Mục tiêu đầu tiên mà chúng nhắm đến là nhà ông Nguyễn Tảo - Công an thôn 1 (Quế Phước) để trả thù. Do ông Tảo trước đây bạt tai Huỳnh Dũng (tức In) vì hành vi ăn trộm vịt trong thôn, cho nên, đây là người đầu tiên In đề xuất Minh “bớt” “xử”.
Trên đường đến nhà ông Tảo, chúng gặp anh Lê Văn Nông (quê Cẩm Châu, Hội An, cán bộ quân đội thuộc Thị đội Hội An) cõng gạo, lương thực trên đường về đơn vị, đang ngồi nghỉ ngơi. Để trang bị thêm vũ khí, chúng bắn anh Nông chết tại chỗ, lấy thêm một khẩu súng rồi hùng hổ kéo vào nhà ông Tảo.
Ông Tảo đang nằm nghỉ ngơi trên giường, bị chúng bắn chết tại chỗ. Vợ ông Tảo nghe tiếng súng nổ chạy ra thấy thế quỳ lạy van xin tha chết, nhưng chúng vẫn lạnh lùng bóp cò. Người phụ nữ đang mang thai gục chết bên vũng máu.
Các con của vợ chồng ông Tảo khóc lóc thảm thiết, nhưng chúng cũng không tha. Con trai ông Tảo trốn trong buồng và cô con gái núp dưới bếp cũng bị hai phát đạn lạnh lùng cướp đi mạng sống. Còn 3 chị em gái nữa đang đi chơi nhà hàng xóm, về gần tới nhà thấy thế bỏ chạy thục mạng.
Tại nhà ông Tảo, chúng cướp 1 súng M16 và 1 súng CKC cùng túi đạn...
Khoảng 20h cùng ngày, chúng kéo đến nhà anh Phan Thanh Đạt - thôn đội phó. Chưa kịp hiểu chuyện gì thì anh Đạt bị chúng bắn chết rồi cướp một khẩu súng.
Nghe tiếng súng nổ, anh Trương Hường, đội trưởng sản xuất, cầm súng carbine cùng anh Trương Quý, đội phó sản xuất, chạy ra cơ quan thôn 1 đánh kẻng báo động. Bọn chúng thấy vậy lần theo tiếng kẻng, lao tới bắn chết ông Hường rồi cướp súng. Còn ông Quý sợ quá trốn vào bụi gai.
Có nhiều súng, giết nhiều người, chúng càng hung hăng hơn, vừa đi vừa hét vang khiến bà con khiếp hãi, nhà nhà đóng cửa ẩn nấp.
Lúc này, ông Hà Nam, Bí thư Chi bộ thôn 1 cùng ông Lê Thư trong chi bộ, bí mật đi lên nhà ông Nguyễn Văn Dư - Bí thư Đảng bộ xã Quế Phước báo cáo tình hình. Biết chuyện, ông Dư chỉ đạo tập hợp lực lượng để triển khai truy bắt, đánh kẻng báo động tại các thôn, thông báo cho người dân không ai được ra đường...
Ông Lập, người thoát chết năm nào.
Thêm 3 du kích hy sinh
Tại xã Quế Phước, sau khi ông Hà Nam báo cáo xong tình hình, ông Dư - Bí thư xã viết giấy, giao hai du kích đưa xuống Công an huyện Quế Sơn ngay trong đêm cho ông Phạm Văn Cai, Trưởng công an huyện. Về phía lực lượng xã, ông Dư chỉ đạo đưa một tiểu đội đi tìm thi thể ông Trí. Sau một hồi lần tìm mới phát hiện chúng bỏ trong vườn mía.
Khuya 20.1.1980, ông Dư cùng thường trực ủy ban cũng đến từng nhà lập biên bản sự việc, rồi chỉ đạo lực lượng địa phương lo hậu sự cho các nạn nhân. 8h sáng cùng ngày Đảng bộ họp, xác định bọn chúng lên ẩn nấp trên núi, lực lượng địa phương không thể đột kích được mà chỉ chốt chặn đề phòng chúng xuống làng, chờ lực lượng chi viện.
Ông Dư chỉ huy, phân công ông Trương Thành Tá, Ngọc Lương, Nguyễn Văn Trình, Võ Chính chỉ đạo lực lượng Xã đội kiểm soát hợp tác xã, đưa lực lượng lên sườn núi chốt chặn. Bên cạnh đó, huy động du kích địa phương túc tực ở trụ sở xã, đề phòng chúng đột kích.
