Ngày 24.6.2012, lần đầu tiên nhà báo Etcetera Nguyễn - Tổng Thư ký tòa soạn tờ Việt Weekly, cùng 4 nhà báo hải ngoại, đã đặt chân lên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trở về Mỹ, 4 nhà báo đã chuyển tới cộng đồng người Việt ở đây hàng ngàn bức ảnh, những thước phim, phóng sự, ký sự... từ Trường Sa thân yêu. Những tác phẩm báo chí của anh và đồng nghiệp đã gây tiếng vang trong làng báo hải ngoại.
Nhà báo, Tổng Thư ký Việt Weekly, anh Etcetera Nguyễn tặng bức ký họa của mình cho chiến sĩ tại Trường Sa vào tháng 4 năm 2012. |
Dân Việt đã có cuộc trao đổi thẳng thắn cùng nhà báo hải ngoại Etcetera Nguyễn về Trường Sa và về chuyện nghề...
Tự hào được ra Trường Sa
Thưa anh, ai đi Trường Sa về cũng bỗng thấy nhớ nhung, còn anh?
- Được ra Trường Sa đối với tôi là chuyện hiếm hoi. Tôi luôn nghĩ về Trường Sa và "tương tư" cũng là chuyện thường. Khung cảnh, lịch sử và những con người đang sống nơi đầu sóng ngọn gió… biết bao là chuyện. Nắng ở đảo thật là đẹp, biển, trời thật là mênh mông. Ngoài làm báo, tôi còn là một họa sĩ nên cảm nhận về Trường Sa bởi cái đẹp của thiên nhiên. Tiếc rằng thời gian ở mỗi đảo không nhiều. Tôi ước có dịp được sống vài tháng để vẽ về Trường Sa thì chết nhắm mắt cũng vui... (cười). Tôi đã có dịp nằm xuống bãi cát dài mép biển, ngắm trời xanh, hưởng chút nắng, gió và hơi ẩm từ vùng biển trời của Tổ quốc thiêng liêng. Cảm giác đó kỳ lạ lắm, đặc biệt lắm, tha thiết lắm…
Phần lớn thời gian tôi dành cho chụp ảnh và ký họa khoảng 40 bức chân dung chiến sĩ, qua đó tôi cũng được trò chuyện nhiều với anh em, chiến sĩ. Các chiến sĩ ở đây đều rất trẻ, nhiều lý tưởng và tâm huyết bảo vệ đất nước. Họ đều xác định được vai trò người lính và hãnh diện về công việc của mình. Họ rất có ý thức chính trị và có bản lĩnh. Các sĩ quan thì lo trách nhiệm hơn cả bản thân, lợi ích cá nhân và gia đình mình. Khung cảnh và hoàn cảnh sống ở đảo cũng khắc nghiệt và đơn thuần hơn ở đất liền nên nhu cầu tình cảm cũng chân thành hơn.
Nhà báo Etcetera Nguyễn
Anh từng nói, rất vinh hạnh được mời về nước và đi Trường Sa, anh mong muốn gì ở chuyến đi này?
- Như một nhà báo độc lập, vai trò của tôi là phải tham dự vào chuyến đi để ghi nhận thông tin chính xác, khách quan... Để tường trình lại cho độc giả của mình ở hải ngoại cũng như chính độc giả của Việt Weekly sự thật về Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam dù đang có một số sự thêu dệt sai trái.
Vậy là, vẫn tồn tại một “thêu dệt sai trái” ở hải ngoại?
- Đúng vậy. Khái niệm chung của khối chính trị không thân thiện với Việt Nam cho rằng Chính phủ Việt Nam đã "dâng đất, bán biển" cho Trung Quốc. Và các tổ chức chính trị này luôn cổ vũ cho những thông tin không chính xác về vấn đề biển đảo. Ở hải ngoại, người dân thiếu thông tin khách quan, trung thực về Trường Sa. Vì thế, lần đầu tiên có một chuyến đi Trường Sa của những nhà báo từ hải ngoại như chúng tôi có nhiều giá trị vì chúng tôi có cái nhìn riêng độc lập về thực tế ở Trường Sa. Sau chuyến đi, chúng tôi đã có 5 kỳ báo viết về Trường Sa, tổ chức Triển lãm ảnh “Trường Sa trong mắt chúng tôi” suốt 2 tháng, công bố phim cũng mang tên “Trường Sa trong mắt chúng tôi”… Những tác phẩm báo chí này đã làm cho khối khán giả ở hải ngoại được thuyết phục gần như hoàn toàn, kể cả các tổ chức chính trị ở hải ngoại cũng phải chấp nhận không chối cãi được. Có thể nói, những tác phẩm về Trường Sa sau chuyến đi đã làm thay đổi suy nghĩ của khán giả ngoài nước, cụ thể là khối khán giả, độc giả ở Hoa Kỳ. Chúng tôi tự hào vì với một đề tài đang nóng bỏng như Trường Sa, chúng tôi đã có mặt để chứng kiến và ghi nhận bằng chính lương tâm của một nhà báo độc lập. Và được tận thấy đất nước, bờ cõi biển đảo vẫn còn có những người con đang chống lưng canh giữ, khi về lại đất liền, mình yêu đời sống hơn, tôn trọng hơn giá trị thực tế mình đang có.
