hiểu ý mẹ nên lặng thinh. Trước mặt tôi vẫn là những đĩa thức ăn thơm ngon nhưng tôi thấy miệng chát đắng.

Ăn cơm xong bố và anh chị lên nhà trên uống nước chè. Thằng em tôi cũng lăng xăng đi theo. Chỉ còn mình tôi và mẹ trong bếp, tôi nhìn mẹ, hỏi:

- Giờ phải làm sao hả mẹ?

- Con cũng nghe thấy sao?

 Tôi gật đầu. Mẹ tôi thở dài:

- Mẹ vẫn còn đôi bông tai hồi cưới bà ngoại cho làm của hồi môn. Đến nước này, đành đưa cho người ta thôi con ạ.

Tối giao thừa tôi và mẹ ngậm ngùi đi trả nợ cho bố. Bác Túy là người rộng lượng nên bác không nỡ cầm đôi bông tai của mẹ nhưng bắt mẹ ký giao kèo. Số tiền ấy, mẹ phải trả dần gần một năm sau mới hết.

Cả cuộc đời, mẹ gánh nợ nần cho bố. Rồi một ngày mẹ mất vì căn bệnh suy tim. Dẫu muộn mằn nhưng bố đã thực sự hối cải sau sự ra đi của mẹ. Những dịp Tết về, bố buồn lại lôi rượu ra uống rồi bùi ngùi tâm sự với chị em tôi: Nếu được quay ngược lại thời gian, bố sẽ sống khác.

Còn tôi, mỗi lần nhìn di ảnh mẹ, mắt đau đáu vào đôi vai gầy. Ở đó, khắc dấu những nhọc nhằn của mẹ không chỉ cả năm mà nỗi buồn còn trĩu nặng trong những ngày xuân.