Dân Việt

Dân Myanmar khoái nghe... quan họ Việt Nam

Mạc Li - Long Nguyên 11/12/2013 17:06 GMT+7
Dân Myanmar khoái nghe nhạc Việt, Chia vui từ xa cùng wushu, Cảnh sát trang bị ná thun... là những thông tin bên lề đáng chú ý về SEA Games 27 hôm nay.
Người dân Myanmar khoái nghe nhạc Việt

Những ngày tác nghiệp ở Myanmar, phóng viên Dân Việt nhận thấy, khá nhiều người dân nước này thích nghe nhạc Việt Nam, đặc biệt là những điệu dân ca quan họ. Ở các khu dân cư, thi thoảng chúng tôi lại nghe thấy những giai điệu của âm nhạc truyền thống Việt Nam vang lên từ những nếp nhà.

img
Người dân Myanmar thích nghe nhạc Việt. Ảnh: Hữu Thọ.

Thậm chí, chương trình phát thanh ở Myanmar thỉnh thoảng có cả một chương trình thời sự với các tin tức về Việt Nam và sau đó là giới thiệu một số làn điệu dân ca quan họ. Những bác tài taxi khi nghe quan họ đều tỏ ra rất thích thú.

Chia vui từ xa cùng wushu

Sáng 10.12, ở khu đua thuyền Ngalike Dam cách nhà thi đấu Wunna Theikdi Indoor Stadium – nơi diễn ra môn wushu khoảng 70km nhưng vận động viên (VĐV) và lãnh đội đua thuyền canoeing Việt Nam liên tiếp cập nhật tình hình thi đấu ngày cuối của wushu qua các phóng viên Việt Nam.

Khi biết wushu giành 5 HCV, vượt chỉ tiêu đề ra trước lúc lên đường tới 2 HCV, từ lãnh đội, huấn luyện viên đến VĐV đều mừng ra mặt, gửi lời chia vui tới đội wushu.

Ăn mừng bằng... dàn nhạc

Trong số 4 bộ huy chương đua thuyền canoeing được trao sáng qua, chủ nhà Myanmar giành tới 3 HCV, tấm HCV còn lại thuộc về Thái Lan.

Cứ mỗi lần VĐV chủ nhà nhận huy chương là không khí tại Ngalike Dam lại sôi động vô cùng với giai điệu bài hát chính thức “Khu vườn đầy màu sắc” (Colourful Garden). Mọi thứ còn trở nên vô cùng “nóng bỏng” khi các VĐV nước chủ nhà nhảy múa các vũ điệu truyền thống của Myanmar trên nền nhạc được tạo ra bởi cả một dàn nhạc với những nhạc cụ truyền thống.

Cảnh sát trang bị ná thun

Ở Việt Nam, ná thun là thứ đồ chơi của trẻ em nông thôn thời xưa, thường được sử dụng để bắn chim cho vui. Tuy nhiên, tại SEA Games 27, ná thun không hề là đồ chơi mà là dụng cụ tác nghiệp đàng hoàng của cảnh sát.

Những chiếc ná thun này không được làm bằng cành gỗ như của trẻ em Việt Nam mà bằng nhựa buộc với dây rất chắc chắn. Mỗi cảnh sát Myanmar khi làm nhiệm vụ còn có thêm bao đựng ná thun bên cạnh một loạt các dụng cụ khác, nhìn cũng khá ngộ.