Dân Việt

Cô gái chưa từng đi học là tác giả của 5 tập truyện

Hạ Nhiên 20/01/2015 14:33 GMT+7
Chưa từng đến trường học chữ nhưng cô gái khuyết tật ấy lại có đủ ngôn từ, vốn sống và sự trải nghiệm để trở thành tác giả của cuốn tiểu thuyết dày hơn 400 trang và nhiều cuốn sách ở các thể loại khác.

Khi chúng tôi đến, Đỗ Ánh Như Nguyệt (sinh năm 1992, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên) đang viết lại cuốn tiểu thuyết “Đừng khóc nơi thiên thường”, từng phải  bỏ dở vì… quá đau. Nhìn đôi bàn tay yếu ớt lạch cạch gõ từng con chữ, đôi chân gầy gộc, bại liệt co cụm lại một chỗ, chúng tôi không thể tin được em lại là tác giả của cuốn tiểu thuyết dày hơn 400 trang và 4 tập truyện ở các thể loại khác.

img

Dù chưa từng được đến trường học chữ, Nguyệt vẫn viết được nhiều cuốn truyện ở nhiều thể loại khác nhau

 

Rời mắt khỏi màn hình máy tính, Nguyệt vui vẻ thông báo: “Tháng 8 năm vừa rồi, em vừa hoàn thành cuốn truyện thiếu nhi có tên “Chuyến phiêu lưu đến xứ sở bên kia thác mây mù” dài hơn 200 trang. Bản thảo đã được nhà xuất bản duyệt và đã có bìa, chắc đầu năm nay sẽ xuất bản”.

Tự ví mình như Aya trong “Nhật ký một lít nước mắt”

15 tuổi, mắc phải căn bệnh thoái hóa dây thần kinh tiểu não, không thể kiểm soát tứ chi, cô bé Kito Aya trong cuốn “Nhật ký một lít nước mắt” (Nhật Bản) từng bao lần tuyệt vọng hỏi mẹ: “Tại sao căn bệnh này lại chọn con?”. Đỗ Ánh Như Nguyệt cũng vậy, khi nhận thức được sự khuyết thiếu cơ thể, đôi tay yếu ớt, đôi chân gầy gộc, không được đến trường học chữ như các bạn, nước mắt Nguyệt cũng đã đong đầy "một lít".

Sinh ra khỏe mạnh như những đứa trẻ khác, nhưng lên hai tuổi chân tay Nguyệt teo tóp dần, thường xuyên đau dữ dội. Bố mẹ Nguyệt đưa cô đi khám thì nhận được kết quả, cô bị rỗng ống xương tủy, chân tay không thể phát triển và đặc biệt không thể đi lại.

Không chấp nhận sự thật, gia đình đưa Nguyệt đi khám và chữa trị ở khắp nơi, kết hợp cả thuốc Tây, Nam, Bắc… Cô Bá Lệ Hằng (mẹ Nguyệt) kể lại: “Suốt mấy năm trời, hai mẹ con đưa nhau đi viện. Ban đầu thì kiên trì thuốc Tây, nhưng sau này thuốc Tây không khỏi thì hễ ai mách chỗ nào chữa hay, tôi đều cho cháu đến. Đến khi Nguyệt lên 5 tuổi, thì gia đình đành phải chấp nhận việc Nguyệt bị liệt hoàn toàn”.

Không thể đứng vững, đôi tay lại yếu ớt nên mọi sinh hoạt của Nguyệt đều phải có người khác giúp đỡ. Nhưng điều khiến Nguyệt buồn nhất là không được đến trường. Nguyệt thường lặng lẽ ngồi trước cửa phòng ngóng ra phía con đường chính – nơi hàng ngày các bạn í ới gọi nhau đến trường bằng con mắt thèm thuồng.

Hiểu được mong muốn của con, mẹ Nguyệt đã “gõ cửa” khắp các phòng hiệu trưởng xin cho Nguyệt đi học. Nhưng vì bệnh của Nguyệt quá trầm trọng nên không trường nào dám nhận. Mẹ Nguyệt chia sẻ: “Ngay cả những trường khuyết tật cũng không nhận Nguyệt, bởi Nguyệt yếu quá, không thể tự làm những việc tối thiểu cho bản thân”.

Cánh cổng trường đóng lại, đóng luôn cả ước mơ cô. Nguyệt lạc lõng trong bốn bức tường màu hồng và một khung cửa sổ ít khi đóng. Nhưng khát khao con chữ thì luôn thường trực.

Nguyệt kể lại: “Mình nói với mẹ “hãy dạy chữ cho con”. Và thế là, nhà là trường, mẹ là cô giáo, đôi khi có sự giúp đỡ của anh trai. Mình miệt mài học bảng chữ cái, học đánh vần… Và bây giờ thì mình đã biết đọc, viết như bao người khác”.

Việc học chữ đối với một cô bé khuyết tật, tay yếu đến mức không cầm nổi cuốn sách làm bằng giấy siêu nhẹ dày 300 trang không hề đơn giản. Mẹ Nguyệt kể, có lúc Nguyệt phải lấy dây chun buộc cây bút vào tay để viết cho chắc. Nhưng sự quyết tâm ấy lại chính là khởi đầu của đam mê, để rồi thành công đã phải theo đuổi cô gái ấy.

