Sau khi báo Công an TP.HCM đăng loạt bài vụ án “Một tỷ lấy một mạng người”, ông Nguyễn Tấn Phú (45 tuổi, ngụ xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM) tiếp tục đến tòa soạn báo Công an TP.HCM trình bày những bức xúc đối với bản án, mà TAND Bình Dương đã tuyên trong việc tranh chấp mảnh đất (diện tích khoảng 100m2) số 5 Nguyễn Du, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một.
Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến mâu thuẫn giữa bà Lê Mỹ Danh với ông Phú và bà Danh cùng chồng là ông Đào Xuân Thao đã thuê nhóm “sát thủ” từ ngoài Bắc vào để giết ông Phú.
Giả chữ ký sang tên nhanh, bán đất gọn
Theo trình bày của ông Phú, từ năm 1997, ông đã sống như vợ chồng với bà Lê Ngọc Huệ, nhưng không đăng ký kết hôn (việc sống chung đã được cơ quan Nhà nước xác nhận). Đến năm 1999, vợ chồng ông mua lại của ông bà Trần Văn Xiển, Nguyễn Thị Mai lô đất tại phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương (nay là mảnh đất số 5 Nguyễn Du, phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một).
Ông Phú (áo đỏ) đang trình bày với PV báo Công an TP HCM. |
Vợ chồng ông bà Xiển, Mai làm ăn thua lỗ nên bán miếng đất cho ông Phú để cấn trừ nợ, có giấy sang nhượng rõ ràng. Sau khi hoàn tất các nghĩa vụ thuế, ông Phú để vợ là Lê Ngọc Huệ đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) năm 2008. Do là đất trống nên ông Phú cho bà Phan Thị Kiêu (52 tuổi) thuê để bán nước ngọt, nhang và giữ xe cho khách đi chùa với giá là 500 ngàn đồng/tháng (riêng trong tháng giêng âm lịch là 1,5 triệu/đồng). Việc thuê đất này cũng được bà Kiêu xác nhận bằng cam kết.
Tại đây, bà Danh đã giả chữ ký của bà Huệ làm hợp đồng cho tặng quyền sử dụng đất từ bà Huệ sang cho mẹ đẻ là cụ Đầm. Sau khi hợp đồng cho tặng hoàn thành, cụ Đầm làm giấy CNQSDĐ đứng tên mình. Liền sau đó bà Danh bán cho ông Phạm Anh Tuấn (ngụ Thuận An, Bình Dương) với giá 5 tỷ đồng (đặt cọc trước 3 tỷ, giao thêm 2 tỷ đồng khi hoàn tất hợp đồng công chứng).
Lô đất số 5 Nguyễn Du. |
Giấy xác nhận bị chỉnh sửa vẫn có hiệu lực
Phát hiện sự việc, ông Phú kiện lên Tòa án nhân dân (TAND) TP.Thủ Dầu Một. Tại phiên tòa sơ thẩm (lần 1) ngày 28.5.2010, ông bà Thao, Danh thừa nhận giả chữ ký của bà Huệ, nhưng cho rằng đất là do mình mua từ bà Mai, ông Xiển. Bằng chứng là vào ngày 9.7.2013, bà Huệ ghi giấy xác nhận đứng tên giùm bà Danh trong việc mua bán mảnh đất này. Điều đáng nói, giấy xác nhận đã bị chỉnh sửa nhiều nội dung quan trọng, như địa chỉ của lô đất, ngày tháng...
Tuy nhiên TAND TP.Thủ Dầu Một chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của ông Phú, hủy hợp đồng cho tặng quyền sử dụng đất giữa bà Huệ và cụ Đầm, chấp nhận yêu cầu độc lập của vợ chồng ông bà Đào Xuân Thao, Lê Mỹ Danh, được quyền quản lý sử dụng mảnh đất số 5 Nguyễn Du.
Không đồng tình với bản án, ông Phú kháng cáo. Ngày 15.9.2010, TAND tỉnh Bình Dương tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm. Ông Phú tiếp tục có đơn xin đề nghị xử giám đốc thẩm lên tòa án tối cao.
Ngày 15.8.2012, Tòa Dân sự (Tòa án Tối cao) đã quyết định giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm ngày 15.9.2010, giao TAND TP.Thủ Dầu Một xét xử lại. Đồng thời cần làm rõ ai đã viết giấy xác nhận ngày 9.7.2003 và lý do xác nhận này. Ai là người viết thêm phần địa chỉ “5 Nguyễn Du, TXTDM Phú Cường” trong phần nội dung giấy xác nhận; hai bà Lê Thị Mai và Lê Thị Mỹ Hương có trực tiếp chứng kiến việc lập giấy xác nhận này hay không. Cần xác định giấy này có phải ý chí của bà Huệ...
Trong quá trình cơ quan pháp luật chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử lại thì ngày 6.1.2013, anh Phú bị hai thanh niên dùng súng bắn trên đường Hoàng Văn Thụ (khu dân cư Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một).
Ngày 25.1.2014, TAND TP.Thủ Dầu Một mở phiên tòa sơ thẩm (lần 2). Căn cứ vào nhiều tài liệu, nhất là lời khai của chủ đất Lê Thị Mai, Trần Văn Xiển không biết bà Danh, cụ Đầm là ai, nên không thể có giao dịch mua bán với hai người này. Các tài liệu thể hiện chỉ có việc mua bán giữa bà Huệ và bà Mai...
Từ đó tòa đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phú, tuyên hủy hợp cho tặng giữa bà Huệ và cụ Đầm, công nhận quyền sử dụng lô đất 5 Nguyễn Du thuộc bà Huệ, ông Phú.
Không đồng ý, bà Danh kháng cáo bản án sơ thẩm này. Ngày 5/8/2014, TAND tỉnh Bình Dương mở phiên tòa phúc thẩm lần hai. Tại phiên tòa, tài liệu được nhận định quan trọng nhất là giấy xác nhận đứng tên giùm của bà Huệ.
Theo bản án, giấy xác này có sửa chữa ở nội dung địa chỉ thửa đất và nội dung ghi ngày tháng do bà Danh đồ lại, vì bút nghẹt mực và nhầm ngày tháng. Nhưng phần nội dung không bị sửa chữa, thể hiện bà Huệ nhận đứng tên giùm bà Danh lô đất số 5 Nguyễn Du, có bà Hương làm chứng, bà Mai là chủ đất ký tên. Bà Mai lý giải do tin lời bà Danh nên mới ký, nhưng mâu thuẫn với lời khai và không phù hợp với lời khai của bà Hương. Mặt khác ông Phú, bà Huệ cũng không đưa ra bằng chứng gì để bác bỏ.