Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) Vũ Hán đăng tải bản dự thảo những quy định mới này để kêu gọi nhân dân đóng góp ý kiến. Nếu được thông qua tại Hội đồng nhân dân thành phố, dự thảo sẽ chính thức có hiệu lực và thay thế các quy định ban hành từ năm 2010.
Game show “ghép đôi” ở Trung Quốc |
Để ngăn chặn ngoại tình
Theo chính quyền Vũ Hán vốn có 10 triệu dân, dự thảo này nhằm kiểm soát dân số, hạn chế những vụ ngoại tình, và để ngăn chặn một trào lưu nổi lên trong những năm gần đây: các doanh nhân “thành đạt và giàu có” lập phòng nhì. “Ernai” mang nghĩa “vợ hai”, hoặc “xiaosan” có nghĩa người "vợ ba", theo tiếng Hoa đều có nghĩa “bồ nhí”.
Theo dự thảo, phụ nữ không chồng mà có con và không thể cung cấp bằng chứng về cha đứa trẻ, hoặc phụ nữ có con riêng với người đàn ông mà cô ấy biết người đó đã có vợ thì sẽ phải nộp “phí con ngoại hôn”. Riêng nữ công chức nếu chưa có chồng mà có con sẽ bị kỷ luật nội bộ kèm mức phạt nặng. Dự thảo “Quản lý dân số và kế hoạch hóa gia đình mới” chưa cho biết sẽ phạt số tiền bao nhiêu nhưng có tên gọi là “phí bồi thường xã hội”. Giới truyền thông TQ cho rằng mức bồi thường có thể cao gấp sáu lần thu nhập trung bình người/năm ở Vũ Hán (khoảng 162.000 tệ hoặc 26.407USD)
Nhưng theo nhật báo tài chính Caixin rất uy tín ở TQ, trước sự phản ứng của các chuyên gia và cư dân mạng, chính quyền vội đính chính quy định này mới chỉ là “soạn nháp” và hoan nghênh người dân đóng góp ý kiến trong vòng 7 ngày (hạn chót ngày 7-6). Ủy ban nhân dân thành phố (UBND TP) nói thêm rằng giới truyền thông “hiểu sai” khoản phí ấy là “tiền phạt”. Một cán bộ giấu tên của Ủy ban KHHGĐ Vũ Hán nói mức phạt tối đa sẽ chỉ là 500 tệ (81,6USD) cho mỗi người cha và mẹ nếu biết được cha đứa trẻ còn độc thân. Nhưng nếu người cha đã có vợ, thì cả cha lẫn mẹ sẽ bị buộc nộp bồi thường tổng cộng gần 163.000 tệ.
Cán bộ này nói điều khoản 26 của dự thảo (bị chỉ trích) chỉ lập lại quy định của chính quyền tỉnh Hồ Bắc: người mẹ không chồng mà có con, hoặc người phụ nữ có con với người đàn ông đã có vợ thì phải nộp “phí bồi thường xã hội”. Ông còn giải thích Ủy ban KHHGĐ tỉnh ra mức phí này và còn tùy người mẹ có bao nhiêu con và khoản thu nhập hằng năm của người ấy.
“Phí bồi thường xã hội” là biện pháp kỷ luật người vi phạm chủ trương “mỗi gia đình ở thành thị chỉ nên có một con” của chính quyền trung ương. Phí này tùy chính quyền và Ủy ban KHHGĐ tỉnh, và trẻ “dư” không được thụ hưởng các quyền lợi như được học, được chăm sóc sức khỏe.
Đã bị phân biệt đối xử
Một cư dân mạng xã hội Sina Weibo cho biết: “Những người phụ nữ không chồng nhưng có con thường bị xã hội phân biệt đối xử, nay còn bị chính quyền phạt tiền”. Wang Feng là lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu chính sách công Brookings-Tsinghua (liên kết giữa Viện Brookings của Mỹ với Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh để nghiên cứu chính sách chất lượng cao) lưu ý: năm 1995 đã có sự thay đổi chức năng của Ủy ban KHHGĐ.
Cơ quan này chỉ cung cấp dịch vụ kiểm soát sinh đẻ và phòng chống bệnh tật, thay thế vai trò trước đây là cơ quan ra án phạt đối với người vi phạm chủ trương “một con” của chính phủ trung ương. Nhưng đã có những dấu hiệu “cởi mở” ở chủ trương này và người TQ được thông tin nhiều hơn về các vấn đề xã hội, nên họ cảm thấy khó chịu khi chính quyền “nhảy xổ” vào đời tư của họ.
