Từ thú lạ đến “dính” nàng dâu
Cách đây 9 tháng, chính xác là ngày 18.9. 2012, một bản tin trên trang mạng VOV có tựa đề "Bố chồng hư đốn với nàng dâu" đã gây xôn xao dư luận. Bản tin cho biết, lợi dụng lúc con trai đi làm xa, người cha 58 tuổi (ở xã Tân Trung, thị xã Gò Công, Tiền Giang) có quan hệ với cô con dâu 36 tuổi. Trong khi làm bậy, người con dâu bị chứng co thắt âm đạo khiến bố chồng không "tách rời" ra được, phải đi cấp cứu ở bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh, sau đó bệnh viện này phải chuyển cả hai lên tuyến trên điều trị…
Từ bản tin này, nhiều báo giấy, báo mạng biên tập đưa lại thông tin hoặc dẫn link. Thậm chí, nhiều báo còn viết lại bản tin theo kiểu giật gân hơn, rồi mở các chuyên mục hỏi đáp xung quanh việc “dính”, “co thắt”... Tuy nhiên, đáng buồn đó chỉ là một bản tin sai. Ngành chức năng tỉnh Tiền Giang qua kiểm tra đã khẳng định đây là thông tin bịa đặt, không có cơ sở. Liên quan đến việc đưa tin này, lãnh đạo VOV sau đó đã cảnh cáo phóng viên viết bản tin này và cấm hành nghề một thời gian.
Trước đó, vào những ngày cuối năm 2008, tại Duy Xuyên - một huyện đồng bằng yên tĩnh của tỉnh Quảng Nam bỗng trở thành tâm điểm của dư luận, báo chí cả nước khi ở đây xuất hiện một động vật... lạ. Câu chuyện xin tóm gọn như sau: Sau một đợt lũ, tại khối phố Bình An, thị trấn Duy Xuyên xuất hiện rất nhiều dấu chân động vật “lạ” tại bãi bồi Đông Khương- nơi chăn thả trâu bò và sản xuất của người dân.
Nhiều tờ báo giấy, rồi báo điện tử đều dành lưu lượng khá lớn để thông tin về dấu chân... lạ này. Có báo thì qua phỏng vấn chuyên gia, rồi mô tả dấu chân để khẳng định chắc chắn đó là loại... mèo rừng, thuộc nhóm 1B. Có tờ báo thì nghi ngờ đây là một loại thú dữ, có thể là... hổ hoặc beo. Đặc biệt, có tờ báo còn “trắng đêm theo kiểm lâm tìm thú lạ”, rồi dẫn nguồn tin riêng để “tưởng tượng” đây là loại... thú có vuốt. Nói là tưởng tượng bởi sau đó, Hạt Kiểm lâm Duy Xuyên bằng kiểm tra thực tế, rồi qua xác minh đã khẳng định dấu chân trên là của một chú chó... becgie.
Đó chỉ là 2 vụ việc điển hình về việc báo chí, nhà báo bị... việt vị. Còn nếu thống kê hết chắc chắn số lần “việt vị” vẫn còn rất nhiều. Gần đây nhất là vụ chết đuối ngày 14.5 ở Đăk Lăk chỉ với 4 nạn nhân, nhưng có báo trích dẫn nguồn tin đưa số nạn nhân lên tới... 30 người; vụ tai nạn xe khách ở Hà Tĩnh 3 người tử vong thì có báo đưa là... hàng chục người.
Nâng cao đạo đức nhà báo
Theo đánh giá của ngành chức năng, thông tin trên báo chí thời gian qua đã bám sát các hoạt động, sự kiện lớn của đất nước; theo sát diễn biến chung với tình hình phát triển KT-XH. Báo chí nhìn chung đưa tin khách quan, trung thực... Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số báo, nhà báo chạy theo các vụ việc tiêu cực, giật gân, lá cải; vẫn có báo đưa tin sai sự thật cần xử lý nghiêm.
Với những tin tức dạng đó đều để lại sự thiếu thiện cảm của đồng nghiệp lẫn bạn đọc. Như vụ 4 học sinh chết đuối ở Đăk Lăk, một báo giật tít là có tới... 30 người chết, trên Diễn đàn Nhà báo trẻ, thành viên Nguyễn Văn Mạnh (HN) bức xúc: “Tôi chịu hết nổi với cách giật tít của tờ báo này. Chỉ là tin đồn thôi mà có cái tít kinh hoàng quá. Mạng người chứ có phải cỏ rác đâu mà giật tít ấy để câu khách. Còn thành viên Kiến Long cũng thẳng thắn không kém: “Thực tế thì chỉ 4 học sinh chết đuổi nhưng tờ báo giật tít gần 30 học sinh lớp 6 có thể đã chết đuối là khó có thể chấp nhận. Chẳng nhẽ cứ có tin đồn gì là báo tương hết lên trang à? Báo chí thì cần phải thông tin nhanh nhưng không có nghĩa là làm ẩu như thế. Làm vậy là không có đạo đức và chắc chắn sẽ mất uy tín với bạn đọc".