Không ai thay đổi được sự thật
Sau khi đăng các hình ảnh, bài viết về Trường Sa, nghe đồn tòa soạn Việt Weekly đã gặp không ít sóng gió?
- Các bài báo, hình ảnh về Trường Sa của chúng tôi đều được hầu hết độc giả hải ngoại, người nước ngoài đánh giá cao, nhưng nói thật vẫn có những người phản đối. Thậm chí, chúng tôi đã bị biểu tình lên án, bị phá hoại thương vụ (ngăn chặn phát hành, đe dọa quảng cáo, biểu tình trước tòa soạn...). Rồi họ cho rằng chúng tôi bị dàn dựng hay mua chuộc từ phía chính quyền Việt Nam... Nhiều khán giả đã tới xem những hình ảnh, hiện vật mang về từ Trường Sa, nêu câu hỏi, chất vấn, đặt vấn đề phản biện…
Anh và Việt Weekly đã làm gì để vượt qua những sóng gió ấy?
- Chúng tôi tổ chức các cuộc hội luận dành cho khán giả để tạo diễn đàn cho họ phát biểu ý kiến riêng, để đo lường phản ứng của họ. Và tự những hình ảnh, clip, phim tài liệu và chính chúng tôi là những bằng chứng về sự thật đang diễn ra ở Trường Sa. Sự thật “mắt thấy tai nghe” về chủ quyền biển đảo Trường Sa mà chúng tôi mang về đã thay đổi được suy nghĩ của nhiều người, đã thuyết phục được những khán giả muốn tìm hiểu sự thật. Quan điểm của tôi là hãy để những tranh chấp về quan điểm chính trị cho những nhà chính trị làm. Công việc của nhà báo độc lập là phải đi thâu nhặt thông tin chính xác, trình bày khách quan rồi tạo diễn đàn cho bạn đọc tham gia. Cái đúng đắn tự nó sẽ có giá trị vĩnh cửu. Không phe nào, không ai có thể che đậy được sự thật.
Sự trung thực có giá trị thuyết phục
Vấn đề tranh chấp Biển Đông là vấn đề nhạy cảm về mọi mặt. Xin anh cho biết, nhìn nhận về vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa của cộng đồng và báo chí hải ngoại như thế nào?
- Ở hải ngoại, phần lớn những người quan tâm đến thời cuộc đều thuộc thế hệ già, có những mối liên hệ với quá khứ và một số người có chính kiến khác biệt với Việt Nam hiện nay. Lớp cao niên này không thông thạo Anh ngữ, vi tính nên thông tin đến với họ chủ yếu là qua những tờ báo in Việt ngữ tại địa phương. Trong khi đó, các tờ báo này đại đa số cũng do những nhà báo lớn tuổi chủ trương phục vụ nhu cầu chính trị "chống Chính phủ Việt Nam". Vì vậy, hầu hết các tin tức liên quan đến Việt Nam, đặc biệt là vấn đề Biển Đông đều được trích dịch, đăng tải theo chiều hướng tiêu cực, lệch lạc, bóp méo sự thật để làm xấu đi hình ảnh thực tế đang diễn ra. Thêm vào đó, các lãnh đạo chính trị này cũng liên kết với các tổ chức, cá nhân khác thao túng sự thật theo mưu đồ chính trị, quyền lợi của họ và khống chế các nguồn thông tin khách quan, trung thực về vấn đề Biển Đông. Vì thế, có nhiều người dân ở hải ngoại có niềm tin mù quáng rằng các đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã bị Chính phủ Việt Nam "bán cho Trung Quốc" hết rồi.
Thúy Đăng
Anh có quan điểm như thế nào trong phản ảnh về vấn đề Biển Đông trên tờ báo của mình?
- Tuy có chung một xuất phát điểm là làm báo trong cộng đồng người Việt tại địa phương ở Little Saigon, nhưng Việt Weekly có quan điểm riêng, đó là “Sự thật và diễn đàn”. Cũng như mọi vấn đề, đối với vấn đề Biển Đông, chúng tôi quan niệm rằng: Sự trung thực tự nó có giá trị thuyết phục, không cần phải tuyên truyền gì hơn. Hãy để quyền quyết định, phán xét cho bạn đọc khi họ có đủ thông tin cần thiết. Nhà báo làm công việc của nhà báo là thu thập tin tức khách quan, trung thực và tôn trọng mọi ý kiến của mọi phía. Phần còn lại, tác động của nó thế nào, ảnh hưởng của nó ra sao và đối phó với sự việc ấy theo chiều hướng nào có lợi, có hại là của các nhà chính trị gia, các lãnh đạo cộng đồng. Tuy nhiên, để làm được vai trò đúng đắn của nhà báo độc lập, cũng không dễ nhưng là cái hướng phải đi, phải làm. Còn làm được bao nhiêu, mức độ nào còn phải tùy thuộc vào hoàn cảnh, nơi chốn mà chúng ta – những nhà báo phải đối diện.
Xin cảm ơn anh!
Mai Khuê (thực hiện)