Cô Nguyễn Thanh Nhân - Hiệu trưởng Trường THCS Vân Du (quận 1, TP.HCM):Đào tạo giáo viên và tăng cường vật chất
Giáo viên vùng nông thôn dạy rất tốt, có khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật không kém gì giáo viên thành phố. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là khó khăn về cơ sở vật chất. Hơn nữa, yêu cầu về lớp sĩ số ít để linh hoạt trong việc sinh hoạt nhóm thì nhiều vùng ở nông thôn không thể có được.
Theo tôi nghĩ, Bộ GD-ĐT nên có chiến lược: Bên cạnh việc đào tạo cho giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, cần đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất tương ứng. Nếu được như vậy, giáo viên nông thôn hoàn toàn có thể cải tiến cách dạy, giúp học trò đổi mới cách học.
Ông Đặng Tiểu Vân - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Bình:Coi trọng việc tự học của thầy, cô
Tại Ninh Bình, nhiều vùng khó khăn, thiếu thốn cơ sở vật chất, các thầy cô còn bỏ tiền túi ra để mua thêm dụng cụ dạy học phục vụ đổi mới phương pháp giảng dạy. Có những giáo viên vùng sâu, vùng xa phải vượt hàng chục cây số để tiếp cận, tìm kiếm thông tin trên Internet cho bài giảng của mình không bị lạc hậu.
Những việc làm ấy là đáng trân trọng và ghi nhận. Vì vậy việc đổi mới phương pháp giảng dạy chủ yếu dựa vào năng lực tự học, tự bồi dưỡng của các thầy cô chứ không nên quy vào thiếu thốn để không thay đổi.
Cô Lê Thị Hiền - Trường THPT Lương Đắc Bằng (huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá):Giáo viên nhiều tuổi phát huy kinh nghiệm
Theo tôi, đổi mới không có nghĩa chỉ là dạy bằng giáo án điện tử. Quan trọng nhất, phải tiến hành đổi mới trong phương pháp dạy để phát huy tính tích cực chủ động của học sinh. Thực tế các thầy cô giáo nhiều tuổi tuy không nhanh nhạy trong tiếp cận thông tin, dạy bằng giáo án điện tử… nhưng họ có kinh nghiệm.
Chính kinh nghiệm này sẽ giúp họ xử lý được nhiều tình huống trong giảng dạy và linh hoạt trong kiến thức. Tuy nhiên, cũng cần “tiếp sức” cho họ bằng các hỗ trợ thực hành thiết bị, tạo điều kiện tiếp cận các phương pháp dạy học thực nghiệm, hướng dẫn học sinh bài bản.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD – ĐT: Đổi mới phải phù hợp với điều kiện
Thực ra thầy cô ở vùng nào cũng phải đổi mới phương pháp giảng dạy, tuy nhiên phải phù hợp với điều kiện và đối tượng dạy - học. Ví dụ thầy giáo dạy ở trường chuyên, nơi đầu vào học sinh rất cao, thầy phải đảm bảo chất lượng dạy cao hơn, kiến thức cũng phải được nâng cao, tự thầy cũng buộc phải mày mò để theo kịp… học trò.
Ở nông thôn và miền núi lại khác, điều kiện học sinh rất nghèo, thậm chí thầy giáo còn phải lôi học sinh đến lớp học phụ đạo không công chỉ để học sinh theo kịp chương trình. Ở đó, không thể yêu cầu cao như thành phố được, giáo viên buộc phải đổi mới theo phương pháp cá biệt hóa, làm thế nào miễn là các em có thể đạt được chuẩn kiến thức và kỹ năng.
Bộ GD-ĐT đã xác định: Ở khu vực miền núi huy động được học sinh đến trường đầy đủ, đảm bảo những điều kiện tối thiểu cho học sinh đạt chuẩn kiến thức cũng có thể coi là một thành công của giáo viên trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy rồi.
Cô Phùng Minh Phương - Giáo viên Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội): Khó áp dụng triệt để
Hàng năm chúng tôi đều được bồi dưỡng về đổi mới phương pháp giảng dạy nhưng tôi thấy thực tế khó áp dụng triệt để bởi sĩ số 1 lớp hiện nay quá đông: Trên dưới 50 em. Với sĩ số như vậy thì không thể yêu cầu học trò tư duy nhiều và có hoạt động nhóm.
1 lớp 50 em chia làm 4 nhóm, với thời gian ngắn trên lớp học trò không thể tham gia thảo luận hết ý kiến được. Giáo viên cũng không thể kiểm tra hết kết quả thảo luận của học sinh. Ngoài ra, sự hợp tác của học sinh rất quan trọng. Để có thể thảo luận bài học, học trò phải đọc trước bài.
Nhưng rất nhiều em lười không chịu đọc trước, hôm sau không thể thảo luận được. Từ thực tế ấy, tôi cho rằng đổi mới phương pháp dạy học phải đổi mới toàn diện, trước hết phải thực hiện nghiêm về sĩ số, cải tiến phương tiện giảng dạy và phân phối chương trình hợp lý.
Em Bùi Hồng Thái - lớp 9A8 trường THCS Trần Quốc Toản (TP. Hạ Long, Quảng Ninh):Nên tách lớp khi dạy theo phương pháp mới
Các buổi học được thầy cô dạy bằng phương pháp mới lúc nào cũng rất hào hứng và sôi nổi, việc tiếp thu bài cũng nhanh hơn và nhớ lâu hơn. Nhưng những tiết như thế chúng em chưa được học nhiều, mới chủ yếu áp dụng ở một số môn khoa học, môn phụ.
Còn những môn chính như Toán, Văn, Anh… thì thầy cô vẫn chỉ giảng bài theo sách giáo khoa và cho bài tập, chữa bài tập trên lớp theo cách truyền thống. Tuy nhiên do lớp đông quá, những tiết học có đổi mới phương pháp dạy các bạn thảo luận, đưa chính kiến, bàn cãi… thường rất ồn ào và còn gây ảnh hưởng đến các lớp bên cạnh nên thầy cô hạn chế lắm.
Theo em, nếu nhà trường có đủ phòng học và giáo viên, có thể tách lớp hay học xen kẽ vào các buổi khác nhau thì chắc sẽ hiệu quả hơn.
Cô và trò Trường Tiểu học Xín Cái, Mèo Vạc, Hà Giang (điểm trường bản Thuồng Luồng 2). |
Thiên Hà – Minh Nguyệt - Hà an (thực hiện)