Từ phía đồng nghiệp; tờ báo, nhà báo đưa tin hư cấu, phóng đại... nói chung đều không nhận được sự cảm thông, ngược lại là sự lên án khá gay gắt. Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng- Báo Lao Động cho rằng: Thông tin nào trên báo nếu sai, cũng cần phải xử lý. Ngành nào sai cũng cần xử lý, nhất là khi cái sai đó làm ảnh hưởng đến xã hội. Báo chí không là ngoại lệ". Dẫn chứng từ vụ "Bố chồng “dính” nàng dâu, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho rằng, chưa bình luận đến sự đúng, sai hay là có gì uẩn khúc trong các bản tin, nhưng rõ ràng đó là vấn đề đạo đức. “Nhiều nhà báo, nhất là các nhà báo trẻ được đào tạo tử tế, ra nghề nhưng vớ phải lối làm báo chộp giật, rồi cứ tưởng mình đã làm ông bà nhà báo nên bỗng chốc thành "của nợ" cho xã hội””.
Còn nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCMcũng cho rằng, cần phải tăng cường giáo dục đạo đức báo chí cho các phóng viên, nhất là phóng viên trẻ. “Những người phóng viên khi đi tác nghiệp cần phải có trách nhiệm trước những thông tin của mình, nếu đưa thông tin không đúng với sự thật, lâu dần người dân sẽ mất đi niềm tin vào báo chí.”- Nhà báo Huỳnh Dũng nhân nói.
Nhà báo Phạm Đình Hiệp (Báo Hà Nội Mới): Làm ẩu thì không thể chấp nhận!
Một lần tôi ngồi cà phê với anh bạn bác sĩ, anh ấy than: “Tôi sợ cánh nhà báo các ông lắm!”. Tôi hỏi vì sao, anh kể: Có lần đi làm công tác xã hội ở địa phương với một số nhà báo, sau khi xong việc ngồi uống nước, mình buột miệng nói hôm nay mới chỉ phát được 70% số thuốc cho bà con dân tộc. Thế mà hôm sau có báo giật tít: Thất thoát 30% số thuốc chữa bệnh phát cho bà con dân tộc!”... Làm báo không thể tránh khỏi sai sót, nhưng thông tin sai sự thật do lỗi nghiệp vụ sơ đẳng, sự cẩu thả quá mức, năng lực kém rồi đưa tin giật gân không có trách nhiệm của một số nhà báo thì không thể chấp nhận được.
Nhà báo Quý Hiên (Báo Tiền Phong): Đánh mất uy tín
Trong tất cả những cái mà chúng tôi thường gọi là “tai nạn nghề nghiệp”. Một nhà báo bị “việt vị”, dù với lý do gì cũng sẽ tự đánh mất uy tín của mình với đồng nghiệp.
Tôi nghĩ sự cẩn trọng của mỗi nhà báo ngoài yếu tố tính cách cá nhân còn do môi trường làm việc tác động. Với một cơ quan báo chí luôn đòi hỏi cao tính chính xác và sự kín kẽ trong việc đưa tin thì sẽ tạo ra một đội ngũ nhà báo nhạy cảm, biết cảnh giác trước những bẫy việt vị.
Nhà báo Trọng An (Báo điện tử Kiến Thức): Sai nhiều do làm tắt
Tôi tạm chia thông tin sai sự thật thành hai nhóm: Do tác giả bịa đặt hoặc do sơ sót nghiệp vụ. Dù thuộc nhóm nào đi chăng nữa thì tôi tin rằng hiếm có tờ báo nào muốn chuyển thông tin sai sự thật đến bạn đọc. Nếu 1 bản tin được viết bởi một người non kinh nghiệm, chỉ qua 1 bước soát lỗi chính tả rồi xuất bản luôn thì xác suất xảy ra sai sót là rất lớn. Hẳn ai cũng biết vụ việc “bố chồng dính nàng dâu” được các trang mạng đăng ầm ĩ cách đây chưa lâu. Khởi đầu là một bản tin không chính xác, sau đó được thêm thắt, tô vẽ thêm. Trong xu thế cạnh tranh thông tin từng phút, thậm chí từng giây như hiện nay, các tờ báo, đặc biệt là toà soạn online thường rút ngắn, “làm tắt” quy trình biên tập, xuất bản. Do đó, sai sót là điều khó tránh khỏi, kể cả ở các tờ báo lớn.
Nhật Anh (ghi)
Nguyên Thư (tổng hợp)