Dân Việt

Miền Trung – Tây Nguyên xử lý kỷ luật hơn 1.400 đảng viên

24/06/2013 06:24 GMT+7
Dân Việt - Ủy ban kiểm tra các cấp khu vực Miền Trung - Tây Nguyên đã xử lý kỷ luật hơn 1.400 đảng viên, 47 tổ chức vì các sai phạm - tin từ Hội nghị giao ban công tác 6 tháng đầu năm 2013.

Ngày 20.6, tại Nha Trang, Uỷ ban kiểm tra trung ương đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác 6 tháng đầu năm 2013 khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Trong 6 tháng đầu năm 2013, Uỷ ban kiểm tra các cấp khu vực miền Trung - Tây nguyên đã kiểm tra gần 200 tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, phát hiện gần 800 đảng viên có dấu hiệu vi phạm, tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước.

Ủy ban kiểm tra các cấp đã xử lý kỷ luật hơn 1.400 đảng viên, 47 tổ chức đã vi phạm chủ yếu tập trung vào các nội dụng như chấp hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước không nghiêm, thiếu trách nhiệm, vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống…

Theo đánh giá tại hội nghị, số cuộc kiểm tra tăng do thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Tuy nhiên, có những nơi, ở một số trường hợp vẫn còn tình trạng nhẹ trên, nặng dưới, né tránh, nể nang, bao che... Ông Mai Thế Dươn - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban kiểm tra Trung ương nói: “Sắp tới, chúng tôi phải làm tốt hơn nữa về công tác nắm tình hình, để chủ động phát hiện. Kiểm tra giám sát phải chủ động, quyết liệt, phải quyết tâm và phải có bản lĩnh.”

Cùng ngày, Uỷ ban kiểm tra Trung ương cũng đã tổ chức Hội nghị chuyên đề công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong việc quản lý, bảo vệ rừng khu vực Tây Nguyên và vùng phụ cận. Thời gian qua, Uỷ ban kiểm tra các cấp đã tham mưu cho cấp ủy cùng cấp tiến hành hoặc trực tiếp kiểm tra, giám sát gần 100 tổ chức Đảng và gần 200 cán bộ, đảng viên liên quan đến quản lý và bảo vệ rừng. Qua các cuộc kiểm tra đã phát hiện 81 tổ chức, 165 đảng viên vi phạm, kỷ luật 5 tổ chức và 82 đảng viên.

Trong đó, có nhiều vụ việc xảy ra nhiêm trọng như UBND tỉnh Đắc Lắc cho công ty Lộc Phát lập khảo sát, lập dự án trồng cao su với diện tích gần 800 héc ta là rừng giàu, rừng phòng hộ gây bất bình trong nhân dân; UBND tỉnh Kon Tum cho 1 doanh nghiệp tư nhân thuê hơn 14 ngàn héc ta rừng chuyển đổi tận thu gỗ và trồng cao su đến nay doanh nghiệp này còn nợ gần 170 tỷ đồng tiền sử dụng rừng; lâm tặc cấu kết với một số cán bộ khai thác hàng trăm mét khối gỗ trong vụ phá rừng ở Khe Diên tỉnh Quảng Nam; hơn 100 héc ta rừng bị chặt phá, giao nhận khoán 20 héc ta, bán đấu giá 350 mét khối gỗ không qua đấu giá tại Khánh Sơn (Khánh Hòa).

Hiện nay, các cấp ủy, chính quyền ở Tây Nguyên và khu vực phụ cận đã đưa nội dung về quản lý, bảo vệ rừng, đất rừng, tài nguyên khoáng sản khác vào đợt sinh hoạt kiểm điểm, phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI. Ông Mai Thế Dương - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban kiểm tra Trung ương nói: “Việc xử lý cán bộ sau sai phạm cho chúng ta 1 bài học (rằng) công tác quản lý giáo dục đối với cán bộ vẫn còn nhiều sơ hở, thiếu sót. Đây là 1 bài học xương máu (vì) khi xử lý thì đã mất cán bộ, do vậy cả hệ thống chính trị của chúng ta phải vào cuộc để phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý kịp thời ...”