Tết đến xuân về, nhiều sinh viên tận dụng kinh doanh để kiếm thu nhập nhưng cũng có không ít những sinh viên bận rộn kiếm tiền để gây quỹ cho các chương trình tình nguyện mùa Tết mang chăn ấm lên vùng cao.
Kinh doanh để gây quỹ từ thiện
Nhân dịp Tết Nguyên Đán đến gần, các thành viên của câu lạc bộ (CLB) tình nguyện Hope (sinh viên đến từ nhiều trường đại học khác nhau trên địa bàn Hà Nội) nảy ra ý tưởng kinh doanh lấy tiền gây quỹ từ thiện cho chương trình “Mùa đông tại Xín Mần, Hà Giang”, đem chăn ấm lên vùng cao.
Ý tưởng kinh doanh ý nghĩa này do bạn Trần Văn Viển (sinh viên năm cuối trường Đại học Hà Nội, trường ban tổ chức) khởi xướng.
Tranh thủ ngày nghỉ, thứ bảy, chủ nhật, các thành viên của câu lạc bộ tổ chức bán hàng vỉa hè, gồm những mặt hàng như: ngô nếp, bí đỏ, sản vật Sa Pa (Lào Cai)…
Để có được nguồn hàng vừa rẻ vừa chất lượng, các bạn sinh viên đã phải lặn lội đến từng miền quê để lấy hàng lên Hà Nội bán.
Bạn Viển (trưởng ban tổ chức) cho biết: “Ngô nếp được chúng mình về tận Hưng Yên lấy. Số lượng ngô nhiều lại nặng nề, vậy mà chúng mình vẫn phải vận chuyển bằng xe đạp và những người vận chuyển hầu hết là các bạn sinh viên nữ. Còn những mặt hàng khác như: Hạt dẻ, hạnh nhân được các tình nguyện viên trên Sa Pa lấy từ chỗ người quen nên được ưu đãi giá rẻ mà lại chất lượng hơn. Biết mục đích của chúng mình lấy hàng bán để làm từ thiện nên cũng được chủ hàng bán cho với giá ưu đãi hơn”.
Để quảng cáo hoạt động kinh doanh đến mọi người, các thành viên của đội tình nguyện chia sẻ thông tin sản phẩm qua facebook, group… Bên cạnh đó, các bạn còn trực tiếp bày bán hàng ở khu vực gần chùa Linh Thông (Nhân Chính - Trung Hòa - Hà Nội). Một số thành viên ngồi bán ở vỉa hè, còn một số khác thì đi gõ cửa mời chào từng nhà và giải thích cho mọi người về việc bán hàng gây quỹ thiện nguyện.
Thanh (thành viên của đội tình nguyện) chia sẻ: “Hàng của chúng mình vừa tươi ngon, an toàn lại vừa rẻ nên được mọi người mua ủng hộ khá nhiều. Bán đắt hàng là động lực để chúng mình cố gắng hơn nữa để đem thật nhiều chăn ấm lên vùng cao”.
Nhớ lại ngày bán hàng đầu tiên, bạn Phạm Hoàng Tùng (sinh viên Đại học Ngoại Thương) kể: “Lúc đầu mình thấy việc gây quỹ bằng cách bán hàng này không khả thi lắm vì chúng mình đều chưa kinh doanh bao giờ. Nhưng cứ nghĩ đến cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của người dân Xín Mần (Hà Giang), chúng mình lại quyết tâm thử và may là hoạt động bán hàng được rất nhiều người ủng hộ. Hơn nữa, chúng mình cũng muốn được trải nghiệm công việc kinh doanh thú vị này. Cả đội tự đặt mục tiêu số tiền lãi cần đạt được và cố gắng thực hiện".
Chia sẻ về chương trình từ thiện, Viển cho biết: “Chương trình từ thiện “Mùa đông yêu thương 2015 – Hà Giang” sẽ thực hiện hoạt động kinh doanh bán hàng trong 12 ngày nhằm mục đích gây quỹ, lấy tiền mua chăn cho đồng bào Xín Mần. Toàn bộ số vốn do các bạn tình nguyện viên bỏ ra, lãi thu về sẽ được đem đi mua chăn và mang lên Xín Mần tặng cho người dân nơi đây chống rét”.
