Dân Việt

Giảm tải bệnh viện: Đẩy gánh nặng sang bệnh nhân?

Infonet 30/01/2015 08:07 GMT+7
Tại cuộc họp tổng kết ngành y, đã có 13 bệnh viện ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép. Niềm vui của chuyện không phải nằm ghép cũng khiến nhiều người trăn trở, lo ngạị.

Có con điều trị bệnh không hậu môn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chị H.T.L trú tại Chương Mỹ, Hà Nội tâm sự, con gái chị đã được phẫu thuật hai lần, tuy nhiên cháu còn phải điều trị ngoại trú dài dài vì hàng ngày phải nong. 

img

Những căn phòng trọ ẩm thấp bao quanh bệnh viện Nhi trung ương.

Thời gian điều trị hàng ngày khoảng 5 đến 10 phút nên con chị được cho ra điều trị ngoại trú. Chi phí điều trị ngoại trú với mẹ con chị L. nặng vô cùng. Mỗi ngày tiền thuê giường của mẹ con chị là 120 nghìn đồng chưa kể tiền ăn uống đi lại của hai mẹ con.

Chị L. cho biết cháu cũng không cần phải vào viện nằm riết ở đó nhưng nếu có nhà trọ từ thiện hay nhà trọ dành cho bệnh nhi ngoại trú của bệnh viện thì tốt cho những bệnh nhi như con chúng tôi quá. Chi phí cũng đỡ, không phải ở xa bệnh viện.

Tại các khu trọ quanh bệnh viện Nhi trung ương, cảnh lụp xụp, ẩm thấp bao trùm. Mỗi phòng có giá 100 đến 200 nghìn đồng/ngày nhưng với những người bệnh thì đó là gánh nặng. Song họ không có sự lựa chọn nào khác khi phải điều trị ngoại trú lâu dài, hàng ngày vào viện khám lại và tiêm.

Ông Lê Thanh Hải – Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết đã 4 tháng nay bệnh này không còn tình trạng nằm ghép. Để làm được điều này, theo vị lãnh đạo này, BV đã có hàng loạt giải pháp cải cách thủ tục hành chính. Thiết lập chặt chẽ quy định chuyên môn về sàng lọc, khống chế lượng bệnh nhân nhập viện để đảm bảo chỉ có 1.500 bệnh nhân nội trú.

Tuy nhiên, trước nỗi lo bệnh nhân lẽ ra còn được điều trị nội trú thì phải ra viện điều trị ngoại trú, ông Hải khẳng định bệnh viện dù giảm tải vẫn đảm bảo cho bệnh nhi đủ sức khỏe để ra viện, không có chuyện “dồn” bệnh nhân từ nội trú ra ngoại trú để bệnh viện bớt quá tải.

 

img

Quần áo, nhà trọ của các bệnh nhi điều trị ngoại trú quanh bệnh viện.

Khi người nhà bệnh nhân chưa muốn con ra viện vì sợ “còn non” ảnh hưởng đến sức khỏe, bác sĩ sẽ cân nhắc lưu lại bệnh viện trong vòng 5-6 giờ để theo dõi trước khi có quyết định điều trị nội trú hay ngoại trú. 

Nói về chuyện giảm tải, một bác sĩ tại Bệnh viện K trung ương cho rằng để đảm bảo mỗi bệnh nhân một giường không khó nhưng quan trọng phải đảm bảo trên sức khỏe của bệnh nhân. 

Trước băn khoăn bệnh nhân bị bệnh ung thư có khả năng sẽ phải ra ngoài thuê trọ để điều trị ngoại trú, tăng gánh nặng cho bệnh nhân khiến nhiều người bỏ qua cơ hội thời gian vàng trong điều trị ung thư, vị bác sĩ này cho biết chính điều đó nên bệnh viện K không mạnh dạn cam kết giảm tải, mỗi bệnh nhân một giường bệnh.

Bệnh viện Việt Đức được xem là bệnh viện thực hiện giảm tải tốt nhất. Từ năm 2004, bệnh viện này đã quyết tâm giảm tải bằng việc đưa các bệnh viện vệ tinh và thực hiện chủ trương giảm tải cân đối từng khoa phòng. 

Việc lo ngại bác sĩ có phải tăng thời gian phẫu thuật dẫn tới rủi ro tai biến cho bệnh nhân, GS, TS Nguyễn Tiến Quyết, giảm đốc bệnh viện, khẳng định không có chuyện như thế. Giảm tải phải dựa trên quá trình đánh giá đúng và đầy đủ chuyên môn. 

img

Căn phòng trọ VIP của một bệnh nhi ngay đằng sau bệnh viện Nhi với giá 250 nghìn đồng/ngày
 

Theo ông Quyết thực tế khám chữa bệnh có những bệnh nhân chữa dị dạng phải nằm viện 2 - 3 năm. Không chỉ riêng ở Việt Nam mà trên thế giới có những bệnh nhân nằm viện 5 năm điều trị liệt. Việt Nam không có điều kiện nên người bệnh được ra viện và thực hiện thủ thuật là điều bình thường. 

Hiện nay, bệnh nhân quá tải một phần là do chờ mổ. Còn việc đẩy bệnh nhân ra ngoại trú để giảm tải không phải như thế. Với bệnh nhân chạy thận nhân tạo cách nhật thì không thể nằm nội trú trong bệnh viện mà bệnh viện sẽ bố trí nhà trọ miễn phí cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, giảm gánh nặng cho bệnh nhân.