Xác định vây bắt bọn chúng là quá trình cam go, dài ngày nên lãnh đạo xã phát động bà con ủng hộ lương thực cho anh em thực hiện nhiệm vụ. Tuy là xã nghèo, nhưng chỉ trong buổi sáng đã huy động trên 2.000 lon gạo và nhiều thực phẩm khác...
Núi Bằng Trĩ - nơi Minh “bớt” ẩn nấp và tiêu diệt đồng bọn để ra hàng.
Ngày thứ 2 trôi qua trong căng thẳng, do đường sá xa xôi nên lực lượng của huyện và tỉnh vẫn đang hành quân lên. Đêm đó ai cũng lo lắng, nhất là bà con trong làng phải vào nhà đóng cửa, lực lượng du kích, xã đội túc trực tại các điểm chốt chặn, đề phòng chúng quay lại giết hại bà con.
Xác định đêm xuống bọn chúng sẽ quay về làng, về nhà để lấy lương thực, xã phân công nhiều tổ trực tại nhiều điểm dưới chân núi. Thế nhưng bọn chúng rất tinh ranh, trong đêm đã lẻn về làng cướp tài sản, lương thực. Khoảng 1h sáng 21.1.1980, Minh đưa đồng bọn đến nhà bà Tăng Thị Xoa, dùng súng uy hiếp và trực tiếp cạy tủ cướp 1 chỉ vàng, 100 đồng và nhiều tài sản khác, rồi lên núi để bàn kế hoạch hành động tiếp.
Tối cùng ngày, chúng đem tiền, vàng về cho vợ Dũng, rồi mang lương thực lên núi cầm cự. Khi đi, chúng phát hiện nhóm du kích của xã gồm 5 đồng chí: Đặng Văn Hiệp, Tô Bình, Nguyễn Văn Phẩm, Tân Định và anh Nguyễn Văn Mười nằm mai phục, đã bắn chết 3 du kích, anh Hiệp và anh Định thoát chết.
Sự lo lắng trong nhân dân và lực lượng truy lùng càng nhân lên sau sự việc trên. Công tác bảo vệ, chặn đường được thắt chặt hơn. Lại một đêm nặng nề, căng thẳng, đau thương nữa trôi qua...
Siết chặt vòng vây
Nhận thông tin, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo lực lượng công an và Tỉnh đội phối hợp với huyện Quế Sơn, xã Quế Phước truy bắt bằng được nhóm bạo loạn, giết người. Trưởng Ty công an tỉnh lúc bấy giờ là ông Trần Văn Đán chỉ đạo ông Nguyễn Rã - Phó giám đốc (sau này Giám đốc, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), nay đã nghỉ hưu) trực tiếp lên chỉ huy, tác chiến.
Khoảng gần 50 chiến sĩ công an nhận nhiệm vụ lên đường. Trong đó có ông Trần Kim Thành, Phó phòng Bảo vệ chính trị - Chống phản động; ông Nguyễn Thanh Hùng (nhận danh diệu Anh hùng LLVTND vào năm 1976), Đại đội phó Cảnh sát bảo vệ; ông Trương Văn Thanh cùng các chiến sĩ...
Họ đi xe lên đến Duy Xuyên, sau đó vượt sông bằng ca nô rồi tiếp cận hiện trường. Phía quân đội, ông Lý Hải, Tỉnh đội trưởng chỉ đạo lực lượng chốt ở vòng ngoài tại đèo Le, đề phòng bất trắc.
Một ban chỉ huy tiền phương được thành lập, do ông Nguyễn Rã làm trưởng ban; một đồng chí bên Tỉnh đội, bên UBND huyện và ông Nguyễn Văn Dư - Bí thư xã Quế Phước làm phó ban. Kế hoạch tác chiến được đưa ra bàn thảo, tất cả cùng thống nhất xiết vòng vây, bảo vệ cán bộ, nhân dân.
Thời điểm này, ban chỉ huy nhận định tình hình: Chúng cướp rất nhiều súng, hết sức manh động hòng gây tiếng vang; vị trí chúng trú ngụ ở núi Bằng Trĩ và những khu vực phụ cận. Chúng có bốn tên gồm: Nguyễn Minh (Minh “bớt”) cầm đầu, Hoàng Công Dũng (tức In), Huỳnh Luyến và Lương Lực (cậu ruột Minh).
Ban chỉ huy tiền phương xác định, chúng từng có kinh nghiệm trong chiến đấu, am hiểu địa hình, bắn tỉa tốt nên rất nguy hiểm, phải tiêu diệt bằng được, nếu không sẽ còn gây ra nhiều thương vong, người dân và lực lượng của ta...
Đại tá Thanh: “Đây là vụ án gây chấn động mấy chục năm nay”.