Dân Việt

Hà Nội tiếp tục chặt hạ gần 150 cây xà cừ tuyến Nguyễn Trãi – Trần Phú

Nguyễn Đức 22/01/2015 14:49 GMT+7
Trong tháng 2.1205, Hà Nội tiếp tục chặt hạ gần 150 cây xà cừ trên tuyến đường Nguyễn Trãi – Trần Phú, để đảm bảo an toàn cho việc thi công đường sắt đô thị trên cao tuyến Cát Linh – Hà Đông.

Ngày 22.1, Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức họp báo về việc chặt hạ và di chuyển cây xanh không phải cây đô thị trên dải phân cách đường Nguyễn Trãi – Trần Phú, Hà Đông, TP.Hà Nội.

Ông Nguyễn Đức Mạnh, trưởng phòng kế hoạch Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, từ nay đến hết ngày 15.2.2015, đơn vị sẽ tiếp tục chặt hạ 148 cây, trong đó có 21 cây xà cừ (đường kính dưới 50cm) cong nghiêng, sâu mục; 123 cây xà cừ (đường kính dưới 50cm) ảnh hưởng đến an toàn tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông; dịch chuyển 9 cây để phục vụ cho việc mở rộng lòng đường chống ùn tắc.

img

 

Hàng cây xà cừ trên đường Nguyễn Trãi chỉ còn trơ gốc 

“Mục đích của việc chặt hạ cây xanh nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông; an toàn giao thông đường bộ trong mùa mưa bão trên tuyến đường Nguyễn Trãi – Trần Phú” ông Mạnh nói.

Ông Lê Trung Ngọc, chuyên viên Phòng Môi trường và Công trình đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội, đơn vị quản lý cây xanh Hà Nội cho biết, những cây xà cừ bị chặt hạ là những cây không thuộc chủng loại đô thị và TP.Hà Nội cũng hạn chế trồng.

“Những cây xà cừ có chiều cao từ 14- đến 20m thường có thân to, rễ chùm. Nếu để cây xà cừ đổ sẽ đè vào đường sắt trên cao và gây nguy hiểm cho người đi đường. Được sự đồng ý của UBND Hà Nội, chúng tôi chặt hạ làm nhiều đợt cây xanh và thay thế trồng mới cây lát hoa và sao đen. Đây là các loài cây gỗ lớn, rễ cọc, thân thẳng, khả năng chống chịu gió bão tốt, ít bị đổ gãy, đảm bảo an toàn giao thông”, ông Ngọc chia sẻ.

Ông Trần Trọng Hiếu, Trưởng phòng quản lý Hạ tầng, môi trường và công trình ngầm - Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, đơn vị đảm nhận việc chặt hạ cây là đơn vị có nhiều kinh nghiệm, phương tiện, con người. Khi chặt hạ cây xanh, công nhân sẽ lập hàng rào chắn ở ven đường và có công nhân hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông.

“Thậm chí lúc cưa cành cây, công nhân sẽ đứng ở đó để chỉ dẫn người dân tham gia giao thông. Chúng tôi đã yêu cầu đơn vị chặt cây, chặt hạ cây nào thì dứt điểm cây đó, không lập hàng rào cả tuyến đường dài, gây ùn tắc giao thông. Thêm nữa, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ phối hợp với công nhân phân luồng giao thông đảm bảo an toàn giao thông trên toàn tuyến”, ông Hiếu nói.

img

 

Nhiều người dân lưu thông qua tuyến đường nhìn cảnh tượng cây bị chặt hạ đã không khỏi xót xa  

Theo ông Hiếu, sau khi chặt hạ cây xà cừ, hội đồng nhiệm thu bên Sở tài chính Hà Nội sẽ cùng đơn vị đảm nhiệm việc chặt cây xanh đo đạc, phân loại, nhiệm thu số gỗ. Sau đó, toàn bộ số gỗ chặt hạ sẽ đem bán hoặc tổ chức đấu giá công khai. Số tiền từ bán gỗ sẽ quyết toán vào dự án.

Ông Nguyễn Xuân Hưng (Phó giám đốc Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội) cho biết thêm, hiện nay trên toàn thành phố Hà Nội có hơn 5.000 cây xanh. Khu vực đường Nguyễn Trãi có 597 cây bóng mát được trồng hai bên vỉa hè và trên dải phân cách giữa đường dành cho xe buýt, đường giao thông. Các cây được trồng phần lớn là xà cừ, lát hoa, phượng, bàng, bông gòn, keo…

 

Trước đó, trong quá trình thực hiện dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, Sở xây dựng Hà Nội đã kiểm tra và cấp phép cho chủ đầu tư chặt hạ 112 cây, dịch chuyển 91 cây nằm trong mặt bằng xây dựng nhà ga, trụ cầu và cắt tỉa 79 cây có cành vươn vào phạm vi thi công lao dầm trên tuyến đường Nguyễn Trãi – Trần Phú, quận Hà Đông.