Đọc tâm sự nào về chuyện "trọng nam, khinh nữ" trên DV, tôi cũng khóc. Có lẽ bởi bi kịch của mọi người cũng chính là bi kịch trong chính gia đình của tôi.
Những cơn say rượu, những trận quát tháo, đánh đập của bố cứ tăng dần theo số lượng của những đứa con gái. Từ khi em gái thứ tư chào đời thì không còn ngày nào bình lặng nữa.
Chúng tôi cứ lớn dần lên trong nỗi bất an từng ngày, thường phải chứng kiến cảnh mẹ bị chửi rủa, đánh đập. Chúng tôi cũng chẳng hơn gì khi cả ngày bị hành hạ bởi những câu chửi đầy dung tục, những trận đòn roi vô cớ.
Mẹ tôi đã làm việc quần quật từ sáng đến tối để kiếm miếng cơm nuôi cả nhà. Nhưng về đến nhà là lại ăn cơm chan nước mắt và bị dày vò vì đã đẻ ra toàn con gái.
Đến khi nhận thức được thì ý nghĩ nung nấu nhất trong chúng tôi là mong bố mẹ sớm ly hôn. Đã bao lần chúng tôi viết đơn thay mẹ nhưng mẹ không ký mà chỉ bảo: "Đã lấy chồng thì điên hay dở cũng là chồng mình".
Chị gái tôi là người giống mẹ nhất, chị vất vả nhất trong bốn chị em nhưng vẫn bị bố đánh đập nhiều nhất. Có lần bố tôi dẫn bạn nhậu về nhà, đưa chị tôi một xiên cá rô và bảo: "Rán nhanh cho tao tiếp bạn". Mới chín tuổi nhưng vì phải thay mẹ làm việc nhà và chăm các em từ nhỏ nên chị làm cá rất nhanh, loáng cái đã mổ và ướp xong. Trong lúc chị còn đang lúi húi chất bếp thì bố tôi từ trên nhà xuống, thấy cá vẫn chưa chín liền túm tóc chị tôi và bảo: "Mày làm cái gì mà giờ bếp vẫn chưa cháy hả con ăn hại kia? Để tao dí đầu mày vào đây chất cùng luôn cho khỏi phải nhìn thấy mày nữa". Chị tôi khóc, van xin bố mà vẫn bị rủa thêm một lúc mới yên.
Trong lúc đang rán cá, em gái út lúc đấy mới gần hai tuổi lại tiểu tiện ra quần nên chị phải đi thay rửa cho em. Quay lại thì cá đã bị cháy mất một mặt, mặt chị tôi cũng xám lại vì sợ. Khi nhìn thấy cá cháy, bố tôi như phát điên, gầm tên chị tôi lên. Một cái tát trời giáng làm chị ngã xuống đất với những câu chửi tục tĩu. Vì bị mấy ông bạn kích bác cộng thêm việc chán ghét "mấy đứa con gái vô tích sự" từ lâu nên bố đã bắt chị cởi hết quần áo và đuổi đi, mặc chị và chúng tôi van xin, khóc lóc. Khi chị vừa bị đánh đuổi đi vừa khóc thì bố tôi và mấy ông khách lại cười đầy khoái trá.
Chị đã bị đuổi đi trong bộ dạng ê chề như thế, còn chúng tôi bị nhốt trong bếp. Khoảng hai tiếng sau thì mẹ tôi về, thấy chồng nằm ngủ trên nền đất, các con bị nhốt. Nghe chúng tôi kể chuyện lúc chiều, cả 4 mẹ con cùng khóc. Rồi mẹ tôi vội vàng đi tìm chị.
Từ sau lần đấy, mỗi lần bố đánh chửi chị tôi đều im lặng chịu đựng, không bao giờ nói hay chống cự. Chị luôn nung nấu một ý nghĩ "chị em mình phải thoát khỏi nhà này, thoát khỏi ông ấy". Và chị tôi cố gắng học, chị đi học Đại học mà còn làm thêm tối ngày để gửi tiền về phụ mẹ nuôi chúng tôi.
Tốt nghiệp Đại học chị làm luôn ở thành phố, một năm chỉ về nhà 1 lần vào dịp Tết. Mỗi lần muốn gặp chúng tôi chị lại mua vé xe cho 4 mẹ con tôi xuống chơi với chị. Cứ như thế đến khi chị nuôi xong cả 3 chị em tôi học đại học, hơn 30 tuổi chị vẫn không lấy chồng.
Mỗi lần mẹ tôi đau khổ giục thì chị chỉ bảo: "Lấy chồng để sống khổ như mẹ thì ở vậy cho rồi! Sinh ra làm thân đàn bà đâu nhất thiết phải nhục nhã như vậy". Mặc mẹ tôi khóc lóc và năn nỉ, chị cũng chưa bao giờ quan hệ và yêu thương một người đàn ông nào.
Mọi người xung quanh đều bảo chị tôi "điên", "hâm dở". Nhưng hơn ai hết, tôi hiểu và thương chị mình vô hạn. Họ đâu biết rằng chị đã khổ nhục thế nào khi là một đứa con gái. Từ cái ngày bị đuổi khỏi nhà không một miếng vải che thân, đi quãng đường 3km đến nhà bà ngoại, chị đã chịu bao cái nhìn đầy ghẻ lạnh, xa lánh, chế giễu…Vậy thì có gì lạm khi chị tôi sợ hãi đàn ông, sợ lại phải đẻ ra một đứa con gái như mình.