Dân Việt

Người tâm huyết với nghệ thuật Khmer

Chúc Ly 29/01/2015 08:16 GMT+7
Với niềm say mê nghệ thuật cháy bỏng và khát khao được đem nghệ thuật của người Khmer đến với nhiều người hơn, nghệ nhân Liêu Si Nê (xã Viên An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) đã thành lập đoàn nghệ thuật quần chúng Chông Prêk, để lưu giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

Đam mê cháy bỏng

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật nên ông Si Nê được làm quen và đã chơi được các loại nhạc cụ dân tộc. Năm nay tuy đã 79 tuổi, mắt đã mờ, sức yếu nhưng nghệ nhân vẫn giữ kỹ những nhạc cụ của đoàn nghệ thuật mà mình lập ra, dù lâu ngày đôi chỗ hư hỏng, ông đã mày mò tự sửa, tự đi kiếm nguyên liệu để làm mới.

img
 Nghệ nhân Si Nê bên dàn nhạc dân tộc cổ truyền Khmer.  CHÚC LY

Thành lập năm 1979, đoàn nghệ thuật Chông Prêk có lúc lên tới 50 người, hàng năm thường đi biểu diễn tại các chùa vào dịp lễ hội truyền thống của dân tộc như: Lễ dâng y, cầu an cho phum, sóc; lễ Đôlta; Chôl Chnăm Thmây hay lễ cưới hỏi, hạ thủy ghe Ngo… Không chỉ tại phum sóc ở ấp Bờ Đập mà đoàn còn đi biểu diễn ở nhiều địa phương các tỉnh khác. “Giờ đây đoàn đã giải thể nhưng chú Si Nê vẫn còn dạy đàn, hát cho con cháu trong phum sóc và những người có nhu cầu học ở nơi khác đến” - ông Sơn Hoàng Xinh, diễn viên cũ của Đoàn nghệ thuật Chông Prêk ngày nào, cho biết.

Còn nghệ nhân Si Nê nhớ lại: “Hồi xưa nhạc cụ truyền thống được bà con Khmer quý lắm. Không có đội nhạc thì không thể tổ chức đám cưới. Vì vậy, cứ bắt đầu từ mùa khô đội nhạc đi biểu diễn suốt. Còn bây giờ, các đám cưới hầu như không thấy bóng dáng đội nhạc cụ truyền thống nào. Nếu tôi không truyền dạy cho con cháu, chắc chắn nhạc cụ truyền thống ở Chông Prêk dần dần bị mai một”.

Quyết tâm giữ nghề

Quan điểm

Nghệ nhân Liêu Si Nê
  Thế hệ con cháu sau này nên gìn giữ, để âm nhạc truyền thống không bị mất đi. Tôi cố gắng vận động, chỉ dạy các con cháu học cách chơi nhạc cụ truyền thống đến ngày nào hay ngày đó…”. 

Vì được thành lập và hoạt động dựa theo sự tự nguyện đóng góp của các thành viên chứ không có một nhà tài trợ nào, cũng vì vậy mà mà đoàn nghệ thuật đã dần dần không thể duy trì, do không đủ kinh phí hoạt động. “Chỉ tính riêng đầu tư dàn âm thanh đã vài chục triệu, rồi quần áo diễn cho diễn viên, trang trí sân khấu; trong khi tiền công mỗi người diễn 1 ngày đêm chỉ khoảng 100.000 đồng. Dù chúng tôi muốn cố gắng thêm, muốn giữ lại đoàn cũng đành “lực bất tòng tâm” - ông Xinh chua chát nói.

Sau khi đoàn nghệ thuật giải thể, không từ bỏ niềm đam mê cháy bỏng của mình, nghệ nhân Si Nê vẫn tiếp tục thành lập đội nhạc cụ dân tộc và đội Xay dăm hoạt động đến ngày nay. Đây cũng là tâm huyết giữ gìn loại hình nghệ thuật mang bản sắc riêng của dân tộc Khmer.

Lau chùi những cây đàn đã cũ, nghệ nhân Si Nê bộc bạch: “Bây giờ niềm vui lớn nhất của tôi là có nhiều người biết chơi nhạc cụ, múa Xay dăm để tiếp nối nghề gia truyền cha ông để lại. Vì cuộc sống cơm áo, con và cháu tôi giờ đi làm công nhân ở Bình Dương hết, không có đứa theo nghiệp của tôi, mà dẫu có muốn theo cũng không theo được, lấy gì mà sống. Cũng đành vậy, nhưng mà đứa nhỏ nào muốn học là tôi dạy liền, không nề hà chi hết”.