Dân Việt

NSƯT Kim Tử Long: 100 nghệ sĩ cải lương chưa chắc có 1 người thành "sao"

Bồng Sơn 30/01/2015 13:56 GMT+7
"Ở lĩnh vực khác rất dễ dàng có "ngôi sao" nhưng riêng cải lương, sân khấu, trường lớp có thể đào tạo ra 100 người nghệ sĩ nhưng chưa chắc có được 1, 2  người thành "sao" trên sân khấu", NSƯT Kim Tử Long chia sẻ quan điểm.

Nhiều năm qua, “rồng vàng cải lương” một thời Kim Tử Long luôn trăn trở về nền nghệ thuật sân khấu truyền thống của nước nhà. Anh chỉ ước nguyện mình nghề của mình có một nơi chốn để tất cả những nghệ sĩ cải lương có thể tụ hội, được sống hết mình trong nghệ thuật. Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với anh xung quanh những trăn trở này.

Không được trọn vẹn trong hôn nhân và bản thân anh dường như cũng có phần khắc nghiệt không muốn con gái mình - Kim Phụng bước chân vào lĩnh vực nghệ thuật, là do anh sợ con không thể vượt qua được cái bóng của mình?

img
Nghệ sĩ Kim Tử Long

- Từ xưa đến giờ, tôi lúc nào cũng muốn các con của mình học hành và theo đuổi những nghề nghiệp mà xã hội tôn vinh như bác sĩ, luật sư… chứ tôi không muốn con mình bước theo con đường mình đã đi. Tôi không cấm con mà thuận theo những gì con muốn.

Kim Phụng có dòng máu của tôi nên khi lớn lên trốn tôi để đi học hát, học hát không được thì chuyển qua học kịch, học điện ảnh… Đó là tự Kim Phụng đi học chứ tôi không ép, không bắt. Một thời gian sau, khi Kim Phụng đi hát được vài chương trình thì tôi mới theo dõi và cảm thấy Kim Phụng yêu nghề, thật sự muốn đi theo nghệ thuật nên tôi mới hun đúc, vun đắp cho con. Sự vun đắp ở đây tôi muốn nói đó chính là góp ý để con diễn được hay hơn chứ không phải lấy tên để cậy quyền bắt buộc hay xin người này, người kia cho con mình vai diễn lớn…

Kim Phụng không dựa vào cái bóng của cha đã có thể làm được rất nhiều thứ. Vậy thì ngoại trừ ca hát, diễn kịch, đóng phim ra anh đã thấy con mình có năng khiếu, có tài năng thì anh có hướng cho con mình đi theo để bảo vệ cái nôi của cải lương nước nhà?

- Đào tạo ra một diễn viên kịch nói, ca sĩ hay một diễn viên điện ảnh rất dễ. Bạn có sức vóc, có năng khiếu biểu diễn thì bạn có thể nổi tiếng hoặc được nhiều người chú ý. Nhưng đào tạo ra một nghệ sĩ cải lương rất khó nên tôi không chú trọng cũng không mong mỏi con mình có thể đi theo.

Bởi vì cái nghề này nó trở thành một nghệ sĩ giỏi, trở thành "ngôi sao" thì mới có được cuộc sống tạm ổn định, chứ còn một nghệ sĩ thường thì cuộc sống rất bếp bênh, rất khổ. Chưa kể, Tổ nghiệp của cải lương, sân khấu định dạng cho ai là “sao”, cho sự nghiệp người nào đó lên đến đỉnh điểm nữa dù rằng có thể người đó không có sắc vóc, không đẹp nhưng khi bước lên sân khấu là tự hình chung mình thấy họ như có một vầng hào quang bao quanh, nổi bật khiến ai cũng phải chú ý.

Ở lĩnh vực khác rất dễ dàng có "ngôi sao" nhưng riêng cải lương, sân khấu, trường lớp có thể đào tạo ra 100 người nghệ sĩ nhưng chưa chắc có được 1, 2  người thành "sao" trên sân khấu.

Nói như thế, lớp trẻ kế thừa sân khấu cải lương bây giờ đã và đang thiếu đi sự nổi bật, thu hút sự chú ý của người đi trước hay là không có được kịch bản, không được đào tạo bài bản, khán giả không còn yêu thích…, theo anh là do yếu tố nào?

img
Nghệ sĩ Kim Tử Long và con gái Kim Phụng

- Cái đó mình rất khó so sánh, mình không thể so sánh thế hệ đàn anh với thế hệ sau này. Mỗi thế hệ đều có lượng khán giả khác nhau nhưng cái quan trọng là có giữ được lâu hay không .

