Ông Bùi Minh Hồng - Phó trưởng Phòng Pháp luật Dân sự (Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp): Đảm bảo tốt hơn quyền lợi người dân
Trong Bộ luật Dân sự hiện hành chưa có quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc của công dân vì lý do chưa có điều luật quy định. Không nên hiểu là tòa án đại diện cho nhà nước đương nhiên không được từ chối yêu cầu giải quyết của người dân.
Nếu hiểu thế thì không phải có thêm quy định. Nhiều người nghiên cứu về lý luận thì thấy cần giải quyết theo hướng đó. Còn đối với người làm thực tiễn thì nghĩ cần phải có quy định cụ thể mới có cơ sở giải quyết. Khi người dân có tranh chấp, kiện tụng muốn đến tòa án, tòa không thể nói luật không quy định nên không có cơ sở để giải quyết để từ chối.
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (TP.Hồ Chí Minh): Có thể xem xét áp dụng các tục lệ, tập quán...
Về nguyên tắc, khi một yêu cầu của người dân gửi tới cơ quan tư pháp, cụ thể là tòa án, đề nghị giải quyết quan hệ dân sự có liên quan đến lợi ích của người dân thì yêu cầu đó bắt buộc phải được thụ lý. Còn khi giải quyết, tòa án ngoài áp dụng các quy định của luật, còn có thể xem xét áp dụng các tục lệ, tập quán, tiền lệ, án lệ. Do vậy, việc tòa án từ chối quyền chính đáng công dân là không được.
Nếu quyền lợi người dân là chính đáng, hợp pháp thì phải được Nhà nước bảo hộ, bảo hộ cái gì nghĩa là khi người dân cần hoặc khi kiện tụng thì tòa án phải giải quyết. Một số quyền dân sự của Hiến pháp 2013 mà Bộ luật Dân sự hiện nay chưa có quy định thì Bộ luật Dân sự (sửa đổi) phải bổ sung để phù hợp với Hiến pháp.
Luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội): Tránh việc mâu thuẫn giữa các luật
Việc Ban soạn thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đưa ra quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc của công dân vì lý do chưa có điều luật quy định - là khẳng định quyền lợi của người dân được đặt lên cao nhất. Đặt ra quy định này sẽ khiến người dân cảm thấy yên tâm, tăng thêm niềm tin rằng những vấn đề tranh chấp phát sinh trong đời sống cũng sẽ được cơ quan chức năng giải quyết.
Nhưng vấn đề cũng cần phải có quy định bổ sung để tránh các quy định pháp luật "đá" nhau. Pháp luật quy định người dân được làm tất cả những gì mà luật không cấm, còn với cán bộ, công chức thì hoạt động công vụ, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của họ phải theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, nếu một thẩm phán thụ lý một việc tranh chấp nào đó mà vấn đề trong tranh chấp lại chưa có điều luật quy định để áp dụng thì khi đối chiếu theo luật cán bộ, công chức dễ nảy sinh vấn đề: Thực thi công vụ không theo quy định của pháp luật. Đó cũng là điều cần phải tính toán.
Luật sư Đỗ Viết Hải (Đoàn luật sư TP.Hà Nội): Tòa không được từ chối
Việc đặt ra quy định tòa không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc của công dân với lý do chưa có điều luật quy định, tôi thấy không cần thiết. Về vấn đề dân sự khi có tranh chấp xảy ra các bên không tự giải quyết được với nhau mới phải đưa ra tòa án. Tòa án đại diện cho nhà nước giải quyết đương nhiên là không được từ chối.
Qua quá trình hoạt động trong tố tụng dân sự tôi chưa gặp trường hợp nào tòa án từ chối yêu cầu giải quyết tranh chấp của công dân với lý do chưa có điều luật quy định. Trong điều kiện hiện nay Quốc hội liên tục tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng các luật mới nên không phải lo lắng nhiều về vấn đề thiếu các quy định của pháp luật để giải quyết vụ việc.
Bên cạnh đó hàng năm ngành tòa án cũng có những tổng kết, rút kinh nghiệm trong hoạt động xét xử, đó cũng là nguồn tài liệu quan trọng góp phần bổ sung về đường hướng trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự.