Chiều 19.1, buổi lễ gặp gỡ nhân chứng Hoàng Sa do UBND huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng tổ chức cũng như là buổi tưởng niệm, ghi nhớ sự hy sinh của những người con đất Việt đã anh dũng ngã xuống vì chủ quyền Tổ quốc.
Không nguôi nhớ Hoàng Sa
Ông Nguyễn Văn Cúc (63 tuổi, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) còn nhớ như in một thời trai trẻ đã sống vì Hoàng Sa. Ông Cúc kể đã ba lần ông ra Hoàng Sa để khảo sát, sửa chữa và xây dựng các bể ngầm chứa nước mưa phục vụ cho cả quần đảo Hoàng Sa.
“Lần thứ ba tôi ra là cuối tháng 12-1973 để lấy mẫu đất, khảo sát và xây dựng sân bay. Khi chúng tôi đang chuẩn bị lên tàu về lại đất liền thì tàu chiến, tàu đánh cá được trang bị vũ trang của Trung Quốc khiêu khích, tiến đến gần đảo Hoàng Sa. Cuối cùng chiến trận nổ ra, hải quân Trung Quốc ngang nhiên xả súng vào chúng tôi. Nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống, tôi và một số anh em bị Trung Quốc bắt đưa về giam tại đảo Hải Nam” - ông Cúc bùi ngùi nhớ lại.
Sau một thời gian bị tạm giam, ông Cúc được đưa qua Hong Kong và trao trả về nước. Ông Cúc tâm sự cứ đến gần ngày 19.1 hằng năm là ông không tài nào ngủ được. Hễ chợp mắt là hình ảnh đồng đội ngã xuống vì biển thiêng dân tộc lại hiện về. Những cảm xúc một thời trên đảo và trận hải chiến 1974 cứ thế vọng về làm buốt trái tim ông. Trong những tiếng vọng về ấy có cả tiếng sóng Hoàng Sa lao xao, tiếng đồng đội nghịch ngợm í ới ngụp lặn ở biển Hoàng Sa.
Đã 41 năm trôi qua chúng tôi vẫn không nguôi nhớ đến phần máu thịt của dân tộc đang bị Trung Quốc chiếm đóng. 41 năm trôi qua, nguyện vọng của chúng tôi là thế hệ trẻ hãy luôn nhớ rằng Hoàng Sa mãi là của Việt Nam, mãi là phần máu thịt của dân tộc này. Thế hệ chúng tôi đã không đòi lại được Hoàng Sa thì thế hệ trẻ hôm nay hãy hun đúc tình yêu nước, hun đúc sự quyết tâm để lấy lại Hoàng Sa vào một ngày gần nhất” - ông Cúc nói với ánh mắt rực sáng.
Tàu hải cảnh và tàu quân sự của Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công các tàu chấp pháp của Việt Nam trong thời gian Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào tháng 5.2014. Ảnh: LÊ PHI
Các nhân chứng Hoàng Sa luôn đau đáu mong chờ ngày Hoàng Sa trở về với đất mẹ. Ảnh: LÊ PHI
Ông Trần Văn Sơn (68 tuổi, phường Khuê Mỹ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) bộc bạch: “Trong tâm thức của những người từng sinh sống trên Hoàng Sa như anh em chúng tôi đều mong muốn một ngày tiếp tục được cầm súng để đòi lại những gì đã mất”.
Ông Sơn nhìn chăm chăm vào chiếc đĩa DVD bộ phim tài liệu “Những cột mốc người” vừa được UBND huyện Hoàng Sa tặng. Bộ phim nói về Hoàng Sa từ lúc cha ông ta ra chinh phục đảo đến những giây phút không thể nào quên khi hải quân Trung Quốc đổ bộ lên đảo, bất chấp luật pháp quốc tế cướp mất Hoàng Sa vốn là phần máu thịt thiêng liêng của Việt Nam giữa trùng khơi mà bao đời cha ông gầy dựng.
