Ngày 29-1, Bộ Giáo và Đào tạo (GD-ĐT) đã ra thông tư ban hành Điều lệ trường CĐ do Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ký hôm 15-1 và có hiệu lực vào ngày 2-3. Văn bản đã quy định nhiều vấn đề mới về bộ máy quản lý và hoạt động của các trường CĐ. Tuy nhiên, thông tư này ra đời sau khi Luật Giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực ngày 1-7 khiến nhiều vấn đề được quy định có độ “vênh”, gây lo lắng.
Quy định về CĐ phi lợi nhuận
Điều lệ trường CĐ ban hành căn cứ vào Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH và các nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Theo đó, điều lệ này quy định về nhiệm vụ và quyền hạn, tổ chức và quản lý trường CĐ, hoạt động của trường CĐ, giảng viên và người học, tài chính và tài sản, quan hệ giữa trường CĐ với gia đình và xã hội, tổ chức thực hiện Điều lệ trường CĐ. Điều lệ áp dụng đối với các trường CĐ công lập, CĐ tư thục, CĐ cộng đồng, các trường CĐ là thành viên của các ĐH vùng, trường CĐ có vốn đầu tư nước ngoài…
Sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng trong giờ thực hành Ảnh: TẤN THẠNH
Điều lệ trường CĐ quy định việc tổ chức và quản lý của trường CĐ công lập như nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng trường, thủ tục thành lập hội đồng trường và bổ nhiệm chủ tịch hội đồng trường; hoạt động của hội đồng trường; miễn nhiệm chủ tịch và các thành viên hội đồng trường; quy định về hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, hội đồng tư vấn khoa học, hội đồng tư vấn... Điều lệ cũng quy định việc tổ chức và quản lý của trường CĐ tư thục như đại hội cổ đông, HĐQT, thành viên góp vốn…
Đặc biệt, Điều lệ trường CĐ đã đưa thêm quy định về tổ chức và quản lý của trường CĐ tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Theo đó, trường CĐ tư thục hoạt động không vì lợi nhuận không tổ chức đại hội đồng cổ đông. Các trường này được hưởng các chính sách hỗ trợ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển đội ngũ giảng viên; được ưu đãi thuế, miễn thuế và giảm thuế theo quy định của pháp luật thuế; được ưu tiên giao hoặc cho thuê đất; được ưu tiên tiếp nhận các dự án đầu tư, đặt hàng để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đối với những lĩnh vực mà trường có thế mạnh.
Khó thực thi
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ trường CĐ đã có nhiều ý kiến trái chiều. Một chuyên gia giáo dục tại TP HCM phân tích: Thông tư này được xây dựng mà không tham chiếu Luật Giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội thông qua ngày 27-11-2014 và sẽ có hiệu lực vào ngày 1-7 sắp tới. Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp thì các trường CĐ là cơ sở của giáo dục nghề nghiệp (gồm: trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường CĐ…). Do đó, việc Điều lệ trường CĐ căn cứ vào Luật Giáo dục ĐH thì không còn hợp lý vì trường CĐ không được xem là cơ sở đào tạo ĐH nữa.
“Đáng ra, thông tư ban hành Điều lệ trường CĐ phải dựa trên cơ sở cụ thể hóa Luật Giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội thông qua thì hợp lý hơn” - chuyên gia này nhận xét.
Hiệu trưởng một trường CĐ cho rằng Luật Giáo dục nghề nghiệp đã quy định rõ các vấn đề về tổ chức và hoạt động của các trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, như: cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hội đồng trường, HĐQT, hiệu trưởng, hội đồng tư vấn… Do đó, Điều lệ trường CĐ ra đời sẽ có độ “vênh” với Luật Giáo dục nghề nghiệp nên các trường sẽ rất khó thực thi.
Bên cạnh đó, Luật Giáo dục nghề nghiệp sẽ có hiệu lực vào ngày 1-7, trong khi Điều lệ trường CĐ có hiệu lực từ ngày 2-3 thì thời gian có hiệu lực của điều lệ này chỉ 4 tháng. Đây là một sự lãng phí công sức, tiền của cho việc xây dựng văn bản. Điều lệ này cũng rất khó đi vào thực tế trong thời gian ngắn như vậy.
Trả lời Báo Người Lao Động chiều 29-1, ông Dương Đức Lân - Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đơn vị được Chính phủ giao soạn thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp - cho biết Chính phủ cũng đang giao cho tổng cục soạn thảo các nghị quyết, nghị định, thông tư để hướng dẫn thực hiện luật này. Do vậy, các văn bản liên quan đến giáo dục nghề nghiệp như Điều lệ trường CĐ chỉ có hiệu lực đến trước ngày 1-7 mà thôi.