Dân Việt

Đêm xuyên rừng thâm nhập con đường ngà voi

19/05/2011 19:56 GMT+7
(Dân Việt) - Không kịp nghỉ ngơi, tên đội trưởng thúc cả đám quay sang bên kia biên giới chờ hàng “độc” về. Trên đường đi, tên này phân việc cho từng người; chỉ những tay thân tín, nhanh nhẹn mới được giao vác ngà voi.

Thời gian gần đây cơ quan chức năng liên tục phát hiện hàng loạt phi vụ mua bán, vận chuyển trái phép ngà voi vào Việt Nam. Theo điều tra riêng của NTNN, ngà voi được mua bán, vận chuyển bí mật, các đối tượng buôn lậu sẽ có siêu lợi nhuận sau mỗi chuyến hàng thành công.

img
Việt Nam được coi là điểm trung chuyển ngà voi từ các quốc gia trên thế giới.

Chúng tôi đến cửa khẩu Cầu Treo (Hương Sơn, Hà Tĩnh) – một trong những cửa ngõ các đối tượng buôn bán ngà voi vận chuyển vào nội địa. Nhiều nguồn tin cho biết, có những chuyến bọn buôn lậu vận chuyển tới 5 tấn ngà voi qua đây, chúng chia thành nhiều gùi để cửu vạn vác qua cửa khẩu.

Nhập vai cửu vạn

Qua người họ hàng buôn bán ở cửa khẩu Cầu Treo, tôi xin được gia nhập đội cửu vạn bốc vác hàng lậu tại đây. Nghe đồn thổi đã lâu nhưng chưa bao giờ tận mắt chứng kiến ngà voi đầu đuôi, to nhỏ thế nào nên đêm đầu làm cửu vạn cũng khiến tôi hồi hộp.

Chúng tôi (đám cửu vạn) lên đường vào sẩm tối, đội trưởng đội cửu vạn cầm bộ đàm trong tay đưa cả đội đi xuyên rừng. Vượt qua mấy con dốc cao chúng tôi đến được đất Lào, cả nhóm theo hiệu lệnh của đội trưởng đứng ở cầu Nam Tuồng (Lào) chờ đợi hàng lậu về.

Một tên thân cận với đội trưởng xì xào: “Hôm nay có hàng “độc” về đấy, anh em làm mấy cuốc (gùi) bò húc, ti vi rồi quay sang chờ hàng về”. Dò la hỏi thêm, tôi mới biết hàng độc chính là ngà voi, sẽ được đưa về qua cửa khẩu.

Ngồi chưa ấm chỗ, cả đám ùa chạy theo đội trưởng, tôi giật mình cũng ùa theo. Cửa thùng chiếc xe tải mở ra, tôi thấy toàn là hàng lậu Thái Lan chuyển về với nhiều mặt hàng khác nhau. Tôi là “lính mới” nên chỉ được gùi 6 két bò húc để làm quen.

img
Cơ quan chức năng bắt giữ lô ngà voi ở Quảng Ninh.

Đường rừng khó đi, gặp hải quan, hay bộ đội biên phòng, vác nhẹ sẽ dễ bề chạy hơn. Chỉ trong vòng gần 1 tiếng, chuyến hàng lậu đã dễ dàng về Việt Nam, chỉ việc bốc lên xe đã chờ sẵn.

Không kịp nghỉ ngơi, tên đội trưởng thúc cả đám quay sang bên kia biên giới chờ hàng “độc” về. Trên đường đi, tên này phân việc cho từng người; chỉ những tay thân tín, nhanh nhẹn mới được giao vác ngà voi.

Tiếp cận hàng độc

Phải chờ gần hai tiếng trong đêm, đám cửu vạn chúng tôi mới được đội trưởng dẫn lên rừng. Lên một đỉnh đồi thấp nơi giao nhau giữa biên giới Lào - Việt, chúng tôi thấy một đám cửu vạn người Lào chờ sẵn ở đó.

Trong đêm tối, họ ngồi bệt giữa rừng, nhưng trên vai vẫn giữ nguyên cái gùi màu đen. Khoảng 20 chiếc gùi này, mỗi chiếc có một cặp ngà voi. Các cửu vạn nhanh chóng chuyển hàng cho nhau để rút khỏi địa điểm nhạy cảm này.

Ngà voi chủ yếu được mua bán từ các nước châu Phi, và một số ít nước châu Á. Việt Nam được coi là điểm trung chuyển ngà voi từ các quốc gia trên thế giới, sau đó bán cho các đầu nậu Trung Quốc. Các đối tượng buôn lậu luôn thay đổi phương tiện vận chuyển, khi thì máy bay, khi tàu biển, đường bộ....

Tôi được giao cầm đèn rọi đường. Hai đội rẽ hai đường khác nhau, luồn lách vào rừng rậm. Trên đường về qua cửa khẩu, đội trưởng cửu vạn đi đầu cầm bộ đàm liên tục liên lạc với chủ hàng, và dặn bộ hạ phải cẩn thận quan sát, chú ý hai bên tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Đi được nửa quãng đường, thấy ánh đèn lấp loá đi ngược chiều, cả đám cửu vạn lập tức tìm những cây nhỏ kín, nằm im phăng phắc.

Tôi thì thầm hỏi một tên cửu vạn thì được cho hay là bộ đội biên phòng đi tuần. Đúng như dự đoán, mấy chiến sĩ biên phòng cầm đèn pin to, tia sáng khoảng vài chục mét đi tuần tra. Không thấy động tĩnh gì, họ lại tiếp tục đi.

Chờ cho bộ đội biên phòng đi khá xa, đám cửu vạn mới nhấp nhổm đứng dậy đi tiếp. Đến gần sáng, 20 gùi ngà voi đã được bàn giao cho những ông chủ lạ mặt.

Hỏi đám cửu vạn cũng không biết nhiều về nguồn gốc của số ngà voi này từ đâu tới, chỉ loáng thoáng là được trung chuyển qua nhiều quốc gia, từ châu Phi, qua các cảng biển Thái Lan, đến Lào sau đó vào nước ta…

------------------

Kỳ 2: Những chiếc ngà voi bạc tỷ