Dân Việt

Nông dân “thắp lửa” chiếu chèo

Bùi Mỵ Lương 27/01/2015 08:01 GMT+7
Với sự nhiệt tình, tận tâm và năng khiếu bẩm sinh vốn có, những nghệ sĩ nông dân làng Quang Rực (xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang, Hải Dương) đã chung tay    vực dậy đội chèo sau hơn 20 năm ngừng hoạt động.

Nông dân “ngấm máu” hát chèo

Dọc theo triền đê con sông Luộc, chúng tôi về với vùng quê thanh bình có món bánh gai đặc sản và múa rối nước truyền thống, đó là làng Quang Rực. Điều khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi bắt gặp những người nông dân tay cày, tay cuốc, người thoăn thoắt tát nước, đắp bờ ruộng… vậy mà họ vẫn cất cao những làn điệu chèo, chẳng quản ngại cái giá lạnh căm căm của trời đông.

img
Dàn nhạc công của đội chèo đều đã ngoài 60 tuổi. Ảnh: Mỵ Lương

Được biết hát chèo, hát tuồng, múa rối nước là những hoạt động văn hóa của làng Quang Rực vốn có từ rất lâu đời. Có nhiều người mưu sinh, kiếm sống bằng nghề hát. Trong đó phải kể đến cụ Kép Tý (tên thật là Đào Trọng Đức) - nghệ nhân dân gian có công lưu giữ, truyền dạy những tiết mục và làn điệu chèo cổ cho địa phương như: “Quan Âm Thị Kính”, “Lưu Bình-Dương Lễ”, “Tống Trân - Cúc Hoa”... Con trai cụ kép Tý đồng thời là đội trưởng nhạc công của đội chèo Quang Rực - ông Đào Trọng Phu cho hay: Trước đây, ngoài hát chèo, đội văn nghệ làng Quang Rực còn biểu diễn hát tuồng, hát cải lương. Những năm kháng chiến chống Mỹ, cụ Kép Tý được mời đi giao lưu hát chèo ở một số huyện của tỉnh bạn Thái Bình và nhiều lần đưa con đi cùng.” Cứ mỗi lần có buổi diễn của đội văn nghệ Quang Rực là bà con địa phương rồi nhân dân các nơi đến xem kín cả sân đình. Tuy nhiên, đội tuồng làng Quang Rực đã bị mai một không còn hoạt động. Thật là đáng tiếc!” - ông Phu bày tỏ.

 

Cũng sau khoảng hơn 20 năm ngừng hoạt động, do chiến tranh liên miên, phong trào văn nghệ lắng xuống. Đến năm 2007, từ nhu cầu về đời sống văn hóa, người dân quyết định tái lập đội chèo làng Quang Rực. Và nghệ thuật hát chèo được lưu giữ, phổ biến tới ngày hôm nay là sự nỗ lực không ngừng của chính những nghệ sĩ nông dân ngày ngày đầu tắt mặt tối, chân lấm tay bùn.

Ông Nguyễn Văn Viễn (73 tuổi) - diễn viên hoạt động trong đội chèo trên 30 năm cho hay: “Phải nói bà con Quang Rực mê chèo như điếu đổ. Trước kia chiến tranh đói khổ, cơm tuy bữa bỏ bữa ăn nhưng hát chèo thì anh em chẳng ai bỏ tập. Thời gian cải cách ruộng đất ở miền Bắc, cả đội chèo khăn gói đi lưu diễn ở nhiều địa phương. Đến hát chèo mà bà con yêu cầu hát tuồng, cả đội vẫn phục vụ hết mình”.

“Ban ngày người chăn bò, người đi chợ búa kiếm sống, công việc cấy lúa trồng ngô bận rộn, nhưng đến tối là anh chị em cùng nhau tập chèo. Dù con ôm chân bố mẹ, dù thời tiết rét mướt nhưng ai nấy vẫn chịu khó ra tập luyện đến tận 21- 22 giờ, rồi hôm sau lại người nào vào việc nấy” - ông Nguyễn Thành Tô – Đội trưởng đội văn nghệ tâm sự.

