Tập trung phát triển sản xuất
Ông Nguyễn Văn Gặp – Phó Giám đốc Sở NNPTNT, kiêm Chánh văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM Quảng Nam cho biết, khi bắt tay thực hiện chương trình, ưu tiên hàng đầu của Quảng Nam là đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, hạ tầng nông nghiệp (NN) và phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Thường trực Ban chỉ đạo đã tham mưu HĐND và UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất NN, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn. Như hỗ trợ chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn; phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu; cơ chế khuyến khích thực hiện dồn điền đổi thửa; đầu tư cấp nước sạch và vệ sinh môi trường; đẩy mạnh cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất NN; sản xuất cây cao su; phát triển chăn nuôi…
Các HTX NN trên địa bàn tích cực liên kết với các doanh nghiệp sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân với hơn 4.000ha liên kết sản xuất lúa giống. Nếu như năm 2011 tỷ lệ cơ cơ giới hóa khâu làm đất chỉ đạt 61% thì nay lên đã trên 80% diện tích; tỷ lệ cơ giới trong khâu thu hoạch trên 85% diện tích…
“Đến nay có 58 xã đạt tiêu chí thu nhập, chiếm tỷ lệ 28,2%. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 24,18% năm 2010 xuống còn 14,91% năm 2013. Đã có 41 xã đạt tiêu chí hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 20%” - ông Gặp thông tin thêm.
Hàng ngàn tỷ đồng đầu tư hạ tầng
Theo ông Gặp, ngoài việc tập trung phát triển sản xuất, Quảng Nam chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn. Qua 4 năm (2011-2014) triển khai chương trình, toàn tỉnh huy động hơn 12.216 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách các cấp đầu tư trực tiếp 611 tỷ đồng, chiếm 5%; vốn lồng ghép từ các chương trình dự án là 3.080 tỷ đồng, chiếm 25%; vốn tín dụng 7.822 tỷ đồng, chiếm 64%; vốn doanh nghiệp, HTX là 222 tỷ đồng, chiếm 2% và vốn cộng đồng dân cư hơn 526 tỷ đồng, chiếm 4%...
Với nguồn vốn này, các địa phương đã bê tông hóa hơn 1.220km đường giao thông nông thôn, gần 250km giao thông nội đồng; cứng hóa 360km giao thông; xây mới 6 công trình hồ chứa, tưới cho 1.400ha; sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn cho 8 công trình hồ chứa nước; đầu tư xây dựng 55km đường dây trung áp, 610 km đường dây hạ áp, 198 trạm biến áp và trên 21.000 công tơ; xây 79 nhà văn hóa, sân vận động thể thao xã...
Tuy nhiên, ông Gặp băn khoăn: Nguồn vốn đầu tư cho các xã còn quá thấp so với nhu cầu thực tế được phê duyệt tại Đề án xây dựng NTM (bình quân 150 tỷ đồng/đề án/xã). Do vậy, việc thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các tiêu chí về cơ sở hạ tầng.
43 xã về đích năm 2015
Đến cuối năm 2014, Quảng Nam đã có 10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. “Năm 2015, Quảng Nam phấn đấu đưa thêm 43 xã đạt chuẩn NTM. Để thực hiện được mục tiêu này, năm nay, tỉnh sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư cho 43 xã này, với nguồn vốn dự kiến là hơn 440 tỷ đồng” - ông Gặp thông tin thêm.
Đối với các xã đã về đích NTM, ông Huỳnh Khánh Toàn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị chính quyền cũng như nhân dân tránh tư tưởng chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được, cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí…
Ông Toàn khẳng định, đối với các xã cam kết đạt chuẩn NTM năm 2015, UBND tỉnh cho ứng kinh phí để thực hiện hoàn thành các tiêu chí. “Tuy nhiên, mục tiêu là vậy, nhưng chúng ta không vì thành tích mà chạy theo số lượng. Các địa phương cần phải đảm bảo về chất lượng và tính bền vững của các tiêu khi đạt được” – ông Toàn nêu quan điểm.