Sau những bước lùi của TTVN trên đấu trường ASIAD, Olympic những năm gần đây, câu chuyện "đầu tiên" thường được đưa ra. Nhưng cần nhớ, quá khứ thiếu thốn hơn nhiều mà vẫn có những mốc son mà đỉnh cao là HCB Olympic 2000 của nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân. Chính việc không biết tiêu tiền mới là nguyên nhân của sự sa sút.
Kỳ thủ Lê Quang Liêm (phải) trong một giải đâú quốc tế. |
TTVN như một nhà nghèo, nhưng cha mẹ không dạy con đúng cách. Thay vì đùm bọc, giữa các môn thường xuyên xảy ra tị nạnh. Thậm chí có hiện tượng (quân anh-quân tôi) quân Bắc-quân Nam trong chính một môn. "Có nhiều HLV chỉ chú trọng cho VĐV "ruột" còn các VĐV địa phương khác thì ít quan tâm", ông Hoàng Vĩnh Giang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UB Olympic VN nói.
Và thay vì phải dùng "cây roi" gia pháp để đưa mọi thứ đi đúng đường, thì trong nhiều năm, TTVN lại đầu tư dàn trải. Ngay cả những môn không có hy vọng gì ở ASIAD vẫn có kinh phí đi tập huấn, thi đấu với mục tiêu chuẩn bị cho… SEA Games (?!). Trong khi đó, nhiều VĐV trọng điểm lại không được đầu tư đúng mức nên "rơi vàng" trong tiếc nuối.
Kỳ thủ Lê Quang Liêm
Đáng ra, sau khi "hú hồn" ở ASIAD 2006, TTVN đã phải xác định được 10 môn trọng điểm loại 1 để đầu tư, chứ không phải đợi đến thất bại ở ASIAD 2010 (1 HCV duy nhất của karatedo) rồi mới ngã ngửa.
"Chúng ta cần phải tập trung vào những môn thể thao Olympic, thay vì chỉ lo kiếm huy chương SEA Games" - ông Lê Quý Phượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT khẳng định.
Sắp tới, UB Olympic VN sẽ đề xuất với Tổng cục TDTT không cần tập trung đội tuyển dài hạn nếu VĐV vẫn tăng thành tích tốt khi ở địa phương. Nếu có thể, cũng sẽ trao kinh phí để địa phương lo tập huấn nước ngoài.
Nếu VĐV của một địa phương đoạt vàng, bạc, đồng Olympic, địa phương đó sẽ được tính lần lượt bằng 5, 3, 2 HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc. Còn nếu đoạt ở ASIAD thì được tính với tỷ lệ 3, 2, 1. Địa phương có VĐV giành quyền dự Olympic bằng cửa chính cũng được tính bằng 1 HCV.
Chính Minh