Trong đội chèo thôn có cả gia đình gồm bà Nguyễn Thị Kim Huê (57 tuổi) và hai em dâu là bà Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Kim Tuyến đã tham gia được gần chục năm. Bà Kim Huê cho hay: “Mỗi lần có buổi đi lưu diễn chèo thì 3 chị em phải hoàn thành công việc gia đình từ rất sớm, để không bị ảnh hưởng việc nhà và công việc của đội chèo giao phó”.

Ngoài những tiết mục chèo cổ được phục dựng công phu trọn vẹn, đội chèo còn dàn dựng những trích đoạn chèo hiện đại do chính thành viên của đội sáng tác phù hợp với những chủ đề đa dạng phục vụ đón xuân, mừng Đảng, lễ ra quân… Sự nhiệt tình và năng khiếu bẩm sinh vốn có đã khiến những nghệ sĩ nông dân làng Quang Rực chẳng ngại ngần bước lên sân khấu mang tiếng hát chèo đi phục vụ quần chúng.

Vẫn còn những nỗi lo…

Quan điểm

Ông Nguyễn Thành Tô
  Ban ngày người chăn bò, người đi chợ búa kiếm sống, công việc cấy lúa trồng ngô bận rộn, nhưng đến tối là anh chị em cùng nhau tập chèo. Dù con ôm chân bố mẹ, dù thời tiết rét mướt nhưng ai nấy vẫn chịu khó ra tập luyện đến tận 21- 22 giờ”. 
Điều kiện của đội chèo còn ngặt nghèo, thiếu thốn nên chi phí để đội tham gia hội diễn văn nghệ dựa vào một phần trợ cấp của chính quyền địa phương, một phần tiền đóng gạo góp của bà con nhân dân trong thôn. “Nông dân quê mình còn nghèo quá, đôi khi đi diễn anh em vẫn phải bỏ thêm tiền túi để đội trang trải các khoản chi phí. Bởi tiền thuê loa đài mỗi lần đã hết trên 1 triệu đồng. Số tiền đó trên thành phố chỉ bằng một mâm cỗ nhỏ nhưng nó là cả một vấn đề duy trì đối với đội chèo!” - ông Nguyễn Thành Tô cho hay.

 

Cũng vì khó khăn kinh phí, trang phục cho mỗi vai diễn đều do các thành viên tự túc đi mượn của các câu lạc bộ trong xã, huyện. Nhạc cụ biểu diễn của đội chèo Quang Rực phần lớn là đi mượn của đội múa rối nước Hồng Phong (Ninh Giang, Hải Dương).

Đội chèo làng Quang Rực hiện tại có trên 20 thành viên (trong đó gồm 6 nhạc công, còn lại là đạo diễn, diễn viên...). Niềm tự hào đối với đội chèo là từ đạo diễn, diễn viên, nhạc công đều là người làng Quang Rực. Tuy nhiên, diễn viên trẻ nhất trong đoàn chèo hiện nay tuổi cũng ngoài 45.

Điều khiến những thành viên trong đội chèo lo âu hiện nay là đào tạo thế hệ kế cận. Ông Đào Trọng Phu trầm ngâm: “Thế hệ thanh niên bây giờ chủ yếu đi làm ăn xa nhà. Họ cũng rất ham thích hát chèo nhưng điều kiện thời gian không cho phép, chế độ đãi ngộ không có. Rồi không biết sau thế hệ anh chị em diễn viên, nhạc công già dặn trong đội thì ai sẽ tiếp nối đội chèo! Không phải nói xui xẻo nhưng tôi e rằng cứ thế này, đội chèo sẽ bị mất đi giống như đội tuồng trước đây. Nếu như không được sự động viên, đầu tư quan tâm của ban ngành các cấp thì điều đó sẽ rất dễ xảy ra trong tương lai không xa”.