Dân Việt

Lúng túng với các cô gái đẻ thuê

18/05/2011 10:01 GMT+7
(Dân Việt) - Đây là vấn đề chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Ngay cả những người làm công tác tham vấn, tiếp nhận người bị buôn bán và bạo lực gia đình đều cảm thấy lúng túng và đang tìm hiểu.

10 trong số 15 cô gái Việt Nam trong đường dây đẻ thuê ở Thái Lan đã về nước và được tiếp nhận tại Ngôi nhà bình yên của Hội LHPN Việt Nam.

Theo bà Lê Phương Thúy - Trưởng phòng Tham vấn - Ngôi nhà bình yên, các cô được chăm sóc, khám sức khỏe và tư vấn tâm lý trong quá trình chờ công an làm rõ đường dây "đẻ thuê" này.

img
Những người thân đi thăm gia đình Thạch Thị Mỹ P .

Cán bộ còn lúng túng

Trong số 10 cô gái về lại quê nhà lần này có 3 người mang thai 5-6 tháng. Ngoài ra, còn một số cô gái chưa về được do vừa sinh em bé. Dự kiến trong cuối tháng 5, sau khi sức khỏe ổn định, các cô sẽ cùng các em bé bay về nước.

Ngày 23.2, 15 phụ nữ Việt Nam đã được Cảnh sát Thái Lan phát hiện bị giam lỏng tại một ngôi nhà ở ngoại ô Bangkok. Các cô đều rất trẻ, bị lừa bán sang Thái Lan "đẻ thuê" bằng cách cấy bơm phôi thai hay tinh trùng rồi bị lấy con bán cho người nước ngoài. Mỗi ca đẻ thuê có giá khoảng hơn 100 triệu đồng (5.000USD).

Bà Lê Phương Thúy cho biết, các cô gái đang được trợ giúp, sinh hoạt, chăm sóc, khám sức khỏe, tư vấn tâm lý miễn phí như bất cứ một nạn nhân bị buôn bán trở về nào, thậm chí còn "đặc biệt" hơn.

"Hiện sức khỏe của các cô rất tốt. Nhưng để thuận lợi cho việc điều tra, chúng tôi thống nhất vẫn chưa cung cấp các thông tin cá nhân cho báo chí. Đây là vấn đề chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Ngay cả những người làm công tác tham vấn, tiếp nhận người bị buôn bán và bạo lực gia đình đều cảm thấy lúng túng và đang tìm hiểu".

Theo bà Thúy, hiện chưa rõ diễn biến tâm lý của những cô gái này như thế nào, tại sao họ đồng ý bán mình làm người đẻ thuê. Vì thế, quá trình trợ giúp cũng trên cơ sở vừa tìm hiểu vừa tham khảo để tìm cách trợ giúp tốt nhất cho cả mẹ và bé. Hiện những cán bộ tham vấn cũng chưa biết quan điểm của Chính phủ Thái Lan cũng như Chính phủ Việt Nam về vấn đề này.

“Để tiện cho việc điều tra xem 15 cô đã phải là "tất cả" những phụ nữ Việt đẻ thuê hay không, công an sẽ vào cuộc để làm rõ. Những cô gái muốn ở lại Ngôi nhà bình yên học nghề, tìm việc, Hội Phụ nữ sẽ giúp đỡ” - bà Thúy nói.

Lỗ hổng luật pháp

Bà Hà Thanh Vân - Phó ban Luật pháp Chính sách - Hội LHPN Việt Nam cho biết: "Sau khi công an điều tra vào cuộc, thẩm vấn cũng như dư luận lên án mạnh mẽ, tâm lý của các cô gái không ổn định, một số cô còn e ngại khi về quê. Vì vậy, việc giữ các cô lại Ngôi nhà bình yên sẽ tạo điều kiện cho các cô được trợ giúp về tâm lý".

Theo bà Vân, vụ việc xảy ra một lần nữa đặt luật pháp Việt Nam vào thế bị động. Nghị định số 12/2003/NĐ-CP về sinh con theo phương pháp khoa học (sinh con bằng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm) cho phép phụ nữ được sinh con theo phương pháp khoa học nhưng chỉ quy định về việc "xin" tinh trùng, xin trứng, hoặc xin phôi chứ không quy định về việc "mượn" dạ con của người khác.

Ở Việt Nam cũng có trường hợp "đẻ thuê" chỉ mượn người phụ nữ như "mượn tổ" nhưng chưa phải đối mặt với vấn đề pháp luật. Rồi trường hợp người mẹ lại muốn nuôi con (do noãn không phải của mình) thì làm thế nào? Cha mẹ (người có trứng và tinh trùng) muốn nhập quốc tịch cho trẻ sẽ ra sao?

"Đây là vấn đề mới mẻ nên Hội LHPN VN sẽ nghiên cứu để đưa ra các hình thức tuyên truyền hợp lý nhằm hạn chế tình trạng "đẻ thuê" của các cô gái trẻ. Việc đẻ thuê không chỉ vi phạm luật pháp mà còn gây tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống tâm lý của phụ nữ; gây nên những hậu quả và xáo trộn đời sống" - bà Hà Thanh Vân nhận định.