Dân Việt

Kinh doanh phân bón giả: Có thể bị phạt tù đến 15 năm

Lê Chiên (ghi) 18/02/2015 08:06 GMT+7
Để kinh doanh phân bón phải có điều kiện gì? Người kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng bị xử lý thế nào? Khi mua phải phân bón giả, kém chất lượng phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình…? Để giúp bạn đọc giải đáp những thắc mắc này, Trang Trại Việt trích đăng một số câu hỏi và trả lời của thạc sĩ, luật sư Nguyễn Hồng Bách (Giám đốc Công ty Luật Hồng Bách và Cộng sự).

img

Luật sư Nguyễn Hồng Bách (Giám đốc Công ty Luật Hồng Bách và Cộng sự).

Bà Trần Thị Tần (Hưng Hà, Thái Bình): Tôi muốn mở cửa hàng kinh doanh phân bón. Theo quy định của pháp luật, tôi  phải đáp ứng điều kiện gì?

 

- Theo quy định tại Điều 15, Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27.11.2013 của Chính phủ thì tổ chức, cá nhân kinh doanh phân bón phải thỏa mãn các điều kiện sau:

1. Có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có ngành nghề về kinh doanh phân bón do cơ quan có thẩm quyền cấp.

2. Có cửa hàng hoặc địa điểm kinh doanh, nơi bày bán phải bảo đảm giữ được chất lượng phân bón theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

3. Công cụ, thiết bị chứa đựng, lưu giữ phân bón phải bảo đảm được chất lượng và vệ sinh môi trường; có phương tiện vận chuyển phù hợp hoặc có hợp đồng vận chuyển phân bón.

4. Có kho chứa hoặc có hợp đồng thuê kho chứa phân bón riêng, đáp ứng được các điều kiện về bảo quản chất lượng phân bón trong thời gian kinh doanh. Đối với các cửa hàng bán lẻ phân bón, trường hợp không có kho chứa thì phải có công cụ, thiết bị chứa đựng, lưu giữ phân bón.

5. Có chứng từ hợp pháp chứng minh rõ nguồn gốc nơi sản xuất, nơi nhập khẩu hoặc nơi cung cấp loại phân bón kinh doanh.

6. Có đủ các điều kiện về phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn và vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật.

7. Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể điều kiện kinh doanh phân bón vô cơ quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5 Điều này. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể điều kiện kinh doanh phân bón hữu cơ và phân bón khác quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5 điều này.

8. Trường hợp tổ chức, cá nhân vừa kinh doanh phân bón vô cơ, vừa kinh doanh phân bón hữu cơ và phân bón khác thì phải thực hiện các điều kiện kinh doanh tại điều này và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bà Trần Thị Tần: Nếu tôi kinh doanh phân bón, thì việc nào bị cấm?

- Điều 6 Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27.11 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong kinh doanh trong kinh doanh phân bón gồm:

Kinh doanh phân bón giả, phân bón đã bị cấm sử dụng; kinh doanh phân bón không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc kinh doanh phân bón đã hết hạn sử dụng; kinh doanh phân bón không có hóa đơn chứng từ hợp pháp chứng minh rõ về nguồn gốc nơi sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu hoặc nơi cung cấp loại phân bón kinh doanh; thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia, pha trộn tạp chất làm giảm chất lượng phân bón so với tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; thông tin, quảng cáo sai sự thật hoặc có hành vi gian dối về chất lượng phân bón, về nguồn gốc và xuất xứ phân bón…

img

 

Sản phẩm phân bón mới NPK Phú Mỹ của PVFCCo đã đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Xuân Trường (Sơn La): Người vi phạm hoạt động kinh doanh phân bón bị xử lý như thế nào?

