Việc ưu tiên dành mọi vị trí thiên nhiên xinh đẹp cho du lịch và tình trạng quá nhiều nhà đầu tư “ảo” trong lĩnh vực này đã đưa đến hậu quả là thiên nhiên bị “cắt xén”, còn người dân thì vất vả đủ đường.
Có tiền, có đất vẫn phải ở nhà dột nát
Việc các dự án du lịch “nhảy dù” vào các bãi biển sinh ra nhiều khổ lụy cho dân địa phương. Sáng 17.5, bà Nguyễn Thị Thạnh – Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) cho biết, hiện nay toàn bộ số hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng của các dự án du lịch Khu du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh (gọi tắt là KDL Bãi Dài) vẫn chưa được đền bù giải tỏa, di dời bởi hầu hết các dự án đều chưa triển khai.
Khu du lịch Bãi Dong, một trong số dự án hiếm hoi đang được xây dựng tại Khu du lịch Bãi Dài (Cam Lâm, Khánh Hòa). |
Được biết, từ khi KDL Bãi Dài được phê duyệt quy hoạch đến nay đã hơn 7 năm, nhưng hơn 200 hộ dân ở đây vẫn phải chờ chủ đầu tư dự án bắt tay vào thực hiện dự án và chưa biết còn phải chờ đến bao giờ.
Tại vịnh Nha Trang, một dự án khu du lịch sinh thái biển cũng đang được xúc tiến tại đảo Hòn Một (phường Vĩnh Nguyên, TP.Nha Trang). Theo đó, toàn bộ 63 hộ/300 nhân khẩu đang sinh sống trên đảo sẽ không còn được ở trên đảo nữa và phải di dời vào bờ.
Kịch bản này tương tự với việc di dời hơn 230 hộ dân tại Vũng Me (đảo Hòn Tre, Vĩnh Nguyên) vào khu tái định cư Hòn Sện (xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang), cách xa nơi neo đậu tàu thuyền hàng chục cây số. Việc di dời nơi ở này được người dân ví như việc vớt cá lên bờ.
Lời hứa từ nhà đầu tư rằng sẽ nhận con em các hộ ngư dân bị di dời vào làm việc chẳng thể thực hiện bởi con em họ không đủ trình độ đáp ứng với nhu cầu lâu dài của công việc tại một khu du lịch 5 sao. Và thế là, dù có được nhà mới, có tiền đền bù nhưng hầu hết con em họ đều trở nên thất nghiệp giữa chốn phố thị xa lạ.
Tại Thừa Thiên - Huế, dự án xây dựng khu resort ven biển Phú Thuận (Phú Vang) tuy mới giải phóng mặt bằng và khoanh vùng, nhưng đã gây lo lắng cho nhân dân. Theo quy hoạch, những con đường dân sinh thông ra biển của người dân nơi đây sẽ bị bịt kín. Hơn 500 hộ dân sinh sống bằng nghề đánh cá ven biển có nguy cơ bỏ nghề.
Dự án Khu du lịch Laguna Huế được triển khai ở thôn Cù Dù, xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) đã đẩy hàng chục hộ dân bị thu hồi đất ở và đất canh tác phải đi tái định cư. Tại đây họ được phân lô, xây nhà nhưng… không có việc làm, không đất sản xuất.
Tình trạng này cũng diễn ra ở Quảng Nam. Thôn Hà My Đông A (Điện Dương, Điện Bàn) rộng 220ha với 447 hộ dân đều “rơi” vào diện quy hoạch để làm du lịch. Dự án du lịch ở đây khá nhiều, nhưng hầu hết chưa triển khai gì. Người dân hết sức khổ sở vì bị “treo”.
Ông Trần Tới có đến 2.270m2 đất ở nhưng phải sống trong căn nhà nhỏ bé dột nát nhiều năm vì ông không được cơi nới hay xây nhà mới để ở. Còn bà Nguyễn Thị Còn (72 tuổi, vợ liệt sĩ) cũng đang phải sống trong ngôi nhà thấp lè tè, dột nát. Vừa rồi, bà nhờ người làm đơn xin sửa căn nhà để chống chọi với mưa, bão. Thế nhưng cũng như hàng trăm, hàng nghìn hộ dân khác ở Điện Dương, bà Còn cũng chỉ nhận được câu trả lời là không được sửa chữa do nằm trong vùng đã quy hoạch.
Ủi trọc bờ biển
Còn nhớ, tháng 7.11.2007, người dân ở Đà Nẵng đã rất ngỡ ngàng khi biết UBND thành phố cấp phép cho Công ty TNHH Daewon Cantavil (thuộc Tập đoàn Daewon) triển khai dự án Khu đô thị Đa Phước, trong đó có hợp phần du lịch, trên khu vực vịnh Đà Nẵng. Để thực hiện dự án này, 180ha vịnh Đà Nẵng phải bị san lấp. Một vùng biển rộng lớn đã bị đẩy lùi.
Trước đây, ven bờ biển Điện Bàn và Hội An (Quảng Nam) rừng thông ngút ngàn che kín bao bọc lấy đời sống của bà con ven biển trước những trận gió bão. Thế nhưng từ khi con đường du lịch ven biển ra đời (năm 2003), rồi hàng loạt dự án du lịch ồ ạt nhảy vào, bờ biển dần dần bị ủi trọc, làng xóm phơi mình ra trước gió bão từ biển thổi vào, đến ăn cơm nhiều nhà cũng phải mắc màn để tránh cát.
Ông Huỳnh Vạn Thắng- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đà Nẵng
Ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đà Nẵng, cho biết, so với 10 năm trước đây, khu vực ven biển Đà Nẵng, Quảng Nam được phủ kín bởi những rừng phi lao xanh mướt, bây giờ chỉ trơ trọi những bãi cát trắng hay những khu du lịch, resort quy mô đồ sộ.
“Ngày mà người ta triệt hạ những rừng thông hàng chục năm tuổi để xây dựng các dự án du lịch ven biển, tôi đã có ý kiến với lãnh đạo các địa phương là cần phải giữ lại những rừng thông để phòng chống khi bão xảy ra cũng như chống việc xâm thực của biển; các dự án có thể lùi vào trong. Thế nhưng ý kiến của tôi bị bỏ qua và các khu du lịch, resort cứ thế được cấp phép xây dựng sát mép biển”.
Theo ông Thắng, trước đây, mỗi khi có bão đổ bộ vào, người dân Đà Nẵng, Quảng Nam có những tấm lá chắn rừng thông cao ngút nên ít bị thiệt hại. Nhưng những năm gần đây, mỗi khi có bão đổ bộ vào, nhiều gia đình bị gió thổi bay nhà cửa. Các trục đường ven biển từ Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) kéo dài đến khu vực Xuân Thiều (Đà Nẵng) đều bị sóng biển đánh nát, sụp đổ nhiều đoạn.
Dần theo thời gian, sóng biển tiếp tục xâm thực mạnh, nhiều nơi sóng biển “ăn” sâu vào cả chục mét, như tuyến đường Sơn Trà – Điện Ngọc (Quảng Nam) hay tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành (Đà Nẵng).
--------------------
Còn nữa
Mai Khuê-An Sơn-Vân Anh