Tôi cảm thấy thế hệ của tôi có thể gọi là không may mắn bằng lớp trẻ sau này. Lớp trẻ sau này may mắn có công nghệ hiện đại, sân khấu đẹp, âm thanh ánh sáng hoàn hảo, rồi phòng thu hay cái gì cũng hiện đại hết. Còn chúng tôi ngày xưa, hát rạp, tất cả âm thanh, ánh sáng, cảnh trí đều là tự mình làm hết. Tuy nhiên, lớp chúng tôi may mắn hơn thế hệ bây giờ là lúc ấy là sân khấu hoàng kim.

Lúc đó chưa có gì hết nên khán giả chỉ biết đến sân khấu và một vở diễn chúng tôi có thể diễn mấy trăm suất, cả ngàn suất. Vì vậy cho nên khi mình diễn một vở nhiều lần và nhuần nhuyễn sẽ dễ để lại ấn tượng hơn, đi sâu vào lòng khán giả hơn.

Còn bây giờ các bạn chỉ diễn một hai đêm là hết, tập tành một vở diễn cực khổ để ra ngoài hát 2, 3 đêm rồi dẹp. Và chính vì chỉ hát 2, 3 đêm nên các bạn lơ là, không quan trọng trong lúc tập dợt, tập sơ sài rồi ra hát cho có chứ hát 2, 3 ngày tập chi cho nó cực khổ. Trong đầu suy nghĩ như vậy nên các bạn không có vai nào ấn tượng.

Thật ra khán giả họ vẫn luôn quan tâm đến cải lương, ví dụ, vở “Nửa đời hương phấn” được dựng lại cũng là sự kiện đáng chú ý, anh có thấy như vậy?

- Khán giả cải lương luôn muốn xem những vở hay, họ vẫn nôn nao muốn đến rạp để xem những vở do “kép, đào” họ yêu thích thể hiện bên ngoài chứ không phải qua mạng, qua băng, đĩa. Tuy nhiên, quan trọng nhất, thành phố mình không có rạp hát cải lương ngoại trừ rạp hát Thủ Đô. Nhưng hiện nay nhà hát cũng đã cũ, xuống cấp từ ghế đến âm thanh, sân khấu…

Các nghệ sĩ vẫn luôn thực hiện những vở diễn cho riêng mình hoặc tái dựng lại các vở diễn kinh điển nhưng kinh phí để thực hiện luôn ở con số “khủng” thì làm sao có thể biểu diễn thường xuyên. Vấn đề giá vé cũng khiến cho khán giả nghi ngại nhưng nếu bán giá vé không cao thì làm sao có thể trang trải, bù lỗ cho chi phí đã bỏ ra. Và những vở diễn, liveshow riêng đa phần chỉ là những trích đoạn cũng chỉ diễn 1-2 đêm.

Tâm nguyện của anh chính là mong muốn có “thánh đường” riêng cho nghệ thuật cải lương, đờn ca tài tử?

- Đúng vậy. Vì không có sân khấu riêng nên khi các nghệ sĩ thực hiện phải vào các nhà hát như Bến Thành, Hòa Bình, Thủ Đô… Chi phí cho địa điểm đã hàng chục triệu đồng, chưa kể chi phí tập dợt. Dù tôi có yêu nghề cỡ nào thì cũng chỉ “gồng” thực hiện 1, 2 lần để tri ân khán giả, được thỏa lòng với nghệ thuật.

Chưa kể cảnh trí, phục trang diễn xong lại bỏ nên rất hoang phí. Đâu phải chỉ riêng tôi mà các nghệ sĩ khác cũng chịu cảnh như vậy. Điều đau lòng hơn trước thực trạng hiện nay là khán giả muốn đi coi cải lương thì không biết xem ở đâu. Sân khấu cho cải lương hiện nay cũng là tạm bợ chứ không phải là một cái rạp hát chuyên biệt, dành riêng cho cải lương.

Thẳng thắn, thật sự mà nói là chúng tôi không có rạp hát cho riêng mình. Nghệ thuật cải lương, đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhưng lại không có đất, một nơi chốn để nó phát triển. Ở đây, tôi không nói đến sự trở lại thời hoàng kim ngày xưa của cải lương mà là sự tồn tại, truyền lại cho khán giả, lớp trẻ để được học, hiểu.

Tôi chỉ ước mong các cơ quan lãnh đạo đầu tư một cái rạp cải lương chỉn chu, tử tế, đầy đủ trang thiết bị, giá thuê thấp một chút để anh, em nghệ sĩ có nơi, chốn đàng hoàng và cũng không phải hoang phí những thứ không đáng có. Hoặc chúng ta kết hợp với du lịch để có thể quảng bá, bảo tồn môn nghệ thuật truyền thống này.

Bây giờ nếu lớp chúng tôi hoặc những người lớn tuổi mất đi thì ai đến xem, ai tìm hiểu và biết được môn nghệ thuật này.

-  Xin cảm ơn anh!