“Chúng tôi chỉ có một nguyện ước, con cháu Việt Nam hãy luôn nhớ Hoàng Sa là của Việt Nam chứ chưa bao giờ của Trung Quốc. Hãy khắc ghi điều đó, hãy nhớ để rồi quyết tâm đấu tranh đòi lại Hoàng Sa về với đất Việt” - ông Sơn cúi người lén gạt dòng nước mắt.
Tin vào thế hệ trẻ
Trong buổi gặp mặt, ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch huyện Hoàng Sa, cùng cầm tay những nhân chứng Hoàng Sa thể hiện sự tưởng niệm sâu sắc. Những cái nắm tay rất chặt, rất thân tình ấy như lời nhắn nhủ rằng chúng tôi sẽ không bao giờ quên ngày 19.1.1974 năm ấy. Ông Đặng Công Ngữ tâm sự năm 2014 cũng là một năm mà Trung Quốc lại thách thức lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam. Sự việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam khiến lòng yêu nước của dân tộc Việt lại sục sôi.
Theo ông Đặng Công Ngữ, chúng ta cần phải mạnh dạn đấu tranh với Trung Quốc. Đấu tranh một cách trực diện và không ngần ngại, không khoan nhượng. “Mỗi người dân và cả dân tộc cần phải thể hiện dũng khí trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Chúng ta phải cùng chung tay để một ngày không xa đòi lại được Hoàng Sa” - ông Ngữ tâm tư.
Ông Bùi Văn Tiếng (Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng) thì quả quyết ông hoàn toàn có thể tin tưởng vào thế hệ trẻ .“TP Đà Nẵng đã phát động một cuộc thi và nhận được gần 88.000 bức thư về chủ quyền biển, đảo. Tình yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thể hiện rất rõ trong tâm trí thế hệ trẻ. Chúng ta đang có một thế hệ tràn đầy nhiệt huyết yêu nước. Với thế hệ trẻ ấy thì tương lai đấu tranh bảo vệ chủ quyền, đòi lại Hoàng Sa sẽ rất tốt đẹp. Hy vọng một ngày không xa, chính thế hệ trẻ ấy sẽ đòi lại Hoàng Sa về cho đất mẹ Việt Nam”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBMTTQ VN TP Đà Nẵng, khẳng định trong cuộc đấu tranh đòi lại chủ quyền thì không thể có sự nhân nhượng. “Sau sự kiện chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Nam thì những ngày tháng 5-2014, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển Việt Nam là sự kiện tiếp nối thể hiện tình yêu nước thực sự dậy sóng. Không khí yêu nước, hào khí dân tộc sục sôi của toàn thể nhân dân Việt Nam lại được đánh thức sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển Hoàng Sa” - ông Hùng nhấn mạnh. Ông Hùng cho rằng sau “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” thì đó chính là những ngày tháng 5.2014 lịch sử. Đó là những ngày đấu tranh của cả dân tộc bằng cả trách nhiệm thiêng liêng. Và năm 2015, TP Đà Nẵng sẽ đưa vào chương trình tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo vào giảng dạy tại các trường học cũng như đẩy nhanh việc xây dựng nhà trưng bày Hoàng Sa.
Cùng ngày, ông Võ Công Chánh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, đã trao tặng giấy khen cho các cá nhân có thành tích trong tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Trong đó có 27 phóng viên, nhà báo là những người đã ra Hoàng Sa sát cánh cùng các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư đấu tranh bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa.
Ông Võ Công Chánh cho rằng sau khi rút giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc lại tiếp tục có các hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa. Ông Chánh cho biết trước các hành động xâm phạm ngang ngược ấy ông đã nhiều lần lên tiếng phản đối mạnh mẽ. “Công cuộc đấu tranh đòi lại chủ quyền Hoàng Sa sẽ còn cần rất nhiều thời gian nhưng chúng ta sẽ kiên quyết đến cùng. Chúng ta sẽ tiếp tục sưu tầm, tập hợp, củng cố tài liệu, biên soạn và phát hành các tài liệu tuyên truyền rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân về chủ quyền đối với Hoàng Sa. Khơi dậy lòng yêu nước và ý thức về lịch sử dân tộc” - ông Chánh chia sẻ.