Ông Đỗ Duy Đô (thôn Lòng Thuyền, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) - địa phương có hội chọi trâu lâu đời và đặc sắc, một trong những hộ nuôi trâu chọi cho lễ hội Ất Mùi 2015 sắp tới chia sẻ: “Từ việc chọn trâu chọi cho đến cách chăm sóc trâu cho tới ngày ra sân chọi là cả một quá trình không hề đơn giản, nó không hề giống với cách chăm sóc trâu thông thường”.
Theo ông Đô, cứ tầm tháng 9-10 âm lịch là bắt đầu đi mua trâu. Trâu chọi khi mua về được chăm sóc rất đặc biệt và nghiêm ngặt. Khi mua trâu về phải làm lễ cúng đình làng hay còn gọi là lễ trình trâu, sau đó giao cho đại diện một gia đình trong thôn để nuôi. Người được giao chăm trâu phải cho trâu ăn no, ăn sạch và đủ chất, nghĩa là thức ăn chính là cỏ sạch, lúc nào cũng phải cung cấp đủ cỏ cho trâu ăn no, ngoài ra còn cho ăn các chất tinh như cám gạo, cám ngô, sắn củ, khoai lang, cỏ mật, nước sạch... Tất cả đồ dùng cho trâu ăn, uống đều phải đảm bảo sạch sẽ vệ sinh để trâu không bị nhiễm bệnh; về mùa hè mỗi ngày phải tắm cho trâu 1 lần, còn mùa đông thì ít hơn.
Sau khoảng vài tháng chăm sóc và làm quen với môi trường thì mới cho trâu ra đường dắt thả đi lại, luyện tập hình thể, đôi chân sức vóc và luyện sừng. Sau khi ăn Tết Nguyên đán xong, hàng ngày các chủ trâu đều cho trâu đi dạo trên đường, mặc đồng phục lễ hội, ra sân chọi tập luyện, gõ trống, khua chiêng cho trâu làm quen với tiếng ồn để đến khi vào sân chọi trâu không bị hoảng sợ.