Tại quận Tân Phú (TP.HCM), Phòng GDĐT đã có công văn khẩn cấp yêu cầu các trường phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh trong trường học.
Theo đó, các trường phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh khi tham gia học tập sinh hoạt, vui chơi trong nhà trường, nhất là đầu giờ lên lớp, giờ ra chơi, giờ về và các hoạt động ngoại khóa ngoài nhà trường; phân công theo dõi kiểm tra, phát hiện và khắc phục kịp thời những nơi, vật dụng, thiết bị, hệ thống điện, cơ sở vật chất… trong trường, lớp có nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho học sinh.
Chăm sóc sức khỏe cho học sinh. (Ảnh minh họa)
Ông Tạ Tấn, Trưởng phòng GDĐT quận Tân Phú cho biết, Phòng đã yêu cầu bộ phận y tế trường học nắm rõ đặc điểm, tiền sử sức khỏe của học sinh thông qua giáo viên chủ nhiệm lớp, cha mẹ học sinh hoặc kết quả khám sức khỏe học sinh đầu năm, lưu trữ đầy đủ hồ sơ sức khỏe của học sinh.
Muốn nắm thông tin tình trạng sức khỏe của những học sinh cần quan tâm đến toàn thể giáo viên, nhất là giáo viên môn thể dục để có sự theo dõi, giúp đỡ học sinh bằng những biện pháp phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.
Đồng thời, nghiêm cấm mọi hình thức xử phạt học sinh, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xúc phạm thân thể học sinh. Giáo viên cần nắm rõ đặc điểm hoàn cảnh gia đình, tâm sinh lý của học sinh, thường xuyên thực hiện quản lý lớp học bằng các biện pháp “giáo dục kỷ luật tích cực” để điều chỉnh, động viên các em trong quá trình học tập.
Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GDĐT quận 5 (TP.HCM) khẳng định, việc kiểm tra, rà soát công tác sức khỏe học sinh vẫn được Phòng GDĐT kết hợp với bên y tế và y tế dự phòng quận tiến hành thường xuyên.
Việc quản lý hồ sơ sức khỏe học sinh thuộc trách nhiệm của mỗi trường, tuy nhiên, thực tế khi học sinh chuyển cấp từ tiểu học lên THCS, các trường chỉ bàn giao các nội dung về học lực, hạnh kiểm của học sinh chứ rất khó bàn giao hồ sơ quản lý sức khỏe vì nhiều học sinh không học theo trường đã được phân tuyến.
Vì thế, hầu như giáo viên chỉ nắm được tình trạng sức khỏe học sinh thông qua các thông tin được ghi lại trong sổ liên lạc của mỗi em. Với những học sinh có những bệnh lý đặc biệt, thông thường phụ huynh đều trực tiếp làm việc và thông báo cho giáo viên.
Phòng GDĐT quận 12 (TP.HCM) cũng đã yêu cầu các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục, hiệu trưởng các trường mẫu giáo; mầm non; tiểu học; THCS (công lập và tư thục) và các đơn vị trực thuộc phải xây dựng phương án phòng chống tại nạn, thương tích và triển khai, tập huấn rộng rãi đến toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh tại đơn vị.
Các trường tổ chức tự kiểm tra các nội dung quy định về trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non và trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích trong trường phổ thông.