Dân Việt

Dương Tường miệt mài “Đi tìm thời gian đã mất“

21/01/2015 15:05 GMT+7
Ở tuổi 83, lão dịch giả vẫn miệt mài chuyển ngữ tập hai của "Đi tìm thời gian đã mất" - một trong 10 cuốn sách vĩ đại nhất mọi thời.

Dương Tường cho biết, ông vẫn đang tiếp tục chuyển ngữ bộ tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất. Trước đó, cuối năm 2013, tập một của bộ sách có tên Bên phía nhà Swann đã được ra mắt. Cuốn đó Dương Tường dịch cùng ba dịch giả khác là Đặng Anh Đào, Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm. 

DT-2-2379-1421468345.jpg

Dịch giả Dương Tường.

Sau khi tập một ra mắt, mỗi dịch giả sẽ dịch riêng từng cuốn. Dương Tường là người chuyển ngữ tập hai. Công việc này của ông vẫn nằm trong dự án dịch và phát hành bộ tiểu thuyết của Marcel Proust tại Việt Nam. Tập hai của bộ tiểu thuyết phát hành lần đầu năm 1919 với tên À l'ombre des jeunes filles en fleurs. Ở Việt Nam, tác phẩm từng được Nguyễn Trọng Định dịch và phát hành năm 1992 với tên Dưới bóng những cô gái tuổi hoa. Nhưng khi bắt tay vào dịch, Dương Tường lại chọn cái tên "Dưới bóng những cô gái đương hoa". 

Dịch giả tiết lộ trong vòng một năm qua, ông đã chuyển ngữ được hai phần ba cuốn sách. "Ở tuổi này, mỗi ngày tôi dịch được hai trang là giỏi rồi. Công việc vất vả, bởi Proust là một trong những tác giả khó dịch nhất thế giới. Khi dịch tôi phải phóng to con chữ lên để làm việc bởi mắt kém. Tôi cũng tham khảo bản dịch tiếng Anh trong quá trình làm việc". Dương Tường bảo ông đã đọc bộ Đi tìm thời gian đã mất từ những năm 1960, khi một người bạn Pháp gửi tặng ông bộ sách. Tới nay, khi bắt tay vào dịch, ông làm việc với tinh thần "Tôi cứ làm đến đâu hay đến đấy thôi, chứ ông giời gọi mình đi lúc nào không biết".

Nói về những cái khó khi dịch tập hai bộ Đi tìm thời gian đã mất, Dương Tường bảo: "Từ xưa tôi đã tâm niệm phải làm những gì khó hơn mình một tí, làm khó hơn thì đương nhiên mình phải cố. Trong thời gian dịch cuốn sách này, tôi đã hút mình, chôn mình vào ông Proust". Tuy nhiên, ông cho biết đây chưa phải là cuốn khó nhất ông từng dịch. Trước đó, ông đã chuyển ngữ các tác phẩm khó như Con đường xứ Flandres (Claude Simon), Lolita (Nabokov).

Hỏi Dương Tường về những phản ứng chưa hài lòng của một số độc giả với công việc dịch thuật của ông, nhất là bản dịch Lolita, ông bảo những gì cần làm ông đã làm rồi. Ông cũng không đọc người khác đã dịch Lolita ra tiếng Việt như nào, bởi "mắt tôi bây giờ kém lắm rồi, mắt tôi để dành cho những gì tôi làm thôi".

body-DI-tim-thoi-gian-1327-1421468346.jp

Tập một của bộ "Đi tìm thời gian đã mất" do Dương Tường, Đặng Anh Đào, Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm dịch.

Đi tìm thời gian đã mất được bình chọn là một trong 10 tiểu thuyết được yêu thích nhất thế kỷ 20 và được tạp chí Time xếp thứ tám trong 10 cuốn sách vĩ đại nhất mọi thời. Tác giả bộ sách tên đầy đủ là Valentine Louis Georges Eugène Marcel Proust (1871 - 1922). Ông được coi là một trong ba tiểu thuyết gia xuất sắc mọi thời đại. Đi tìm thời gian đã mất là tác phẩm làm nên cuộc cách mạng văn chương Pháp đầu thế kỷ XX. Dù tác phẩm được ưa thích hay không, nó luôn được lấy làm điểm quy chiếu: có một cách viết tiểu thuyết, cách đọc tiểu thuyết trước và sau Proust. Sở dĩ việc dịch Đi tìm thời gian đã mất khó bởi mấy nghìn trang sách của Proust đan cài nhiều luận bàn, quy chiếu về tác phẩm văn chương, âm nhạc, hội họa... Bút pháp của ông có nhiều mệnh đề với nhiều quan hệ kết hợp, phụ thuộc, so sánh, đối lập, song song.

Dịch giả Dương Tường còn là một nhà văn, nhà thơ. Ông dịch nhiều tác phẩm văn học có giá trị như Anna Karenina, Cuốn theo chiều gió, Con đường xứ Flanders, Đồi gió hú, Cái trống thiếc, Mặt trời Scorta, Phố những cửa hiệu u tối, Lolita... Ông quan niệm "một bản dịch lý tưởng phải là một tác phẩm, trong đó dịch giả là đồng tác giả".