Thời gian gần đây, không ít giáo viên tiểu học khi được hỏi đều bày tỏ sự “ngán ngẩm” trước khối lượng công việc quá lớn trong quá trình triển khai thông tư 30. Thậm chí nhiều giáo viên thấy quá tải với quỹ thời gian và sức lực của họ.
Ảnh minh họa (nguồn: internet)
Bàn về điều này, cô giáo Minh Tâm (Hà Nội) cho rằng rất cần có một “cơ chế” thoáng và hợp lý hơn để gỡ rối cho vấn đề của các giáo viên tiểu học. Riêng về công việc của các giáo viên bộ môn, cô Tâm kiến nghị chỉ nhận xét về kiến thức kĩ năng vào cuối kì cùng giáo viên chủ nhiệm nhận xét về năng lực, phẩm chất dưới dạng góp ý, bổ sung nếu cần thiết.
Với các giáo viên chủ nhiệm, sổ theo dõi chất lượng giáo dục sẽ chỉ ghi lại những trường hợp học sinh đặc biệt cần phải lưu ý trong tháng.
Ngoài ra, theo cô Tâm, cần tăng cường việc nhận xét bằng lời nói. “Ví dụ khi học sinh làm đúng hết thì có thể chỉ cần lời khen, khích lệ ngắn gọn. Nhưng nếu các em làm sai sẽ chữa hết lỗi cụ thể cho học sinh và yêu cầu các em khắc phục”, cô Tâm nói.
Đồng thời, cô Tâm cũng cho rằng học bạ chỉ nên duy trì nhận xét mỗi năm một lần bởi nếu theo từng học kì rất dễ xảy ra chuyện trùng lặp trong nhận xét.
Chị Hồ Hương (Bắc Giang) cũng nêu giải pháp để việc nhận xét, đánh giá vở của học sinh trở nên nhẹ nhàng hơn cho các thầy cô giáo. “Ví dụ môn Toán có những bài giáo viên có thể chỉ cần chấm đúng sai để nắm bắt được tình hình học sinh. Không nhất thiết cứ bài nào ghi đúng sai cũng đều phải nhận xét, hoặc những bài các em mắc những lỗi sai giống nhau thì thay bằng việc nhận xét từng bài, giáo viên có thể dùng lời để nhận xét trước lớp cho các em cùng rút kinh nghiệm.Tương tự với những môn khác cũng như vậy”, cô Hương đề xuất.
Riêng về sổ theo dõi của giáo viên chủ nhiệm ghi lại tình hình của các em học sinh để từ đó đưa ra những giải pháp giảng dạy phù hợp, theo cô Hương với sổ này chỉ cần yêu cầu giáo viên ghi những em cần sự giúp đỡ hoặc có sự thay đổi rõ ràng trong quá trình học tập.
Cần bỏ những sổ sách không cần thiết
Theo chia sẻ của nhiều giáo viên tiểu học thì hiện nay khi triển khai Thông tư 30 đang có những loại sổ sách chồng chéo nhau về mặt nội dung. Nhiều giáo viên cho rằng, các loại sổ sách không phục vụ cho việc dạy thì cần được bỏ bớt để giúp họ chuyên tâm vào công việc thay vì mất rất nhiều thời gian chỉ để “chép lại”.
Chia sẻ về điều này, thầy giáo Hải Anh cho biết: “Sổ theo dõi chất lượng giáo dục, Sổ liên lạc, học bạ có nội dung gần như nhau và gần như là được chép lại 3 lần. Sổ liên lạc chính là bản sao thu nhỏ của học bạ nên được viết 2 lần cùng 1 nội dung gần như 100% nên chúng tôi rất mất thời gian.
Mong sao cấp trên nghiên cứu, xem xét tránh quá tải cho giáo viên bởi ngoài sổ sách thì việc chấm và nhận xét vở của học sinh thường ngày cũng đã ngốn một lượng thời gian không nhỏ của chúng tôi”.
Còn cô giáo Đặng T.C (Bình Dương) thì cho rằng, sổ theo dõi chất lượng không phát huy tác dụng bởi việc nhận xét thường xuyên ở vở học sinh từng môn đã là chính xác nhất.
“Ghi vào sổ là chung chung, cũng không ai đọc. Trong khi giáo viên chủ nhiệm hầu hết “thuộc lòng” đặc điểm từng học sinh do đó thực ra không cần ghi sổ theo dõi. Còn giáo viên bộ môn như ở trường tôi thì có tới 600-1000 học sinh, không thể nhớ hết được từng ấy học trò, vì vậy việc nhận xét có cũng chỉ là hình thức, không chính xác, thậm chí sao chép”, cô C. nêu thực trạng.
Theo đó, cô C. đề xuất thay vì nhận xét thì nên để giáo viên bộ môn chỉ tích đạt hoặc chưa đạt từng tháng cho mỗi học sinh. Và tổng hợp cả năm có từ 5/10 tháng đạt trở lên thì em đó đủ điều kiện hoàn thành, dưới 5 tích là chưa hoàn thành.
Bàn về giải pháp đối với 2 loại sổ liên lạc và sổ theo dõi chất lượng, một giáo viên tỉnh Bắc Giang đề xuất: “Tôi nghĩ không nhất thiết phải ghi hàng tháng khi học sinh không có sự thay đổi gì. Mà chỉ ghi khi có và thêm vào các ô để giáo viên tích vào như tiến bộ vượt bậc, tiến bộ, giữ vững, giảm sút, ở 3 mặt.
Làm như vậy, sẽ không chỉ giảm áp lực cho giáo viên mà còn giúp các phụ huynh dễ dàng theo dõi tình hình học tập của con em mình hơn. Chưa kể, Ban giám hiệu nhà trường cũng dễ nắm được số học sinh tiến bộ của từng lớp”.