Kẽ hở từ Quyết định 254
Ngày 7.11.2006, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 254 về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới. Quyết định này có quy định: Hàng hoá do cư dân nước có chung biên giới sản xuất nhập khẩu vào Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu nếu giá trị hàng hoá đó không quá 2 triệu đồng/người/ngày. Và danh mục hàng hóa gồm 38 mặt hàng. Lợi dụng quy định này, nhiều người dân vùng biên giới đổ xô đi mua hàng theo tiêu chuẩn miễn thuế.
Theo tìm hiểu của PV, với 38 mặt hàng, mỗi hộ một tháng chỉ cần đi một lần, thậm chí vài tháng một lần là đủ dùng, hơn nữa họ cũng chẳng có tiền để mà đi mua hàng mãi. Tuy nhiên, chỉ tính riêng xã Tân Mỹ (Văn Lãng, Lạng Sơn), năm 2014 chính quyền đã cấp cho người dân hơn 4.000 giấy thông hành mua hàng theo Quyết định 254.
Trao đổi với chúng tôi, từ biên phòng, hải quan đến cơ quan quản lý thị trường ở Lạng Sơn, Quảng Ninh đều thừa nhận, thời gian qua các đối tượng buôn lậu đã lợi dụng chính sách này khiến cho việc phòng, chống buôn lậu của địa phương gặp không ít khó khăn.
Ông Phùng Quang Hội – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), đơn vị mỗi ngày có đến hàng nghìn lượt cư dân biên giới qua lại trao đổi hàng cho hay: “Năm 2012 mỗi ngày có khoảng 2.000 người qua lại, hiện nay có giảm hơn trước nhưng đại đa số những người qua Trung Quốc mua hàng đều không phải mang về dùng mà “mua hộ” cho người khác. Tuy nhiên chúng tôi vẫn phải giải quyết và chỉ có thể cấm thông quan đối với những mặt hàng ngoài danh mục, đây là một kẽ hở đã và đang được dân buôn lậu tận dụng”.
Còn ông Hoàng Văn Toàn – Trạm phó Trạm Biên phòng cửa khẩu Cốc Nam cho hay, có những thời điểm ở cửa khẩu có đến cả nghìn người đứng chờ thông quan, bởi cách cửa khẩu không xa là chợ Lũng Vài (Trung Quốc). Đây được xem là “tổng kho” hàng hóa trước khi đưa sang Việt Nam tiêu thụ.
“Nhưng khi tiến hành kiểm tra chúng tôi phát hiện họ mang theo rất nhiều mặt hàng ngoài danh mục với số lượng lớn như quần áo người lớn, đồ điện tử... nên kiên quyết giữ lại. Ngoài ra chúng tôi còn phát hiện rất nhiều người ở nơi khác nhưng không hiểu sao họ vẫn có sổ thông hành của cư dân biên giới nên nhiều khi rất khó xử lý” – ông Toàn bày tỏ.
Thông tư 60 “chống lưng” cho buôn lậu?
Đối với hàng nằm trong danh mục 38 mặt hàng thì được “đầu nậu” câu kết với người dân để lách luật. Còn đối với các mặt hàng ngoài danh mục như vải, quần áo người lớn, mỹ phẩm… được các đối tượng đầu nậu lợi dụng kẽ hở của Thông tư liên tịch 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA để hợp thức hóa.
Theo đó, tại thông tư này ghi: Hàng hóa nhập khẩu mua lại của các tổ chức, cá nhân khác để kinh doanh chỉ cần có hóa đơn bán hàng của bên bán là đủ và có thể xuất trình hóa đơn của lô hàng trong vòng 72 giờ. Việc cho phép thời gian xuất trình quá dài này vô tình đã tạo điều kiện cho buôn lậu.
Về bản chất, hầu hết các mặt hàng được cửu vạn gùi về qua núi hay kể cả một số mặt hàng do người dân mua về thuộc diện Quyết định 254 đều là… hàng lậu. Nhưng khi qua biên giới, thậm chí chưa qua biên giới hầu hết nó đã được đầu nậu hoàn tất thủ tục nên việc xe chở hàng phóng vèo vèo trên QL 4A nhưng không gặp phải bất cứ trở ngại nào cũng có lý do của nó.
Không chỉ vậy, cơ quan thuế vẫn chưa có quy định về việc ghi hóa đơn phải ghi theo tên nhãn hàng hóa quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, do đó việc bắt, xử lý hàng lậu gặp rất nhiều khó khăn. Ông Trần Mạnh Hùng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương Lạng Sơn) cho rằng, một số quy định chưa “chặt” tại Quyết định 254 và Thông tư liên tịch 60… đã khiến cho công cuộc chống buôn lậu vốn đã khó, nay còn khó hơn.
“Có lần chúng tôi theo dõi, biết chắc lô hàng đối tượng đang vận chuyển là hàng lậu, nhưng khi kiểm tra, bằng cách nào đó các đối tượng vẫn xuất trình được giấy tờ, hoặc chỉ trong một thời gian ngắn họ đã có giấy tờ, nên anh em rất vất vả” – ông Hùng cho hay.