Nguyệt ham đọc đến lạ. Từ lúc biết đọc là lúc Nguyệt tìm đến các cuốn sách để “ngấu nghiến” như bữa ăn hàng ngày. Nguyệt đặc biệt thích đọc các tác phẩm truyện ngắn, truyện dài, những cuốn tiểu thuyết nói về khát vọng sống. Đến nay, Nguyệt đã từng đọc qua hàng trăm cuốn sách ở nhiều thể loại khác nhau.

Hành trình nhọc nhằn đến với văn chương

Mỗi tác phẩm văn chương ra đời, đều là kết tinh của những trải nghiệm sống. Nhưng Đỗ Ánh Như Nguyệt, một cô gái khuyết tật, chưa từng đến trường học chữ, chưa từng được bay nhảy khám phá thế giới bên ngoài lại là tác giả của 5 tập truyện ở các thể loại khác nhau. Điều kỳ diệu ấy vẫn là bí ẩn với nhiều người.

Nguyệt biết nhiều về thế giới bên ngoài từ khi được mẹ mua cho máy tính xách tay. Nguyệt hăm hở kết bạn, trò chuyện và được nghe, xem nhiều hơn những câu chuyện bất hạnh trong cuộc sống. Nguyệt nhận ra rằng, những người có số phận như mình chính là những mảnh ghép đặc biệt, làm cho cuộc sống sinh động và thú vị hơn.

Qua mạng xã hội, Nguyệt kết bạn, trò truyện với bạn bè khắp nơi, được nghe tâm sự của nhiều người có hoàn cảnh khác nhau. Cảm xúc trong cô cứ thế mà đong đầy. Nguyệt chia sẻ: “Mình tin rằng, đó là những câu chuyện có thật trong cuộc sống. Mình cảm nhận được sự vui, buồn, lạc quan, tuyệt vọng… của họ qua mẩu chuyện đời thường”.

img
 Cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên "Em vẫn chờ anh" của Như Nguyệt

Nguyệt chợt nghĩ, tại sao mình không viết ra những câu chuyện đó. Vậy là mùa đông năm 2012, cô gái tên “Trăng” tròn 20 tuổi, bắt đầu viết những trang văn đầu tiên. Nguyệt miêu tả, cô đến với văn chương với một chút rụt rè, một chút lạ lẫm, háo hức và mong chờ.

Cốt truyện đã có sẵn trong đầu, Nguyệt say mê viết. Đôi khi viết không kịp những dòng suy nghĩ, cô tỏ ra tức giận với chính cơ thể yếu ớt của mình.

Sau hơn 3 tháng vật lộn với con chữ, “đứa con” đầu tiên của Nguyệt cũng tròn hình. Cô đặt tên cho nó là “Em vẫn chờ anh”. Cuốn tiểu thuyết dày hơn 400 trang đã ghi lại tất cả những cảm xúc đầu đời của cô gái.

Nguyệt gửi bản thảo đến các nhà xuất bản nhưng không có hồi âm. Cô mạnh dạn gọi cho họ và nói chỉ cần họ đọc bản thảo của mình một lần.

Không lâu sau, nhà xuất bản Văn học đồng ý xuất bản “Em vẫn chờ anh”. “Đứa con” của Nguyệt được khoác chiếc áo màu hồng, màu của mộng mơ và hy vọng. Nguyệt vui vì nhận được hơn 8 triệu nhuận bút. Nhưng niềm vui có được một tác phẩm cho đời với cô còn lớn hơn gấp vạn lần.

Ngay sau đó, Nguyệt bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết thứ hai với tựa đề: “Đừng khóc nơi thiên đường”, nhưng phải bỏ dở vì “cơ thể mình đau quá”. Đến khi khỏe lại thì cô không thể viết tiếp bởi cảm xúc ngắt quãng không thể lấy lại.

Nguyệt chuyển sang viết truyện thiếu nhi. Đến đầu tháng 8/2014, cuốn truyện “Chuyến phiêu lưu đến xứ sở bên kia thác mây mù” dài hơn 200 trang đã hoàn thành và sắp được nhà xuất bản Đinh Tị cho ra mắt bạn đọc.

Nguyệt chia sẻ: “Điều quan trọng nhất khi viết tiểu thuyết là phải giữ được mạch cảm xúc và sự nhiệt huyết. Bởi đây không phải là công việc có thể hoàn thành trong một sớm, một chiều. Viết văn là cả một hành trình. Đối với những người khuyết tật như mình, hành trình đó còn nhọc nhằn hơn nữa”.

Nhưng dù có nhọc nhằn đến mấy, Nguyệt cũng không từ bỏ. Bởi phải trải qua rất nhiều tuyệt vọng, Nguyệt mới tìm thấy “lẽ sống” này, tìm thấy niềm đam mê cho cô bám víu mà đứng vững giữa cuộc đời.