Một số giáo viên bày tỏ nguyện vọng, đối với những học sinh chưa đạt hoặc có sự thay đổi rõ rệt thì cần nhận xét, còn những em đã đạt yêu cầu thì có thể thay vì nhận xét một cách chung chung, nên cho điểm để các em có thêm động lực thi đua trong học tập, phụ huynh nắm được con mình đang như thế nào.
Một giáo viên đang công tác tại tỉnh Bắc Giang lại nêu quan điểm: “Tôi muốn Thông tư 30 thêm điểm số khi chấm vở và kèm theo lời nhận xét cụ thể để học sinh biết. Dạo này lên lớp chán quá vì những em học đuối, lười học... giờ chả cần gì. Khổ quá! Dù cũng đã tìm mọi hình thức cho các em thi đua nhưng vẫn vậy, trong khi kiến thức thì không ít, cứ ngày một chồng chất lên lại càng khó”
Qua thực tiễn triển khai sau một học kỳ, cô giáo Trần Thu Giang (Phú Yên) chia sẻ: “Như trước đây học sinh viết đúng nhưng xấu, bẩn chỉ cần nói 1 câu “Con viết đúng nhưng còn bẩn nên cô chỉ cho điểm 8 hay 9. Nếu lần sau con viết sạch đẹp hơn con sẽ đạt điểm 10” là lần sau em đó thay đổi. Còn bây giờ, thật sự không biết làm sao cho các con chuyển biến nữa. Dù nhận xét nhiều lần, bằng nhiều cách khác nhau nhưng hiệu quả trong việc tạo động lực cho các con vẫn thua bằng điểm số”
Vì vậy, cô Giang cho rằng ngoài nhận xét vẫn cần kết hợp chấm điểm thay vì nhận xét trong một số trường hợp. “Bài nào các em hoàn thành thì sẽ ghi điểm, còn bài chưa hoàn thành thì giáo viên sẽ nhận xét, ghi cụ thể lỗi và hướng khắc phục cho học sinh. Vậy sẽ hài hòa, tốt hơn cho cả cô và trò”, cô Giang đề xuất.
Dù tán thành tinh thần của thông tư 30, tuy nhiên, cô giáo Mai Hương (Hà Nội) vẫn đề xuất việc chấm điểm cho những học sinh đạt từ 5 điểm trở lên. Những em dưới 5 điểm thì giáo viên nhận xét cụ thể và có hướng giải pháp để giúp đỡ trò tiến bộ.
Góp ý về thông tư 30, thầy giáo Đ.T.Trung (Hà Nội) cũng cho rằng, để giáo viên tiểu học sáng tạo hơn trong cách đánh giá học sinh cần có một cơ chế linh hoạt. “Học sinh nào thích chấm điểm thì cho điểm, học sinh nào yếu kém thì cần động viên để các em cố gắng vươn lên để đạt được mục tiêu nào đó. Điều quan trọng cần tạo ra những tiết học vui vẻ, nhẹ nhàng và tạo động lực phấn đấu cho trẻ. Đôi khi đi học không có mục tiêu, không có động lực thì các em cũng khó có thể lĩnh hội được tri thức”
Đang công tác tạo một trường tiểu học miền núi tỉnh Thanh Hóa, cô giáo L.T. Thúy thở dài: “Trường mình ở miền núi, giáo viên thường xuyên thiếu phải dạy dồn, dạy ghép. Học sinh dân tộc nhiều hộ nghèo, trình độ dân trí thấp. Giáo viên chỉ lo dạy sao cho có chất lượng cũng đã" bở hơi tai".
Do đó, theo mình với vở học sinh, chấm đúng sai hoặc gạch lỗi, em nào đạt từ 5 điểm trở lên vẫn đánh giá điểm, dưới 5 mới nhận xét và nêu hướng khắc phục để phụ huynh biết và cùng giáo viên giúp học sinh cải thiện. Đấy là còn chưa kể học sinh yếu cô có ghi các em cũng không hiểu để mà khắc phục”
Rất cần sự linh hoạt của lãnh đạo
Dù bày tỏ nhiều nguyện vọng, đề xuất để mong giảm thiểu khối lượng công việc khi triển khai Thông tư 30 nhưng các thầy cô cũng cho rằng điều quan trọng nhất vẫn là có sự đồng bộ, linh hoạt và sẻ chia giữa các cấp với nhau.
Cô giáo Hồ Hương (Bắc Giang) cho rằng, muốn giáo viên linh hoạt trong giảng dạy, đánh giá thì các cấp lãnh đạo cũng không nên quá cứng nhắc mà hãy linh hoạt hơn trong khâu kiểm tra, đánh giá cán bộ giáo viên. Và cũng không nên coi hồ sơ, sổ sách là tiêu chí quan trọng để đánh giá giáo viên
Thầy giáo Đ.T.Trung (Hà Nội) cũng chia sẻ: “Mong các cấp quản lí tôn trọng quyền và nghĩa vụ của giáo viên, khi ban hành điều lệ, thông tư, nghị quyết nào cần có tính toán kĩ lưỡng và cần thiết phải được lấy ý kiến từ số đông giáo viên”.