Tuyển 35, nhưng chỉ có... 11 hồ sơ
Thí sinh dự thi vào Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2010. |
Năm nay, Đại học Đà Nẵng tuyển 35 chỉ tiêu ngành Sư phạm tiếng Pháp, nhưng tổng số hồ sơ thu về chỉ vẻn vẹn 11 bộ, chưa được 1/3. Cũng tuyển 35 chỉ tiêu, ngành Cử nhân tiếng Thái Lan nhỉnh hơn một chút, đạt 15 hồ sơ. Đại học Đà Nẵng còn nhiều ngành khác rơi vào tình trạng ảm đạm tương tự như Xây dựng công trình thủy, Sư phạm, Kỹ thuật điện tử - Tin học, Công nghệ vật liệu (silicat, polyme), Kinh tế lao động với tỷ lệ chọi “âm”.
Ngay những ngành tưởng chừng đang rất thời thượng như Nghệ thuật dẫn chương trình của Trường Đại học Văn hóa TP.HCM cũng “khát” thí sinh khi chỉ có 28 hồ sơ trên tổng số 40 chỉ tiêu; ngành Đạo diễn sự kiện văn hóa còn ít hơn nữa, chỉ có 26 hồ sơ trên tổng 60 chỉ tiêu.
Không chỉ hai ngành trên, năm nay, Đại học Văn hóa TP.HCM còn nhiều ngành khác “đói” thí sinh như Văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam, Văn hóa học…
Lượng hồ sơ quá ít, chưa kể trường hợp thí sinh ảo, chỉ đăng ký mà không đến dự thi nên lãnh đạo các trường cho biết, những ngành này chỉ lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn của Bộ GDĐT. Chỉ tiêu thiếu sẽ lấy nguyện vọng 2, 3.
Như vậy, với thí sinh các ngành này, kỳ thi tuyển sinh năm nay đã nhẹ gánh hơn rất nhiều vì không phải lo vượt qua các bạn cùng dự thi, chỉ cần cố gắng để điểm thi không thấp dưới mức điểm sàn của Bộ là “chắc chân” vào giảng đường đại học.
Cùng đường là… đóng cửa ngành
Để “cứu” những ngành kém hấp dẫn, Đại học Đà Nẵng quy định, thí sinh điểm cao nhưng không đủ điểm vào ngành đăng ký ban đầu có thể chuyển xuống ngành có điểm chuẩn thấp hơn. Đây cũng là cách được nhiều trường áp dụng, như Đại học Nông nghiệp I Hà Nội.
Theo Hiệu trưởng Trần Đức Viên, bên cạnh những ngành “nóng” của trường như Công nghệ sinh học, Kế toán, điểm chuẩn thường trên 20 điểm thì còn rất nhiều ngành điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn, như Nông hóa, Cơ hóa… Thí sinh không đủ điểm ngành cao có thể chuyển xuống học ở ngành thấp điểm hơn.
Từ năm 2010, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng chuyển sang phương án tuyển sinh này. Được xếp vào trường tốp đầu nhưng trường này cũng có những ngành không thu hút được thí sinh như Công nghệ dệt, Công nghệ sợi.
Thay vì lấy điểm chuẩn theo từng ngành cụ thể như trước đây, từ mùa thi năm 2010, trường lấy điểm chuẩn theo nhóm ngành. Thí sinh có thể chuyển xuống học ngành khác có điểm chuẩn thấp hơn trong cùng nhóm.
Theo ông Hoàng Minh Sơn- Trưởng phòng Đào tạo, ngay khi thí sinh đến đăng ký dự thi, các em sẽ được phát một phiếu đăng ký ngành có nguyện vọng chuyển.
Bên cạnh việc “vớt” thí sinh của mình, các trường cũng liên tục đăng tuyển nguyện vọng 2 và 3 với điểm chuẩn thấp nhất có thể. Tuy nhiên, các biện pháp này không phải lúc nào cũng có hiệu quả.
Theo ông Trần Đức Viên, vài năm gần đây, trường đã phải đóng cửa một số ngành học do không tuyển đủ thí sinh theo học. “Do không phải là ngành thí sinh thích nên dù theo học, các em cũng không mặn mà” - ông Viên chia sẻ. Ngay mùa thi năm 2010, Đại học Đà Nẵng cũng phải tạm đóng cửa tới 9 ngành học vì không tuyển đủ.
Ông Nguyễn Hoàng Việt - Trưởng ban Đào tạo của trường chia sẻ, tạm đóng cửa ngành là phương án cuối cùng.
Hoàng Tuấn