Dân Việt

Vượt biên trốn chạy thần chết: Về “tắm ao ta”

18/05/2011 18:36 GMT+7
(Dân Việt) - Sau những tháng ngày sống "lưu vong" nơi đất khách, nhiều người đã giật mình nhận ra không đâu tốt bằng quê nhà. Và, chỉ có ở quê nhà, họ mới có cơ hội để chiến thắng ma túy, bệnh tật.

Chiến thắng bản thân

Trở lại câu chuyện của anh Ngô Văn Sang, trên chuyến bay lần thứ ba trở lại cố hương, Sang đã nghĩ, lần về này cậu sẽ không còn được thấy sự hân hoan trong mắt người thân nữa. Nhưng vừa tới đầu làng, anh đã thấy mẹ ra đón.

Lúc ấy, Sang thấy lòng mình quặn thắt, thương mẹ xiết bao. Lúc ấy, cậu đã nghĩ, cậu sẽ làm tất cả để nụ cười mãi rạng ngời trên khuôn mặt mẹ hiền. Và rồi như nhiều lần trước, những ý nghĩ, những quyết tâm ấy cũng chẳng "sống" được lâu. Cầm cự được vài tháng, Sang lại gục ngã.

img
Anh Vũ Văn Đoàn kiếm tiền phụ giúp gia đình bằng nghề đan lưới.

Lần này, bê bết trong vũng lầy cuộc đời, nhưng Sang quyết không đi nữa. Khi đó cậu nghĩ, đi mãi rồi cũng vậy. Đằng nào cũng chết thì cứ chết ở quê nhà. Mẹ Sang kể, khi ấy, không thấy con có ý định đi, bà mừng lắm. Biết đâu, khi ở nhà Sang lại có động lực để rũ bỏ và thoát được cơn mê muội đã hủy hoại đời mình.

Nghĩ vậy nên bà vẫn không thôi hy vọng. Bà săn sóc Sang nhiều hơn, luôn ở bên Sang, chỉ cho con thấy trọng trách mà con phải gánh vác trong chặng đường đời trước mặt. Những lời rủ rỉ của mẹ như cơn mưa làm tâm hồn Sang dịu mát, như ngọn lửa khiến xúc cảm nguội lạnh của Sang ấm lại.

Vậy là, sau mấy đêm trằn trọc, một buổi, khi mọi người vừa tỉnh giấc đã thấy Sang hành lý sẵn sàng ngồi trước hiên nhà. Cậu bảo, cậu muốn đi để tự cứu mình, không nhờ ai nữa, kể cả… nhà tù.

Nơi Sang tìm đến là nhà một người quen ở huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Sang muốn đến đó bởi nhà người quen đó ở độc lập trên quả đồi ít người lại qua. Lên tới nơi, Sang thực hiện ngay ý định của mình là… nhịn thuốc.

Những lần trước, khi cai, Sang đều có những tân dược khác để phù trợ nhưng lần này, cậu "khước từ" tất cả. Cậu muốn dùng ý chí của mình để chiến thắng "con quỷ" đang ngự trị trong cơ thể mình. Sang không đơn độc trong hành trình chống lại tử thần bởi chỉ vài ngày sau, mẹ cậu cũng lặn lội tìm lên.

Có mẹ ở bên, cậu như được tiếp thêm sức mạnh. Vậy là, sau một tháng giam mình trên quả đồi hoang vắng, một sớm, Sang đã tươi cười… rủ mẹ xuống chợ phiên. Bà Loan, mẹ Sang kể, khi ấy, nhìn sắc mặt, ánh mắt của con, bà thấy lòng mình như mở hội. Bà tin rằng, mẹ con bà đã thành công, niềm tin của bà đã được đền đáp.

Không đâu bằng quê hương

Anh Vũ Văn Đoàn (thôn Đông Tác 1, xã Đại Hợp) bây giờ là người nổi tiếng ở làng. Anh hăng hái tham gia mọi phong trào của địa phương, đặc biệt rất tích cực trên mặt trận phòng chống AIDS.

Khi chúng tôi đến thăm, anh đang đi lấy thuốc. Trò chuyện với chúng tôi trong lúc đợi chồng về, vợ anh Đoàn bảo, đến bây giờ chị mới thấy nhà mình có tiếng cười. Trước đây, chồng lênh đênh trên biển rồi phiêu dạt nơi đất khách, chẳng biết sống chết thế nào, một mình, chị cứ ôm bầy con dại cùng với vô vàn những nỗi lo lắng về sự an nguy của người mà mình đầu gối tay ấp.

Như nhiều người khác ở Đại Hợp, chồng chị cũng nháo nhào theo phong trào vượt biên trái phép hồi đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Những tưởng sau chuyến hải hành một sống một chết ấy thì anh sẽ được lên tiên, nào ngờ… Đến Hongkong, vất vưởng sống trong trại tị nạn, thấy tương lai mù mịt, anh đành phải hồi hương.

Năm 1997, khi đã có gia đình, thấy người ta mách, sang Hongkong làm ăn dễ, chồng chị lại khăn gói lên đường. Vừa đến Hongkong được 3 ngày, anh bị cảnh sát truy đuổi bởi nhập cư trái phép. Vào trại tị nạn, giao du với mấy người bạn hư hỏng, anh dính vào ma túy rồi mắc bệnh lúc nào chẳng hay. Nửa năm ở trại, chồng chị bị trục xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Tân - Trưởng thôn Quần Mục 4 thì việc các đối tượng có HIV trốn sang Hongkong để được vào tù, ngoài việc họ là những kẻ lười lao động thì đó cũng là cách họ kéo dài sự sống cho mình. Bởi thế, hơn lúc nào hết, chính quyền, đoàn thể, Nhà nước và các tổ chức xã hội cần phải vào cuộc, giúp đỡ nhiều hơn nữa những đối tượng này để họ ổn định cuộc sống và đẩy lùi bệnh tật.

Trở lại Việt Nam, "tội đời" nặng mang, chồng chị chẳng thiết làm ăn gì. Năm 2005, thấy sức khỏe suy kiệt, chồng chị lại lặng lẽ đi. Sang đấy, như nhiều người khác, chồng chị mang hung khí đi cướp để được vào tù. Bởi xuống tay hơi nặng, nên chồng chị "được án" khá dài, 55 tháng tù.

Chờ chồng đằng đẵng, thế nhưng, khi chồng về, niềm vui chẳng tày gang, chỉ ít ngày sau anh dùng ma túy trở lại. Nén giận dồn thương, chị đã hết lời động viên. Không chỉ vợ con mà người thân, dân làng cũng nhiệt tình quan tâm, chăm sóc. Tình cảm ấy khiến chồng chị suy nghĩ. Vậy là, anh quyết tâm cai.

Đang dở câu chuyện thì anh Đoàn về. Trông anh hoạt bát, nhanh nhẹn lắm. Nhìn vóc dáng ấy chẳng ai nghĩ anh từng mười mấy năm chung sống với ma túy và hiện lại đang mang căn bệnh thế kỷ trong người. Nói chuyện đời mình, anh bảo, không có vợ con, dân làng nhiệt tình quan tâm, động viên an ủi thì anh chẳng có ngày hôm nay.

Anh Đoàn giúp vợ nuôi con bằng nghề đan lưới. Nghề ấy tuy kiếm ít nhưng đều đặn. Theo người đàn ông từng trải này thì cứ làm được một việc gì giúp vợ con là thấy mình còn có ích và khi ấy lại thấy yêu tha thiết đời mình.