Ông đánh giá như thế nào về việc Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI đã ra Nghị quyết 33 trong thời điểm đạo đức, văn hóa đang bị xuống cấp, đặc biệt là ở một bộ phận cán bộ, đảng viên?
- Tôi chắc chắn Nghị quyết 33 sẽ nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của nhiều cán bộ, đảng viên, nhân dân. Tôi khẳng định điều này không phải cảm tính mà bằng thực tiễn. Cách đây 3 tháng, Tỉnh ủy Long An mời tôi đến trình bày nghị quyết này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chia sẻ rất thật với tôi rằng, đây là hội thảo duy nhất mà cả 4 đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy của tỉnh Long An ngồi nghe từ đầu đến cuối. Đặc biệt có đồng chí còn phải ngồi xe lăn nhưng vẫn đến tham dự. Tôi kể ra điều này để thấy, bức xúc, lo lắng và quan tâm là của không chỉ một vài người. Dường như tất cả người dân đang chờ đợi Nghị quyết T.Ư 9 sẽ phát huy hiệu quả để giải quyết những vấn nạn đang diễn ra trong đời sống xã hội. Những vấn nạn đó lâu nay chưa được khắc phục...
Giáo sư có thể phân tích cụ thể về sự xuống cấp trong tư tưởng đạo đức và văn hóa của xã hội hiện nay?
- Có thể nói chúng ta bây giờ phải đấu tranh với rất nhiều những tệ nạn xã hội, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, tham nhũng… tất cả những điều này tôi cho là cản trở triển khai các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Và nếu chúng ta không khắc phục được điều đó, thì sẽ không tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Sự quan tâm đến văn hóa, đặt văn hóa ngang bằng với kinh tế trong đời sống hiện nay là cực kỳ quan trọng. Với ý nghĩa một bên nhằm xây dựng cơ sở vật chất, một bên nhằm xây dựng cơ sở tinh thần, tôi cho đó là hai chân vững chắc của đất nước hiện nay trong quá trình đổi mới.
Nghị quyết lần này đặt trọng tâm xây dựng yếu tố con người đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững, đó có phải là một thay đổi lớn về góc độ tiếp cận?
Trong những bài học về tư tưởng đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh, chúng ta đã biết Người đã nói “văn hóa không thể đứng ngoài mà cần phải có trong kinh tế, chính trị”. Và việc xây dựng văn hóa trong Đảng là điều rất cấp thiết, vậy Giáo sư có thể chia sẻ thêm gì về điều này?
- Về xây dựng văn hóa trong Đảng - tôi cho đây là vấn đề cực kỳ cấp thiết, bởi vai trò lãnh đạo là vai trò của Đảng... Có một thời nhân dân ta đã từng đúc kết câu, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Vậy thì sự trì trệ yếu kém hiện nay đã phần nào giảm lòng tin của dân đối với Đảng, khi họ chứng kiến một số cán bộ, đảng viên suy yếu về tư tưởng, đạo đức, nhân cách. Thì lần này để lấy lại lòng tin của nhân dân, chúng ta phải tập trung xây dựng Đảng một cách vững mạnh về văn hóa, để Đảng thực sự trở thành đạo đức và văn minh như Bác Hồ đã nói.
Để làm được điều này, chúng ta cần phải vạch trần những sai lầm, khuyết điểm trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên hiện nay. Trong đó có chống chủ nghĩa cá nhân, chống lợi ích nhóm, chống những hiện tượng tham nhũng, quan liêu, hách dịch... Tôi nghĩ rằng, chúng ta đã có Nghị quyết T.Ư 5, rồi bây giờ lại có Nghị quyết T.Ư 9 thì chắc chắn tư tưởng của Bác, của Lenin sẽ càng sống lại mạnh mẽ hơn. Đó là nhu cầu của thực tiễn, là mệnh lệnh của đời sống.
Nghị quyết T.Ư 5 thì xác định vai trò của đội ngũ tri thức là quan trọng và đến bây giờ, Nghị quyết T.Ư 9 thì nhấn mạnh vai trò của đội ngũ tri thức là nòng cốt. Đó có thể nói là một điểm mới trong nghị quyết lần này?
- Trong Nghị quyết T.Ư 5 đã nói đến vai trò của tri thức, và lần này ở Nghị quyết 33 Đảng ta nhấn mạnh hơn. Tất cả những giá trị văn hóa đều do người lao động sáng tạo ra. Nhưng nếu không có tầng lớp tri thức để sàng lọc giá trị đó thì không thể biến những giá trị nhỏ lẻ đó thành những giá trị cơ bản của đời sống. Cho nên tôi nghĩ vai trò của người tri thức là chưng cất những giá trị văn hóa được sáng tạo trong quá trình sản xuất của người lao động. Ngoài ra, người tri thức bằng hoạt động tư duy của mình cũng sáng tạo ra những giá trị mới, thì tất cả những điều đó đã hình thành nên nền văn hóa chung của cả dân tộc.
Xin cảm ơn Giáo sư!