Dân Việt

“Tự tử nhiều lần”: Càng tỉnh táo, càng có nguy cơ

18/05/2011 16:00 GMT+7
Nhiều trường hợp quyết tâm tự tử, cấp cứu điều trị đến khi tươi tỉnh, về lại tự tử chết tại nhà. Chưa kể bệnh nhân tâm thần bị hội chứng hoang tưởng ảo giác, ảo thanh, trong đầu luôn có mệnh lệnh “phải chết”.

Càng tỉnh táo, càng có nguy cơ

Chỉ đúng hai tháng sau một lần tự tử bất thành, 4h ngày 26.4.2011, Đ.A., cô gái 27 tuổi, ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM lại tự tử với cách thực hiện giống hệt lần trước: lẻn lên sân thượng, trùm nhiều bịch nilông vào đầu rồi dùng dây quấn ngang cổ cho đến lúc tắt thở. Trước đó, cô may mắn được mẹ và em trai phát hiện cứu kịp.

img
ThS.BS Nguyễn Ngọc Quang - giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM - tư vấn cho bệnh nhân bị rối loạn tinh thần, lo âu tại trung tâm

ThS.BS Nguyễn Ngọc Quang - giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM - cho biết: “Cách đấy bốn hôm mẹ Đ.A. đưa cô đến tái khám, cô tươi cười, không biểu hiện gì. Tôi cảnh báo gia đình vẫn phải quan tâm vì bệnh nhân đã một lần có ý tưởng tự sát”.

Theo người nhà, Đ.A. mắc chứng đổ mồ hôi tay và chân rất nặng, lúc nào cũng ướt sũng nên mặc cảm trong giao tiếp và sống khép kín. Gần đây đi khám, bác sĩ cho biết có thể điều trị bằng phẫu thuật nhưng kết quả chưa chắc như ý. Vậy là cô tự tử.

Nhưng bác sĩ Quang cho rằng đó chỉ là cái cớ. Dựa trên tổng thể các triệu chứng khác, bệnh nhân đã có vấn đề tâm thần cách đây 7- 8 năm do buồn vì cha mẹ mâu thuẫn. Bác sĩ khuyên người mẹ đưa con vào bệnh viện tâm thần để chữa trị và được kiểm soát, tránh khả năng tái phát nhưng bà không tin con mình bệnh nặng, để ở nhà tự chăm sóc. Tất cả đã muộn.

Bệnh nhân càng tỉnh táo thì càng phải cẩn thận. Có sinh viên nữ bị trầm cảm, nhập viện điều trị hai tuần gia đình thấy ổn xin về. Hai tháng sau, gia đình báo cô đã nhảy giếng chết. Bệnh nhân tên O. ở Q.3, TP.HCM, điều trị tâm thần rất nhiều lần và tự tử trên chục lần. Cuối cùng cô cũng chết vì tự tử.

Chị V.T.T. 32 tuổi, ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM bị trầm cảm. Chị cho biết có chồng và một con, đang sống cùng mẹ chồng, dì, hai đứa cháu chồng trong ngôi nhà rất chật chội. Chồng không quan tâm gì, mình chị phải gánh hết, quá tải nên muốn chết. Bác sĩ hết lời khuyên chị phải sống vì con còn quá nhỏ. Cho thuốc trầm cảm về chị không uống và vẫn đi làm. Mấy tháng sau chị lén dùng dao lam rạch cổ tay đến chết...

img
Phổ biến cách tự tử trên Internet - trò đùa rất nguy hại

Làm thế nào để níu kéo sự sống?

Trong cuộc chạy đua giữa ý định tự tử và khát vọng sống, gia đình phải giữ vai trò quan trọng: tự giải quyết các xung đột xảy ra ngay trong nhà, đừng để con cái chứng kiến cảnh cha mẹ bất hòa... Cần quan tâm những người có nhân cách yếu, khép kín, trầm, ít nói, học sinh ít bạn bè, người bị stress cấp do mắc bệnh hiểm nghèo...

Khi phát hiện nên đưa bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Hiện nay đa số bệnh nhân tìm đến bác sĩ đa khoa (vì cho rằng mình không bị tâm thần), còn bác sĩ đa khoa thì biết bệnh nhân bị trầm cảm (mất ngủ, buồn chán...) nhưng “ôm bệnh”, không chuyển bác sĩ chuyên khoa; cho thuốc chống trầm cảm nhưng không nắm rõ nguy cơ của thuốc: dùng không đúng sẽ làm tăng tỉ lệ tự tử.

Dùng thuốc chống trầm cảm, bệnh nhân sẽ thấy hưng phấn nhưng cái chết vẫn còn luẩn quẩn trong đầu...

Bệnh nhân trầm cảm có ý định tự tử nên nhập viện ngay để có biện pháp quản lý và điều trị phòng ngừa. Sau ra viện, liên lạc thường xuyên với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn. Ngoài ra, cần được nhà tâm lý trị liệu tham vấn, khuyên giải, phân tích những tiêu cực của tự tử.

Cần lưu ý: tự tử thường xảy ra ban đêm do cơ chế thời sinh học liên đới làm người ta thức giấc với suy nghĩ đã âm ỉ.

Nhiều nước đã có trung tâm phòng ngừa tự tử ở thanh thiếu niên nhằm cảnh báo từ xa. Trung tâm có đường dây nóng, có bác sĩ điều trị, chuyên gia tâm lý giải đáp kịp thời cho người có ý định tự tử, hoặc gia đình gọi đến, cả ngày lẫn đêm. Tại VN, việc ra đời một trung tâm tư vấn phòng chống tự tử là rất cấp thiết.

Theo Ths.BS Nguyễn Ngọc Quang, đa số ca tự tử là có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Thống kê cho thấy 20% người tự tử chết trước khi được phát hiện, 80% do người nhà đưa đến đến bệnh viện nhưng sau đó họ lại tự tử thành công.

Đáng sợ nhất là người có ý tưởng tự tử ngấm ngầm - cả thầy thuốc và gia đình không ai biết nên không thể phát hiện.

Nhiều trường hợp quyết tâm tự tử, cấp cứu điều trị đến khi tươi tỉnh, về lại tự tử chết tại nhà. Chưa kể bệnh nhân tâm thần bị hội chứng hoang tưởng ảo giác, ảo thanh, trong đầu luôn có mệnh lệnh “phải chết”.

Thường sau khi cứu sống bệnh nhân tự tử, bác sĩ lại không quan tâm đến tư vấn. Về nhà cũng không trung tâm nào quản lý, ý định tự tử lại tái phát.

Theo Tuổi Trẻ