Lòng tốt bị nghi ngờ
Nhưng những “con buôn” tình nguyện ấy cũng gặp phải không ít khó khăn trong lần đầu tiên kinh doanh.
Vì là thành viên CLB là sinh viên đến từ các trường đại học khác nhau nên việc tập hợp khá khó khăn và mất thời gian. Có những bạn phải đạp xe 1 tiếng rưỡi mới đến được điểm hẹn bán hàng.
Bạn Đào Linh Chi (sinh viên Học viện Tài chính Hà Nội) tâm sự: “Mình lớn lên trong một gia đình khá giả, chưa từng biết đến cái đói cái khổ nên khi nhìn thấy cảnh sống của người dân vùng cao, mình rất xót xa. Mình muốn được làm gì đó để giúp đỡ họ và khi biết đến hoạt động bán hàng gây quỹ này mình tham gia ngay.
Nhưng khó khăn lớn nhất của mình là phương tiện đi lại. Mình không biết đi xe máy, chỉ có thể đi xe đạp. Trường lại xa khu vực bán hàng, có khi phải đạp xe mất gần hai tiếng. Nhưng cứ nghĩ đến sự năng nổ, hăng hái của cả nhóm tình nguyện là mình lại có động lực”.
Cũng có khi “gõ cửa” bán hàng, các thành viên của đội tình nguyện bị xua đuổi thậm tệ bởi, họ bị nghi ngờ là lừa đảo, không phải bán hàng làm từ thiện thực sự.
Bạn Đào Thị Hải Yến, sinh viện trường Học viện Chính sách và Phát triển chia sẻ: “Những ngày đầu đi gõ cửa bán hàng, chúng mình không được ủng hộ, thậm chí còn phải nghe những lời nói không hay. Lúc đó, chúng mình nản lắm bởi lòng tốt của mọi người lại bị nghi ngờ, nghĩ xấu. Nhưng sau rồi, cả đội động viên nhau, gạt bỏ những lời nói đó ra khỏi đầu để làm việc tiếp.
Đi bán ngô, nhiều lúc người dân không tin tưởng, không hưởng ứng, thậm chí còn nói nhừng lời hơi khó nghe. Những lúc như thế, em cũng thấy nản vì mình làm việc tốt mà bị đánh giá không hay. Nhưng mọi người đã cùng động viên nhau, gạt bỏ những lời nói đó ra khỏi đầu để tiếp tục công việc".
Đặc biệt, cả đội khá mạo hiểm khi quyết định bỏ ra số tiền lớn để thu mua gần 60kg ngô sống mỗi ngày. Và nếu như họ không bán hết trong vòng 3 ngày thì ngô sẽ hỏng và không thể ăn được.
“Mặc dù còn gặp khá nhiều khó khăn vì không phải bạn sinh viên nào cũng có kinh nghiệm tìm khách mua ngô, tìm địa điểm bán, vận chuyển ngô… nhưng tất cả mọi thành viên trong chương trình Mùa đông yêu thương – Hà Giang và những sinh viên khác đều đồng lòng làm mọi việc với mục đích đem chăn ấm lên vùng cao cho bà con dân tộc” – Trần Văn Viển chia sẻ.
Viển cho biết thêm: “Các thành viên luôn năng động, tích cực trong suốt thời gian bán hàng. Nỗ lực của chúng mình đã được đền đáp xứng đáng bằng kết quả thu được số tiền lãi khá lớn. Càng may mắn hơn, chúng mình còn được các bác, sư thầy trong chùa Linh Thông mua ủng hộ, có nhiều người còn khuyên góp tiền ủng hộ chương trình.
Tất cả số tiền thu được đều dùng để mua chăn ấm tặng tận tay đồng bào Xín Mần vào ngày 6/2 sắp tới. Hiện tại, CLB tình nguyện Hope vẫn tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của những tấm lòng hảo tâm cho đến ngày lên đường thực hiện chương trình.
Mặc cho đường xa, gió rét, mặc cho những bao tải ngô nặng nề đèo đẽo sau xe, trên môi các bạn sinh viên vẫn luôn nở nụ cười bởi họ đang “đi buôn” để làm từ thiện.