Dân Việt

Nơi “ươm mầm” nông dân làm nông thôn mới

Trần Đáng 21/01/2015 09:34 GMT+7
Những năm qua, trường dạy nghề thuộc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thành phố (gọi tắt Trung tâm) thuộc Hội Nông dân TP.HCM mỗi năm thu hút hàng ngàn học viên. Thông qua việc dạy nghề cho nông dân, Trung tâm đang làm nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 

Tại Hội nghị tổng kết công tác dạy nghề và hỗ trợ nông dân năm 2014 của Trung tâm, người ta thấy xuất hiện các ông: Nguyễn Hữu Phước (Củ Chi), Nguyễn Vi Hữu Nhân (Hóc Môn), Bùi An Tin (Bình Chánh), Lê Hoàng Giang (quận 12), Võ Anh Tiến Thủy (Bình Chánh)…- những nông dân thành công trong sản xuất qua học nghề và đang quay lại hỗ trợ kỹ thuật và việc làm cho các nông dân khác.

Giỏi việc nhà, tốt việc xã hội

img

Tại một buổi tập huấn về kỹ thuật tạo dáng bonsai của cán bộ Hội ND cho nông dân thành phố.  

Ông Lê Hoàng Giang cho biết, ông đã trồng mai vàng hơn 20 năm nay. Tuy nhiên, từ khi học thêm các kiến thức trồng mai vàng, sử dụng phân bón, thuốc BVTV, xử lý cây khi gặp thời tiết bất lợi… từ Trung tâm, ông đã kết hợp với kinh nghiệm của mình nên đã cho ra những sản phẩm mai vàng rất ưng ý, thu được lợi nhuận cao, nhất là vào những dịp lễ, tết, đồng thời giúp lao động có việc làm. “Tôi cảm thấy khá hài lòng với công việc của mình từ khi học được những kiến thức trồng mai vàng từ Trung tâm. Làm nghề trồng mai, nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm mà không bổ túc những kiến thức khoa học thì không thể cho ra được những sản phẩm chất lượng cao” - ông nói.

 

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Phước, qua tham gia học tập các lớp chăn nuôi, phòng trị bệnh trên bò sữa, ông đã nhanh chóng phát triển đàn bò sữa của mình từ 1 - 2 con lên 10 con. Không những thế, ông còn tích cực hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ nuôi bò xung quanh và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Tại Bình Chánh, từ khi học được kỹ thuật trồng lan từ Trung tâm, ông Võ Anh Tiến Thủy mạnh dạn mở rộng diện tich trồng lan từ 2.000m2 lên 5.000m2, tạo việc làm cho lao động địa phương và hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ trồng lan khác. “Nếu không có kỹ thuật trồng lan học được từ Trung tâm dạy nghề thành phố chắc chắn tui sẽ không mở rộng quy mô vườn lan vì sẽ rất rủi ro” - ông Thủy cho biết.

Dạy nghề gắn xây dựng NTM

Thực hiện Quyết định 2041 của UBND TP.HCM về việc “đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên lĩnh vực nông nghiệp và ngành nghề nông thôn tại các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đến 2015 và định hướng đến 2020”, mỗi năm Trung tâm mở từ 40 – 50 lớp dạy nghề cho nông dân, thu hút hàng ngàn học viên. Nông dân qua học nghề đã biết tự điều trị các loại bệnh trên cây trồng, vật nuôi; rút ngắn thời gian nuôi dưỡng, giảm chi phí sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng và giá trị cao. Trung tâm còn tổ chức những lớp tập huấn khoa học kỹ thuật tiên tiến, áp dụng vào chăn nuôi, sản xuất nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa.

Theo ông Nguyễn Văn Chủ - Giám đốc Trung tâm, qua nhiều năm triển khai công tác dạy nghề, Trung tâm đã góp phần giải quyết việc làm, cải thiện nâng cao đời sống lao động nông thôn, xóa nghèo bền vững và tham gia thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của thành phố theo hướng phát triển nền nông nghiệp đô thị. Thực tế cho thấy, qua công tác dạy nghề của Trung tâm, như: Trồng hoa lan, tạo dáng bonsai, kỹ thuật chăm sóc vườn cảnh, trồng rau an toàn... hiệu quả sản xuất nông nghiệp của các địa phương- Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè... đã được nâng lên rõ rệt.

Ông Dương Văn Nhân – Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, đánh giá: Thành công trong công tác dạy nghề, đồng nghĩa với việc Trung tâm cũng đã làm tốt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trung tâm cần lưu ý hơn các ngành nghề dạy cho nông dân phải đạt mức độ thành công cao khi áp dụng vào thực tiễn.

 Từ năm 2010 – 2014, Trung tâm đã tổ chức 268 lớp dạy nghề với hơn 8.000 học viên và cấp chứng chỉ nghề cho hơn 7.000 nông dân.