Dân Việt

Một trường hợp tử vong vì tay chân miệng

Infonet 20/01/2015 07:54 GMT+7
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước ghi nhận 1.551 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, có 01 trường hợp tử vong, giảm 31,2% so với cùng kỳ năm 2014 (2.255 mắc)

Bệnh tay chân miệng là bệnh lưu hành và mắc rải rác ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Tại Hà Nội, từ ngày 01-14/01/2015 có 39 trường hợp mắc ở 21 xã phường của 13 quận huyện, có ổ dịch tập trung với 6 trường hợp mắc tại phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm. 

img

Ảnh minh họa.

Ngay sau khi ổ dịch tay chân miệng xảy ra, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt việc điều tra xác minh ổ dịch, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly bệnh nhân; hướng dẫn người dân lau rửa nhà cửa, đồ chơi; tư vấn cho các bà mẹ về kỹ năng phòng bệnh cho trẻ, tổng vệ sinh môi trường khu vực; tổ chức tuyên truyền về vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống và các biện pháp phòng chống.

Đại diện Cục Y tế dự phòng khuyến cáo bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, thường gặp ở trẻ nhỏ với các dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da dưới dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. 

Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, một số ít trường hợp có diễn biến nặng và biến chứng nguy hiểm. Bệnh xảy ra quanh năm và lây truyền theo đường tiêu hóa, nguyên nhân là do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.

Để phòng bệnh, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Quản lý phân: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

5. Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

6. Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.