Dân Việt

Nỗi lo điện ảnh… “ngoại lai”

24/01/2015 13:00 GMT+7
Ngoài Tuổi thanh xuân, bộ phim truyền hình hợp tác giữa Việt Nam – Hàn Quốc đang trình chiếu trên VTV thì mới đây, một bộ phim hợp tác giữa Việt Nam – Trung Quốc cũng chính thức được ra mắt, đó là phim hài Tình xuyên biên giới.

Bộ phim này do Công ty Nghiệp Thắng và Công ty TNHH Seoul Quảng Tây (Trung Quốc) phối hợp sản xuất với bối cảnh chính tại Việt Nam là TP HCM và Nha Trang, cùng một vài cảnh quay phụ ở Thâm Quyến, Quảng Tây (Trung Quốc).

Tình xuyên biên giới nói về chủ đề mai mối thời hiện đại. Bộ phim xoay quanh câu chuyện tình giữa một thiếu gia Trung Quốc “ế vợ” (do diễn viên Mã Đức Chung thủ vai) và cô minh tinh Việt Nam (Khánh My thủ vai) với các tình huống dở khóc dở cười nảy sinh từ những khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ giữa các nhân vật.

img

Hai diễn viên chính của Tình xuyên biên giới: Khánh My, Mã Đức Chung

Phim do đạo diễn Quách Tường (Trung Quốc) và đạo diễn Hồ Lê Nguyên Khôi (Việt Nam) phối hợp chỉ đạo thực hiện. Phim sẽ được công chiếu tại Việt Nam, Trung Quốc, Hong Kong và một số nước Đông Nam Á vào tháng 7/2015.

Ngoài ra, theo vài nguồn tin thì đầu 2015 còn có dự án phim Bầu trời đỏ, một phim hợp tác giữa Pháp và Việt Nam sẽ được ra mắt. Phim là câu chuyện cảm động về mối tình của anh lính Pháp tham chiến tại Việt Nam với cô gái mặt trận Việt Minh trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp năm 1947 - 1948. Bên cạnh đó, đại diện phía CJ E&M cho biết, sau Tuổi thanh xuân chắc chắn sẽ có những dự án phim tác mới hấp dẫn hơn với điện ảnh Việt Nam…

Có thể nói, làn sóng phim hợp tác đang ngày càng được các nhà làm phim chú ý với mong muốn tạo nên những nét tươi mới cho điện ảnh nước nhà. Đồng thời, đó còn là những cơ hội học hỏi kinh nghiệm, công nghệ làm phim của những nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới.

Mong muốn là tốt, song vấn đề đáng lo ngại nhất nằm ở chỗ sự hợp tác đó ở mức độ nào, nội dung phim hợp tác ra sao để văn hóa Việt không bị lấn lướt bởi văn hóa ngoại.

Trừ những phim hợp tác như Bầu trời đỏ, Tình xuyên biên giới chưa công chiếu nên chưa thể đánh giá, thì trong phim Tuổi thanh xuân đang công chiếu hay Mùi ngò gai (hợp tác Hàn Quốc) trước đó đều thấy rõ ràng sự lấn lướt văn hóa bản địa bởi những nét văn hóa ngoại.

img

Trong phim Tuổi thanh xuân

Tuổi thanh xuân thu hút giới trẻ bởi mang đậm tính Hàn từ cách xây dựng nhân vật, tình yêu, cuộc sống. Phim có sự tham gia của dàn diễn viên trẻ, đẹp, tuy không quá nổi tiếng, nhưng cũng những tên tuổi được giới trẻ yêu thích như Kang Tae-oh của Hàn Quốc hay Nhã Phương của Việt Nam…

Trong phần đầu được phát sóng trên truyền hình những ngày qua, người xem dễ dàng nhận thấy phim đề cao sức ảnh hưởng, hấp dẫn của văn hóa Hàn đối với giới trẻ Việt Nam, còn nét gì của văn hóa Việt thì chưa thấy có gì. Trong những tập phát sóng này, các nhà làm phim Hàn đã khéo léo quảng bá hình ảnh đất nước,văn hóa, con người họ tới đông đảo khán giả Việt qua những “đặc sản” xứ Hàn. Đó là những món ăn quen thuộc, những điểm du lịch nổi tiếng và cả sự hấp dẫn của những ngôi sao xứ Hàn...

Trong khi đó, hình ảnh về Việt Nam, chỉ là những món quà tặng như ô mai, bánh đậu xanh… được đưa vào thoáng qua. Đó là chưa kể, nữ diễn viên chính Nhã Phương với vai Linh là cô bé hâm mộ Hàn Quốc một cách thái quá.Còn nhân vật nam chính của Hàn lại là nhân vật đầy đam mê, nhiệt huyết với âm nhạc.

img

Phim Hàn được Việt hóa, Anh em nhà bác sĩ

Hay với Mùi ngò gai được công chiếu những năm trước, khán giả háo hức đón xem để rồi thất vọng khi mùi ngò gai biến thành “mùi kim chi” bởi những nét văn hóa Hàn quá đậm đặc trong nội dung phim.

Rồi trước đây, làn sóng Việt hóa phim Hàn cũng từng tạo nên một trào lưu “ăn sẵn”, triệt tiêu động lực sáng tạo của các nhà làm phim truyền hình Việt Nam. Hàng chục phim Hàn được Việt hóa đã lần lượt lên sóng truyền hình quốc gia như Cô nàng bướng bỉnh, Gia đình hạnh phúc, Anh em nhà bác sĩ… Về nội dung, đây không phải là những phim dở, song nó không phản ánh được đời sống văn hóa tinh thần người Việt và tạo ra những giá trị thẩm mỹ ngoại lai không phù hợp.

Trong thời đại toàn cầu hóa, việc tiếp cận, giao lưu với nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới là điều tất yếu; điện ảnh cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, ngoài yếu tố lợi nhuận thì các nhà làm phim cần xem xét đến yếu tố văn hóa. Bởi nếu những bộ phim “lai Hàn” tiếp tục được nuôi dưỡng trong môi trường truyền hình ăn xổi, trong những cuộc hợp tác thiếu sự cân nhắc, chủ động thì sẽ nhanh chóng phát triển thành trào lưu và di hại đến môi trường văn hóa. Tệ hơn, nó có thể triệt tiêu sức sống văn hóa bản địa!