 

- Kinh doanh phân bón nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện. Và hành vi vi phạm hoạt động kinh doanh phân bón cũng thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử phạt hành chính: Quy định về việc xử lý hành chính đối với lĩnh vực kinh doanh phân bón nằm ở nhiều văn bản khác nhau như Luật Thương mại, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Doanh nghiệp, các nghị định… mỗi hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt tương ứng. Ví dụ:

·   Theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15.11.2013 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” thì:  

Người kinh doanh phân bón mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (Khoản 2, Điều 6); bị phạt 100 triều đồng trong trường hợp kinh doanh phân bón đã bị cấm sử dụng trong trường hợp lượng phân bón bị cấm sử dụng có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (điểm k, Khoản 1, Điều 10). Ngoài ra còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, buộc thu hồi tiêu hủy phân bón đó lưu thông trên thị trường, nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do kinh doanh phân bón đó...

·   Theo Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ thì:

Đối với hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh phân bón (không có chứng từ hợp pháp chứng minh rõ nguồn gốc nơi sản xuất, nhập khẩu hoặc nơi cung cấp phân bón; kinh doanh phân bón không có cửa hàng hoặc địa điểm kinh doanh bảo đảm giữ được chất lượng phân bón; kinh doanh phân bón không có công cụ, thiết bị chứa đựng, lưu giữ bảo đảm chất lượng phân bón; kinh doanh phân bón không có kho chứa phân bón có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 15 triệu đồng, ngài ra còn bị tịch thu phân bón không chứng minh được nguồn gốc nơi sản xuất, nhập khẩu hoặc nơi cung cấp loại phân bón, đình chỉ hoạt động kinh doanh phân bón từ 1 tháng đến 3 tháng… (Điều 21);  Đối với hành vi vi phạm quy định về kinh doanh phân bón không đảm bảo chất lượng (kinh doanh phân bón đã quá thời hạn sử dụng, kinh doanh phân bón đã bị đình chỉ sản xuất, đình chỉ tiêu thụ) có thể bị phạt từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng, ngoài ra còn bị tịch thu hoặc buộc tiêu hủy phân bón  (Điều 22)…

( Để biết thông tin chi tiết về những hành vi vi phạm và chế tài xử lý, các bạn tham khảo Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15.11.2013; Nghị định số 163/2013/NĐ-CP). 

Ông Nguyễn Xuân Trường: Đề nghị luật sư nói rõ hơn chế tài xử lý đối với việc kinh doanh phân bón giả?

- Cũng như các hàng hóa khác, việc kinh doanh phân bón giả có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo tính chất mức độ của hành vi vi phạm:

Về xử phạt hành chính: hành vi buôn bán phân bón giả không có giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 11, Nghị định 185/2013/NĐ-CP. Theo đó mức xử phạt sẽ tương đương với lượng phân bón thật. Người buôn bán phân bón giả có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng trong trường hợp phân bón giả tương đương với lượng phân bón thật có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Và bị phạt gấp đôi số tiền này nếu nhập khẩu phân bón giả mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 6 tháng đến 12 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm. Đồng thời phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy tang vật; buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tái xuất hàng giả đối với hành vi nhập khẩu hàng giả quy định tại điều này; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điều này; buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường.

Về xử lý hình sự: Do tính đặc thù của loại hàng hóa là phân bón nên Bộ luật Hình sự đã quy định riêng một điều luật (Điều 158) đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là các mặt hàng thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi. Điều này quy định:

“1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi với số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại điều này hoặc tại một trong các điều 153, 154, 155, 156, 157, 159 và 161 của bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

d) Hàng giả có số lượng rất lớn;

đ) Tái phạm nguy hiểm;

e) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội trong trường hợp hàng giả có số lượng đặc biệt lớn hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.”

Anh Bùi Xuân Trường (Nam Định): Khi mua phải phân bón giả, kém chất lượng, chúng tôi sẽ phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

- Căn cứ khoản 6, 7 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khi mua phải phân bón giả, kém chất lượng thì người mua có quyền: Yêu cầu bồi thường thiệt hại; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo quy định tại Điều 25 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì:  Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng thì người tiêu dùng, tổ chức xã hội có quyền yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện nơi thực hiện giao dịch giải quyết. Tuy nhiên người tiêu dùng, tổ chức xã hội có nghĩa vụ cung cấp thông tin, bằng chứng có liên quan đến hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Cảm ơn luật sư!