Vớt xác trẻ sơ sinh gái bị vứt xuống sông | Em bé được giải cứu khỏi ống cống nay sức khỏe đã ổn định |
Wang nói việc có con ngoại hôn - dù tốt hay không tốt cho một xã hội minh bạch ở TQ - nên là vấn đề giải quyết giữa một người đàn ông với một người phụ nữ: “Ủy ban KHHGĐ chẳng nên lãnh trách nhiệm giữ gìn xã hội trong sạch. Nhiệm vụ chính của ủy ban chỉ nên là tuyên truyền lối sống lành mạnh, vệ sinh, không nên phạt vạ. Dự thảo của ủy ban này ở Vũ Hán là vượt quá thẩm quyền của họ”. Wang còn nói ủy ban này vào năm 2013 đã sáp nhập vào Bộ Y tế, tức đã bị hạn chế quyền. Tờ Caixin dẫn lời Wang: “Dự thảo này không có cơ sở pháp lý, việc phạt tiền những người mẹ không lấy chồng cho thấy rõ ràng sự phân biệt giới tính. Các bà mẹ đơn thân đã đối diện sức ép xã hội và kinh tế, là một nhóm dễ bị tổn thương. Bộ Y tế nên giúp họ thay vì phạt họ. Kiểu kỷ luật, trừng phạt đó sẽ chỉ làm nặng thêm vấn đề phá thai, bỏ con và bán con”.
Cấm “ăn cơm trước kẻng”
Nhà nghiên cứu bình đẳng giới Chen Yaya thuộc Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải lo ngại: “Nếu dự thảo này được thông qua, sẽ càng có thêm nhiều bà mẹ bỏ con vì họ không thể kham nổi các mức phí”. Bà cho rằng đây là lần đầu tiên chuyện con rơi thuộc diện bị phạt tiền do chính quyền ráng đạt thành tích kiểm soát dân số: “Theo tôi, chủ trương này chỉ nhằm vào phụ nữ. Phụ nữ chưa chồng đã bị kỳ thị, gồm việc bị cấm thụ hưởng những lợi ích dành cho các bà mẹ của chính quyền”. Họ cũng bị chê cười vì người TQ vẫn trọng truyền thống nên cấm chuyện “ăn cơm trước kẻng”, tức cấm quan hệ tình dục trước hôn nhân.
Tờ China Daily dẫn lời giáo sư Wang Qiong của Trường đại học Vũ Hán: “Dự thảo ấy quá kỳ cục. Nếu một người phụ nữ không chồng nhưng muốn có con và chọn biện pháp thụ tinh nhân tạo, chẳng lẽ cô ấy cũng bị phạt?”. Giáo sư nghiên cứu dân số Yuan Xin tại Đại học Renmin nói đây là lần đầu tiên việc có con mà “chửa chồng” bị xem là tội: “Thực tế thì nhiều quy định KHHGĐ đã xem chuyện có con mà không chồng là trái pháp luật”. Ông nhận định dự thảo mới này sẽ khó đi vào cuộc sống, do tính chất phức tạp của xã hội ngày nay: “Số người muốn sống độc thân ngày càng tăng lên. Nếu quy định được áp dụng thì những người này sẽ không thể có con hợp pháp, như vậy là điều không hợp lý.
Luật sư Ma Jinzhen nói với tờ Thời báo Hoàn cầu: “Dù có thể hiểu được mục tiêu của dự thảo, nhưng sẽ khó chứng minh được người cha có vợ hay chưa, vì thông tin trong hộ khẩu của người cha có thể không được cập nhật kịp thời. Điều này sẽ tạo ra vô số rắc rối”.
Cũng theo tờ báo này, tỉnh Cát Lâm hiện là địa phương duy nhất tại TQ có các chính sách bảo vệ cho những bà mẹ đơn thân. Những phụ nữ đã đến độ tuổi lập gia đình nhưng không muốn kết hôn được quyền sinh con nhờ sự trợ giúp y học.
Chủ trương “mỗi gia đình chỉ nên có một con” được ban hành từ năm 1979, dù ban đầu được xem là một đạo luật chỉ có hiệu lực 30 năm, nhưng các tuyên bố gần đây cho thấy chủ trương này sẽ còn được tiến hành lâu dài, dù đã có những cảnh báo về nạn trai thừa gái thiếu, vì xã hội TQ vẫn trọng con trai hơn con gái. Chủ trương trên khiến xảy ra nhiều vụ bỏ con gái hoặc bị ép buộc phá thai. Và dù chủ trương vận dụng với hầu hết mọi người thì người nghèo vẫn chịu thiệt thòi nhất khi tính chuyện có con.