Dân Việt

Giải Báo chí quốc gia lần thứ VII: “Mùa vàng” của lĩnh vực kinh tế

21/06/2013 07:56 GMT+7
(Dân Việt) - Mở rộng cơ cấu, giá trị giải, giải Báo chí quốc gia lần thứ VII - năm 2012 đã chọn ra 117 tác phẩm đoạt giải thuộc 11 loại giải. Điều đáng chú ý là năm nay, trong số 5 giải A thì có tới 2 giải về lĩnh vực kinh tế...

Góc nhìn tập đoàn kinh tế

Không phải ngẫu nhiên mà trong giai đoạn kinh tế đang bước những bước chập chững trong quá trình phục hồi sau thời gian suy thoái nghiêm trọng, 2 giải A của giải Báo chí quốc gia năm nay lại được trao cho 2 loạt bài đề cập tới những vấn đề kinh tế, chủ đề ít khi giành giải cao những năm trước.

img
Một tấm ảnh trong phóng sự “Săn cá ngừ trên cánh đồng Trường Sa” đoạt Giải C Báo chí Quốc gia năm 2012 của tác giả Xuân Trường (Báo NTNN).

Trao đổi với Dân Việt về loạt bài “Tập đoàn kinh tế nhà nước- Những lát cắt thời sự” đoạt giải A giải phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép ở loại hình báo in, tác giả Phan Đăng Trường (bút danh Phan Đăng) đại diện cho nhóm tác giả Báo Công an nhân dân (CAND) bộc bạch: “Những thông tin về tập đoàn kinh tế nhà nước khi ấy đã tràn ngập, từ các báo cáo tại Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đến các bài phản ánh trên mọi phương tiện báo chí.

Thông tin đa dạng là thuận lợi, nhưng lại đặt ra thách thức rất lớn với người làm báo: Phải thực hiện thế nào để bài báo tạo được dấu ấn, bản sắc riêng, không bị “chìm” giữa biển thông tin bởi nếu chỉ là việc nói lại, nhắc lại những gì báo chí, dư luận đã đề cập thì đó chỉ là bản copy không giải quyết bất cứ điều gì”.

Chính vì vậy, nhóm phóng viên CAND đã rất trăn trở khi vạch ra đề cương cho loạt bài điều tra. Trực tiếp chỉ đạo thực hiện loạt bài viết, Đại tá Phạm Văn Miên - Phó Tổng biên tập Báo CAND, đã nhắc nhở: “Một bài báo hay không có chỗ cho sự dễ dãi. Tạo được dấu ấn với đề tài thời sự nóng bỏng như tập đoàn kinh tế là rất khó khăn, nhưng đó cũng là bài toán chứng minh khả năng, trình độ của người làm báo.

Điểm mới trong loạt bài báo này là tiếp cận vấn đề kinh tế tập đoàn từ góc nhìn của báo chí, bằng sự tích hợp, đánh giá trên cơ sở lý luận và thực tiễn hình thành, thí điểm phát triển tập đoàn ở Việt Nam; tổng hợp và đúc rút những thông tin pháp lý từ các cơ quan chức năng (Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành), từ đó tìm ra các luận chứng cơ bản, nhất là những yếu tố chính dẫn tới các tồn tại, tiêu cực làm thất thoát kinh tế…”.

Hiến kế gỡ khó cho sản xuất

Một loạt bài khác trong lĩnh vực kinh tế cũng đoạt giải A là loạt bài “Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh” của nhóm tác giả, CTV Báo Quân đội nhân dân (QĐND). Loạt gồm 5 bài với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế có tiếng như TS Lê Đăng Doanh, TS Nguyễn Minh Phong, TS Vũ Nhữ Thăng, TS Nguyễn Huyền Nga và nhà báo Hồ Quang Phương.

Trong một rừng tên tuổi các chuyên gia kinh tế lẫy lừng, nhà báo trẻ Hồ Quang Phương bỗng trở thành một cái tên gây chú ý. Chàng đại úy – phóng viên Phòng Biên tập Kinh tế – xã hội – nội chính Báo QĐND dù cả tuổi đời và tuổi nghề còn khá trẻ (SN 1982, công tác tại Báo QĐND từ năm 2004) nhưng đã kịp có một bộ sưu tập giải báo chí gồm: Một giải A Báo chí quốc gia năm 2012, giải B Báo chí toàn quốc năm 2005.

