Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa và nhạc sĩ Quang Long tại đêm nghệ thuật "Xẩm và đời'. Ảnh: Hải Bá
"Xẩm và đời" đã tạo được ấn tượng và thành công nhất định. Là nghệ sĩ tham gia biểu diễn, anh cảm thấy thế nào, hình như chương trình "cháy" vé?
- Tôi rất vui vì chương trình đã được đón nhận nhiều hơn mong muốn của chúng tôi. Đây là chương trình đa dạng về xẩm, tạo nên một không gian âm nhạc cho xẩm xuyên suốt từ nửa đầu thế kỷ 20 cho đến nay.
Mặc dù đêm diễn với thời gian ngắn, gói gọn trong mười mấy tiết mục không đơn giản nhưng chúng tôi đã gắng nỗ lực và cuối cùng chia làm 3 phần không đồng đều, phần thử nghiệm ít hơn để không gian xẩm truyền thống được đậm đặc hơn.
Thật không ngờ, dù phần xẩm truyền thống chiếm thời lượng nhiều hơn, nhưng cả khán phòng từ trẻ đến người lớn tuổi đều rất thích thú và hưởng ứng phần xẩm thể nghiệm.
Còn chuyện "cháy" vé thì tôi vui lắm. Tất nhiên việc "cháy" vé này không phải vì xẩm "hot" như những dòng ca nhạc thời thượng hiện nay mà có thể vì lâu ngày có một "món ăn lạ", vả lại xẩm cũng gần gũi với một bộ phận công chúng nhất định.
Xẩm là một loại hình nghệ thuật truyền thống, có thể nói cũng kén khán giả nghe, đặc biệt khán giả trẻ. Tuy nhiên đêm "Xẩm và đời" lại lôi kéo được khán giả trẻ đến thưởng thức, theo anh, có thể nói đó là một hiện tượng?
- Lâu nay ta vẫn luôn nghĩ xẩm kén khán giả nhưng thực sự không hẳn vậy. Dù sao xẩm cũng là sản phẩm nghệ thuật của quá khứ, sau khi làn sóng văn hoá phương Tây xâm nhập vào Việt Nam bao thế kỷ qua thì cũng như nhiều nghệ thuận truyền thống khác, xẩm đã vắng dần trong đời sống tinh thần.
Nhưng xẩm vẫn là xẩm. Là nghệ thuật phục vụ mọi tầng lớp công chúng, chủ yếu là tầng lớp bình dân, vẫn chứa đựng sự trữ tình, tính hóm hỉnh, dí dỏm và dân dã như nó vốn có nên xẩm không hẳn kén người nghe mà xẩm chưa có nhiều công chúng bởi chúng ta chưa trao nhiều cơ hội cho xẩm đến với công chúng.
Đêm diễn "Xẩm và đời" hơn một nửa số khán giả là người trẻ. Sự đón nhận bằng những tràng pháo tay dài dài, những tiếng cười ồ tán thưởng và những lúc như lặng thinh chìm đắm vào ca từ, giai điệu của xẩm. Vậy là khán giả cũng đã bị mê hoặc, cảm xúc tâm hồn nhập làm một với nghệ sĩ để bước vào không gian của xẩm.
Thường thì các bộ môn nghệ thuật truyền thống như xẩm, hát ca trù hay hát xoan…việc tìm các thế hệ trẻ kế cận và tiếp nối luôn là vấn đề nan giản. Thế nhưng dường như với xẩm có vẻ lại khác, bằng chứng đêm "Xẩm và đời"lại thấy ở đó có sự tham gia của thế hệ măng non là cô bé Ngọc Anh, Hồng Nga mới 10 tuổi. Vậy liệu đây có phải là tín hiệu đáng mừng khi xẩm đang ngày càng tạo sức hút để các thế hệ trẻ tham gia vào bộ môn nghệ thuật truyền thống này?
Cô bé Hồng Nga, cháu gái nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gây bất ngờ tại đêm nghệ thuật xẩm...
- Đúng vậy, tôi cảm thấy rất mừng khi những người trẻ yêu xẩm, đặc biệt là thế hệ của các cô bé như Hồng Nga, Ngọc Anh. Họ yêu và đam mê xẩm như vậy thì nghệ thuật xẩm sẽ mãi được tiếp tục bảo tồn và phát huy trong tương lai.
Ngọc Anh mới chỉ 10 tuổi nhưng đêm đó đã cùng với NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thanh Ngoan tái hiện một gia đình xẩm gợi nhớ đến những gia đình xẩm xưa khiến khán giả thích thú.
Còn cô bé Hồng Nga, 11 tuổi cũng khá đặc biệt - là cháu ngoại của Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Cô bé mê hát xẩm vô cùng, từng bị bố mẹ cấm theo học hát xẩm nhưng cô bé không chịu và phải cầu cứu sự can thiệp của ông ngoại để có thể được đi hát.
Mới học hát chưa lâu nhưng cô bé đã thể hiện bài “Thập ân 10 điều” - một trong những bài hát khó nhất của xẩm và cô bé đã nhận được tràng pháo tay cổ vũ nhiệt tình của khán giả ngày hôm đó.
Xin cám ơn anh!