Dân Việt

Gửi trẻ về quê dịp hè: Hiểm nguy khó lường

21/06/2013 06:28 GMT+7
Dân Việt - Nghỉ hè, cháu về quê chơi là niềm vui của ông bà. Tuy nhiên, ở nhiều gia đình, do ông bà tuổi cao sức yếu, các cháu còn nhỏ hiếu động dẫn tới mệt cho ông bà và nguy hiểm khó lường cho trẻ nhỏ.

Từ cuối tháng 5, các trường học từ mẫu giáo tới THPT trên địa bàn các thành phố đều đóng cửa nghỉ hè. Nhiều người buộc phải để trẻ nghỉ hè ở nhà với... "4 bức tường" còn những gia đình có ông bà ở quê thì lựa chọn “tối ưu” là cho trẻ về quê.

img
Hai vợ chồng ông Kiếng bà Mai và  5 đứa cháu.

Chính vì thế, ở nhiều vùng quê, phần lớn các gia đình chỉ có 2 ông bà, vốn vắng vẻ thì nay đã trở nên đông vui… như nhà trẻ.

Ông Mai Trọng Hoài, 58 tuổi ở thôn Trà Đông, xã Quang Phục (Tiên Lãng, Hải Phòng) và vợ là bà Nguyễn Thị Tuyên hiện trông tới 5 đứa cháu lít nhít. Ông bảo: “Ngày thường 2 ông bà quanh quẩn nhìn nhau, chỉ mong hè cháu được về chơi cho vui cửa vui nhà. Cả năm các cháu quanh quẩn trong nhà, giờ được về quê chơi các trò trẻ quê chúng cũng rất thích”.

Giữa tháng 3.2013, tại xã Kỳ Lạc huyện Kỳ Anh Hà Tĩnh đã xảy ra vụ tai nạn đuối nước thương tâm khiến hai cháu nhỏ tử nạn. Nguyên nhân do hai vợ chồng vào Nam làm ăn gửi hai cháu cho ông bà ở quê trông nom nhưng ông bà cũng bận công việc, để các cháu đi chơi và bị rơi xuống hồ chết đuối.

Hữu Anh

Ông Hoài có 3 người con. Vợ chồng con trai cả và con gái út ở thành phố Hải Phòng, còn đứa con gái út lấy chồng gần làng nhưng cũng theo chồng sang đơn vị bộ đội của chồng ở huyện Thủy Nguyên ở vài năm nay. Ông Hoài có tất cả 5 cháu nội ngoại. Vừa nghỉ hè, bố mẹ chúng đã “đăng ký” ông bà trông hộ nửa tháng. 5 đứa cháu, 2 cháu vừa học xong lớp 1, 1 đứa sắp lên lớp 1, còn hai đứa chỉ mới 2, 3 tuổi, nhà ông bà cứ ríu rít như vườn trẻ, suốt ngày cháo, sữa.

Gia đình bà Nguyễn Thị Quang (xã Minh Quang, Ba Vì, Hà Nội) cũng… nhộn nhịp với 6 đứa cháu. Góa chồng từ lúc trẻ, bà Quang cứ lặn lội trông con rồi trông cháu.

Bà tự hào: “Hè nào nhà tôi cũng như vườn trẻ. 2 đứa con gái gửi 4 đứa cháu về chơi, cộng với 2 đứa cháu nội là 6”. Cháu bà lít nhít từ 2 tới 9 tuổi. Cứ chiều chiều, bà dắt 6 đứa trẻ ra đầu xóm nô nghịch cho tới tận tối, khi người con dâu đi làm về.

Cách TP. Hà Tĩnh 2km nhưng làng muối Hộ Độ (Lộc Hà, Hà Tĩnh) thì như một thế giới khác, thế giới của người già và trẻ nhỏ. Trên con đường dẫn vào làng muối không khó bắt gặp cảnh các ông bà già trông trẻ, thậm chí phải dắt cháu theo ra đồng muối để làm việc.

Ông Trương Quang Kiếng (74 tuổi) ở thôn Yên Thọ cho biết: Con trai và con dâu vào Bình Thuận làm ăn, hè gửi lại 5 đứa cháu cho hai ông bà già trông nom. Đứa cháu út mới hai tuổi, đi đâu ông bà cũng phải dắt chúng đi cùng.

Ông Trương Khắc Thảo - Trưởng Ban văn hóa xã Hộ Độ cho biết: Hộ Độ có 1.900 hộ dân nhưng có đến 30% số cặp vợ chồng đi làm ăn xa gửi con cái cho ông bà trông nom. Số trẻ em chưa độ tuổi đến trường và số trẻ em gửi về ông bà ở quê dịp hè chưa thống kê được nhưng cũng khá lớn.

Hiểm nguy khó lường

Muốn vui vầy cùng con cháu, thương cháu hè không có chỗ chơi… là tâm lý của các ông bà khi đón cháu về nhà. Thế nhưng, có một thực tế mà nhiều ông bà phải giấu để con cái đỡ lo: đó là việc trông trẻ quá mệt và nguy hiểm.

Chị Mạc Thị Hoa - con dâu bà Quang cho biết, việc cho 6 đứa trẻ ăn uống, chơi, ngủ, tắm giặt cũng quá sức của bà.

Để đảm bảo an toàn cho cháu, ông Mai Trọng Hoài phải hút hết nước ở cái ao trước cửa nhà. Vậy mà chỉ cách đây 2 hôm, mặt ông "cắt không còn giọt máu" khi thấy đứa cháu 3 tuổi đang lội dưới ao.

Nhà ông Bùi Doãn Gia và bà Lê Thị Hào, ở xóm Bến, Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng cũng được một phen hú hồn khi thằng cháu 4 tuổi bỗng dưng… biến mất. Cả nhà đi tìm cả một buổi chiều thì thấy cháu nằm ngủ quên ở trong... tủ.

Nhiều gia đình khác thì ông bà cũng than phiền người già khó ngủ, trong khi cháu nhỏ hay thức giấc giữa đêm đòi bố mẹ. Cháu thức, ông bà cũng thức. Tới khi trẻ mệt, đi ngủ thì cũng gần sáng…

Ông Dương Đình Lộc chủ tịch UBND xã Tây Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình):

“Địa bàn xã hiện cũng đang có nhiều cháu được bố mẹ gửi về quê nghỉ hè với ông bà. Giao phó con cái cho ông bà chăm sóc dĩ nhiên sẽ yên tâm hơn người ngoài đồng thời tiết kiệm được thời gian và tiền bạc cho bố mẹ. Tuy nhiên, tốt nhất là không nên ỷ lại vào ông bà bởi ông bà cũng đã tuổi cao sức yếu. Hơn nữa giữa ông bà và cha mẹ là hai thế hệ khác nhau nên cách giáo dục cũng khác nhau”

Anh Vũ Trọng Thủy, cán bộ Đoàn, xã Minh Tân (Thủy Nguyên, Hải Phòng)

“Có lẽ mùa hè là mùa bận rộn trông cháu của các ông bà ở thôn quê. Chính hoạt động đoàn cũng phải tích cực để tạo sân chơi cho các em trong mùa hè, để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra. Hầu như hè năm nào chúng tôi cũng đón trẻ thành phố về ông bà mình chơi, tham gia luôn vào sinh hoạt hè ở quê”