Đề án quy hoạch tổng thể lễ hội từ 2012-2020, tầm nhìn đến 2030 được đưa
ra bàn thảo cách đây gần 3 năm, đáng ra phải xong cuối 2013. Song cũng
vì những chậm trễ trong việc qui hoạch, cũng như những hạn chế trong
quản lý lễ hội, mới đây Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ VHTT&DL sớm hoàn
thiện Quy hoạch tổng thể lễ hội giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến
năm 2030.
Lễ hội đầu năm đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải qui hoạch lại
Việc không đơn giản
Năm 2013, nhằm xóa bỏ những tiêu cực trong hoạt động lễ hội cũng như đưa các lễ hội trở về đúng với truyền thống, Bộ VHTT&DL đã công bố Dự thảo Quy hoạch tổng thể lễ hội toàn quốc giai đoạn 2013 - 2020. Một trong những nội dung mà dự thảo quy hoạch đặt ra là sẽ thực hiện giảm quy mô, tần suất của lễ hội. Thậm chí, loại bỏ những lễ hội không phù hợp. Nhưng cho đến thời điểm này, dự thảo qui hoạch lễ hội đang bị coi là bế tắc.
Với khoảng trên dưới 8.000 lễ hội hiện có trên cả nước, làm một phép tính đơn giản, trung bình mỗi ngày diễn ra trên dưới 20 lễ hội. Trong đó, những lễ hội đầu xuân thu hút đông đảo khách thập phương là Chùa Hương, Yên Tử, Hội Lim, khai ấn đền Trần…Và thực trạng thương mại hóa lễ hội đang là điều phổ biến ở tất cả các lễ hội nói trên. Nguyên nhân ở cả hai phía: năng lực quản lý kém và ý thức cộng đồng chưa cao.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền dẫn chứng cụ thể: năm nào cũng vậy, tại lễ hội đền Trần - Nam Định, vào đêm ngày 14 hàng vạn người đổ dồn về, mặc cho hàng ngàn cán bộ chiến sĩ công an địa phương căng sức bảo vệ. Theo ông, sự quá tải ấy cũng bởi hiệu ứng đám đông quá lớn. Nhưng cũng phải nhìn nhận quan điểm chỉ đạo của chính quyền các địa phương. Hiện có tới ba nơi cùng tổ chức phát ấn đền Trần là Nam Định, Thái Bình và Thanh Hóa. Vậy sẽ bỏ cái nào?
Đó là chưa kể, giờ ở đâu cũng có lễ hội, thậm chí nhiều nơi còn phục dựng lại những lễ hội đã thất truyền.
Những nhà nghiên cứu văn hóa mà chúng tôi gặp cũng có những quan điểm riêng về việc tổ chức lễ hội. Theo GS Trần Lâm Biền: "Lễ hội tồn tại là tự thân nó, nếu không phù hợp nó sẽ tự loại bỏ, không ai được tự cho mình cái quyền bỏ lễ hội này, thêm lễ hội kia”. Nhưng cũng có những người cho rằng, qui hoạch lại lễ hội để lập lại trật tự trong hoạt động tâm linh là cần thiết.
Chính vì những quan điểm còn trái chiều đó, mà cho đến cuối năm 2014, dự thảo quy hoạch lễ hội vẫn chưa thể hoàn thiện.
Nghịch lý mới phát sinh
Chỉ đạo Bộ VHTT&DL sớm hoàn thiện Qui hoạch tổng thể lễ hội giai đoạn 2015- 2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định vai trò, giá trị của lễ hội truyền thống; lễ hội là nhu cầu không thể thiếu trong sinh hoạt đời sống của nhân dân. Dẫu vậy, những bất cập kéo dài lâu nay cần phải được chấn chỉnh và khắc phục kịp thời. Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch lễ hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1185/VPCP-KGVX ngày 29.12.2012. Theo đó, Bộ VHTT&DL khẩn trương tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Trước thực trạng ngổn ngang lễ hội, việc hoàn thiện sớm qui hoạch lễ hội trên cả nước cũng đang là kỳ vọng, mong mỏi của cộng đồng. Nhưng nghịch lý lễ hội thời gian qua cũng khiến người ta băn khoăn về tính khả thi của đề án qui hoạch. Bởi càng ngày càng có nhiều di tích được lên đời: di tích cấp địa phương được lên đời di tích cấp quốc gia; di tích quốc gia được thăng hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt. Gắn với những di tích ấy là lễ hội hoặc không gian văn hóa lễ hội. Vì thế mà chính quyền địa phương và cộng đồng nơi có di tích, di sản được phong danh, lên đời luôn muốn tổ chức lễ hội xho xứng tầm. Vậy thì đề án qui hoạch mới sẽ phải giải quyết mâu thuẫn này sao đây?