Dân Việt

Xẩm cháy vé: Ngạc nhiên và...

22/01/2015 08:50 GMT+7
Đêm công diễn “Xẩm và đời” (diễn ra tối 20.1 tại Nhà hát Lớn Hà Nội) cháy vé đã đem lại nhiều ngạc nhiên và cả hi vọng....

Xuất hiện nhà thơ và chân dài

Chiếc vé cuối cùng được bán ra trước đêm công diễn ba ngày, đây là trường hợp hi hữu của một chương trình xẩm. Ngay cả Ban tổ chức cũng bất ngờ vì độ hút khách của loại hình cổ nhạc này. “Ngay từ khi bắt đầu vào thực hiện chương trình, chúng tôi chỉ đơn giản nghĩ là “người nhà” hát cho nhau nghe.

img
Nhà thơ Vũ Quần Phương và chân dài Trà Ngọc Hằng trong vai trò dẫn chuyện...

 Nhưng khi có sự tương tác với công chúng thì chúng tôi nhận ra mình đã nhầm. Xẩm rất hút khách, quan trọng là cách mình đem nó đến công chúng như thế nào”, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, Giám đốc Âm nhạc của “Xẩm và đời”, cho biết. Vị nhạc sĩ này cũng chia sẻ thêm, sau chương trình "Đêm Xẩm Hà Thành" mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đây là đêm nhạc thứ hai được tổ chức với mục đích tôn vinh các giá trị nghệ thuật của xẩm và hoàn toàn không tính tới giá trị thương mại.

Chương trình có sự góp mặt của những “cây đa cây đề” làng cổ nhạc như NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thanh Ngoan, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa… Bên cạnh đó, còn xuất hiện những “nốt lạ” như ca sĩ Hà Linh, Minh Kiên, nghệ sĩ saxsophone Phan Anh Dũng và cả chân dài Trà Ngọc Hằng. Đêm nhạc “Xẩm và đời” gồm 19 bài xẩm nổi tiếng được chia làm ba phần chính: xẩm xưa, xẩm đương đại và xẩm thử nghiệm kết hợp âm nhạc hiện đại tạo nên một đêm diễn đa sắc màu. Chân dài Trà Ngọc Hằng đảm nhiệm vai trò người dẫn chuyện cùng với nhà thơ Vũ Quần Phương. Sự trái ngược giữa hai thế hệ trong một không gian cổ nhạc tạo nên biểu tượng nhiều ý nghĩa.

Không phủ nhận, tạo hình tươi mới, lộng lẫy của người đẹp này đã thổi một làn gió mới vào nghệ thuật xẩm. Trà Ngọc Hằng vào vai cô gái trẻ phương Nam đi khám phá một nét âm nhạc đường phố đặc sắc của Hà Nội. Còn “người già” Vũ Quần Phương đảm nhận vai trò của một nhà văn hóa chia sẻ và đối thoại với cô về nghệ thuật xẩm đặc sắc.

“Nhiều khán giả không ngại ngần thừa nhận, lí do họ mua vé là để xem những chân dài “làm ăn” ra sao với xẩm. Nhưng hết chương trình, họ đã bị xẩm thuyết phục hoàn toàn. Có người còn hứa sẽ trở thành “khán giả ưu tú” của xẩm”, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long chia sẻ.

Tiết mục gây nhiều ấn tượng nhất là sự xuất hiện của nữ ca sĩ Hà Linh với phần biểu diễn đậm chất đương đại. Hà Linh đem đến cho chương trình một vở nhạc kịch, là sự kết hợp giữa xẩm - chèo - worldmusic - breakdance - popping.

Cô cùng với nam ca sĩ Minh Kiên đã đem lại hơi thở trẻ trung cho đêm diễn với các ca khúc “Anh Khóa hồi sinh” và “Dứa dại không gai”. ...

Phân vân thương mại hóa xẩm

Thành công này mang lại nhiều hi vọng về tiếp cận công chúng của cổ nhạc. Tuy nhiên, nhiều nghi ngại đặt ra khi việc “lạ hóa” này đang vô hình chung dẫn đến con đường “thương mại hóa” xẩm.

GS. Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Âm nhạc dân tộc cho biết: “Khâu then chốt nhất vẫn là thuyết phục khán giả đến với xẩm.

img
 

Đầu tiên, chúng tôi muốn một chương trình thuần chất xẩm. Nhưng nói thật, những tên tuổi gạo cội vẫn chưa đủ nóng để kham nổi việc đó. Và bài học lớn chúng tôi rút ra từ chương trình này, chính là sự linh hoạt trong cách nghĩ và cách làm của nghệ sĩ. Và tôi tin, thành công của chương trình này chính là phát súng tiên phong cho việc đổi mới cách tổ chức và truyền thông một chương trình cổ nhạc”.

Đồng quan điểm trên, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long chia sẻ: “Đã đến lúc chúng ta nên thay đổi tư duy về cách bảo tồn cổ nhạc. Nếu như việc dung hòa với âm nhạc đương đại có thể khiến xẩm, chèo hay tuồng sống được với khán giả thì việc gì phải ngần ngại.

Thương mại hóa cổ nhạc không phải là xấu xa hay sai trái. Vấn đề là biết tiết chế và đi đúng cách. Nhan sắc và sự trẻ trung xuất hiện trong “Xẩm và đời” là điểm nhấn đắt giá và hợp lí đấy chứ. Các nhà quản lí văn hóa luôn kêu gọi chúng ta phải đi từ cái "hay" để duy trì xẩm. Nhưng theo tôi, cách hiệu quả hơn, là đi từ “lạ”. Hãy hấp dẫn công chúng trước khi chinh phục họ”....