Tại Chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 25.1, một nhóm công nhân ở Bình Dương chia sẻ, sau 1 năm làm việc nhưng đến cuối tháng 1 này, vẫn chưa nhận được một thông tin gì về thưởng Tết từ phía công ty.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trả lời trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời phát sóng trên VTV1 tối 25/1.
Nhóm công nhân hỏi Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền: “Các cơ quan chức năng đang giám sát như thế nào đối với việc đảm bảo mức lương thưởng thỏa đáng cho người lao động?
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho hay, vừa qua, chúng tôi đã chỉ đạo xuống các khu công nghiệp nắm tình hình thưởng Tết cho người lao động.
Ngoài ra, trên cơ sở báo cáo của các địa phương thì thưởng Tết năm nay tăng 15% so với năm ngoái, trên 80% doanh nghiệp đã có thưởng Tết Dương lịch 2015 cho người lao động, ở mức khoảng 1,5 triệu đồng/người.
Dịp Tết cổ truyền tới đây, phần lớn các đơn vị có kế hoạch thưởng Tết. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa đưa ra mức thưởng cụ thể.
Sau khi đi kiểm tra và qua báo cáo từ các địa phương cho thấy, năm 2014 mặc dù kinh tế khó khăn nhưng phần lớn các doanh nghiệp đều có phương án thưởng Tết. Cũng có thể có một bộ phận doanh nghiệp còn khó khăn và chưa có thưởng Tết.
Bộ sẽ tiếp tục rà soát và trên tinh thần đó, nếu doanh nghiệp không thưởng Tết, đề nghị báo cáo với địa phương để hỗ trợ cho người lao động.
Bà Phạm Thị Hải Chuyển cũng nói thêm, theo quy định pháp luật thì thưởng Tết không phải là một khoản bắt buộc, đây là khoản khuyến khích. Nhưng tuyệt đại bộ phận các doanh nghiệp khi làm ăn được đều có phương án lương thưởng.
Một vấn đề khác là trong hợp đồng của doanh nghiệp ký với người lao động đều có ghi phương án lương thưởng. Người lao động có quyền giám sát việc thực hiện phương án đó và phương án đó được công khai tại nơi sản xuất.
Nếu thấy đến thời điểm này chưa có thông tin, thì trước tiên người lao động kiểm tra lại xem trong hợp đồng đầu năm đã ký có khoản thưởng hay không, khoản thưởng đó có công khai ở nơi làm việc không.
Nếu có mà chưa thực hiện thì cần phản ánh với Công đoàn để đôn đốc chủ doanh nghiệp thực hiện.
Nếu khi đã có trong quy chế từ đầu năm rồi mà chủ doanh nghiệp không thực hiện thì cần báo cáo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội địa phương nơi doanh nghiệp đóng. Để có cơ sở can thiệp theo đúng quy chế của doanh nghiệp về vấn đề lương thưởng trong hợp đồng với người lao động.
Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố về mức thưởng Tết Ất Mùi cho thấy, mức thưởng cao nhất dịp Tết Nguyên đán năm nay thuộc về một doanh nghiệp tại Bình Dương, với 482 triệu đồng. Con số này thấp hơn mức thưởng 709 triệu đồng năm 2014.
Báo cáo khảo sát của Bộ tại 13.189 doanh nghiệp với hơn 2,5 triệu lao động thuộc 63 tỉnh, thành cho thấy, mức thưởng Tết 2015 dành cho người lao động trung bình là 5 triệu đồng/người, tăng 15% so với năm ngoái.
Đáng chú ý, mức thưởng Tết thấp nhất được các doanh nghiệp báo cáo chỉ ở mức 30.000 đồng/người tại một doanh nghiệp phía Nam và hiện vẫn còn khoảng 20% doanh nghiệp vẫn chưa có báo cáo thưởng Tết.