Trò chuyện với Dân Việt, nhà báo Hồ Quang Phương nhớ lại: Năm 2012 là năm cực kỳ khó khăn về kinh tế. Do đó, loạt bài của Báo QĐND với mục đích chính là tạo thêm niềm tin cho xã hội đối với những giải pháp của Chính phủ, tạo ra niềm tin để các doanh nghiệp sẵn sàng đương đầu với thách thức, vươn lên và phục hồi lại công việc sản xuất, kinh doanh.

Nhà báo Phan Đăng Trường - Báo CAND: Loạt bài có nhiều điểm nhấn sắc nét

"Sau gần hai tháng, loạt bài báo Tập đoàn kinh tế nhà nước - Những lát cắt thời sự, được định hình với 5 kỳ, mỗi kỳ đều đề cập một góc độ khác nhau. Loạt bài điều tra được hoàn tất giống như sản phẩm công trình kiến trúc, vừa có độ cứng phần móng lại trộn phần mềm vôi vữa, vừa rắn chắc bởi các trụ cột lại hài hòa với mỹ tiết tổng quan, đặt trong bối cảnh, môi trường tạo điểm nhấn sắc nét… Ấy là cái riêng có khác biệt với các dạng thức văn bản khác mà chúng tôi tạo ra được từ sản phẩm báo chí của mình vậy".

“Được sự chỉ đạo sát sao của ban biên tập cũng như lãnh đạo phòng, chúng tôi đã lên kế hoạch thực hiện loạt bài phản ánh, phỏng vấn với tiêu đề chung là “Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh”.

Nhằm tăng tính thuyết phục, tạo ra sức nặng cho loạt bài, chúng tôi đã tạo ra một diễn đàn mở để các chuyên gia về kinh tế cùng thảo luận, đưa ra những đánh giá, nhận định về thực trạng nền kinh tế cũng như đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cùng Chính phủ, tạo thêm niềm tin cho các doanh nghiệp trong giai đoạn hết sức khó khăn này.

Ngoài việc đặt bài các chuyên gia kinh tế, bản thân tôi đã trực tiếp tiến hành phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh và thực hiện bài viết “Cần sòng phẳng, minh bạch khi thực hiện gói hỗ trợ doanh nghiệp”- Đại úy Hồ Quang Phương chia sẻ. Và quả thật, những giải pháp mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong loạt bài này sau này cũng đã được Chính phủ áp dụng và đem lại những thành công bước đâu như việc hạ lãi suất cho vay để doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn, thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp, xử lý nợ xấu...

Kỷ lục về số tác phẩm dự thi

Ông Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII cho biết: Nét mới của giải lần này là cơ cấu giải được mở rộng từ 8 lên 11 loại giải, ảnh báo chí và báo điện tử được tách thành 2 giải riêng (trước đây gộp vào thể loại báo in). Một số thể loại trong cơ cấu giải được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

img
Nhóm tác giả Báo CAND đoạt giải A.

Tham dự giải năm nay có 146 đơn vị, trong đó có 59 hội nhà báo tỉnh, thành phố, 56 liên chi hội, chi hội, cơ quan báo chí T.Ư với 1.540 tác phẩm, trong đó có 1.450 tác phẩm đủ điều kiện dự giải. Đây là năm có số lượng tác phẩm dự giải cao nhất từ mùa giải đầu tiên (năm 2006) đến nay, số hội nhà báo tỉnh, thành phố tham dự giải tiếp tục tăng so với các năm trước.

Đánh giá về chất lượng của các tác phẩm dự giải, ông Hà Minh Huệ khẳng định: "Các tác phẩm dự giải có mặt bằng chất lượng đồng đều, đề tài phong phú, nội dung đa dạng, có nhiều tìm tòi, phát hiện. Những vấn đề thời sự chính trị lớn của đất nước trong năm 2012 đã được phản ánh đầy đủ, sâu đậm, có chất lượng như việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", về vấn đề biên giới, chủ quyền biển đảo; đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; nhiều vấn đề thời sự về nông nghiệp, nông dân, nông thôn… Nhiều tác phẩm dự giải có tính phát hiện, định hướng dư luận, có tầm ảnh hưởng xã hội và được thể hiện một cách chuyên nghiệp, hấp dẫn".

Ông Huệ cũng nhấn mạnh, hạn chế của giải năm nay là chưa có nhiều tác phẩm thật xuất sắc, nổi trội ở tất cả các thể loại. Ảnh báo chí đã được tách ra thành thể loại riêng, chất lượng có tăng hơn năm trước, nhưng số lượng tham gia còn ít, chất lượng chưa xứng tầm với thế mạnh của loại hình báo chí này.